Luận án tiến sĩ của NCS Trần Thị Lan

Cập nhật: 6/16/2022 - Lượt xem: 11743

TRÍCH YẾU LUẬN ÁN

PHẦN MỞ ĐẦU

Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Lan

Tên đề tài luận án: Hiệu quả của bổ sung đa vi chất dinh dưỡng và tẩy giun ở trẻ em 12-36 tháng tuổi suy dinh dưỡng thấp còi, người dân tộc Vân Kiều và Pakoh huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

Chuyên ngành: Dinh dưỡng

Mã số: 62.72.03.03

Hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh và PGS.TS. Lê Thị Hương

Tên cơ sở đào tạo: Viện Dinh dưỡng

PHẦN NỘI DUNG

Mục tiêu nghiên cứu

  1. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng (TTDD), nhiễm giun của trẻ 12 đến 36 tháng tuổi người Vân Kiều, Pakoh huyện Đakrông, xác định mối liên quan giữa nhiễm giun với TTDD của trẻ.

  2. Đánh giá hiệu quả của tẩy giun và bổ sung đa vi chất dinh dưỡng (VCDD), nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ 12-36 tháng tuổi, người dân tộc Vân Kiều và Pakoh huyện Đakrông.

  3. Đánh giá hiệu quả của tẩy giun và bổ sung đa VCDD đến cải thiện tình trạng thiếu VCDD (thiếu máu, thiếu vitamin A, thiếu kẽm) và hormon tăng trưởng IGF-I của trẻ.

Đối tượng nghiên cứu:

Trẻ 12 đến 36 tháng tuổi, thuộc 4 xã  huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu bao gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1- Điều tra mô tả cắt ngang nhằm đánh giá TTDD và nhiễm giun. Nghiên cứu được tiến hành trên cỡ mẫu 680 trẻ, phân bố trên 4 xã, 36 thôn, 98% là dân tộc Vân kiều và Pakorh, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị 

Giai đoạn 2- Thử nghiệm can thiệp cộng đồng có đối chứng để đánh giá hiệu quả của bổ sung đa VCDD và tẩy giun. 284 trẻ SDD thấp còi, được chia ra 4 nhóm (theo đơn vị thôn, mỗi nhóm 70-73 trẻ) với các can thiệp khác nhau. Sau 6 tháng can thiệp, có 13 trẻ bỏ cuộc và 271 trẻ được đưa vào phân tích số liệu và đánh giá hiệu quả can thiệp, phân bổ vào các nhóm như sau:

  • Nhóm chứng (Chứng, n=69), trẻ  không bị nhiễm giun, không can thiệp gì

  • Nhóm Tẩy giun (TG, n=65) trẻ bị nhiễm giun, được tẩy giun bằng 1 liều Mebendazole 500mg trước khi bắt đầu nghiên cứu can thiệp

  • Nhóm đa vi chất (ĐVC, n=69): trẻ không nhiễm giun, được bổ sung gói ĐVC trong vòng 26 tuần; mỗi tuần 7 ngày và mỗi ngày 1 gói

  • Nhóm Tẩy giun+đa vi chất (TG+ĐVC, n=68), trẻ bị nhiễm giun, được tẩy giun 1 liều Mebendazole 500mg, đồng thời bổ sung gói ĐVC trong vòng 26 tuần; mỗi tuần 7 ngày và mỗi ngày 1 gói

Các phương pháp đã sử dụng

  • Đánh giá tình trạng dinh dưỡng dựa theo các chỉ số: Cân nặng/tuổi, chiều cao/tuổi, cân nặng/chiều cao, theo chuẩn của WHO 2005

  • Đánh giá tình trạng nhiễm giun bằng xét nghiệm Kato-Katz; phân loại theo WHO 2002

  • Đánh giá tình trạng VCDD: thiếu máu bằng chỉ số Hemoglobin (phương pháp cyanmethemoglobin); Vitamin A bằng chỉ số Retinol huyết thanh (phương pháp HPLC); tình trạng kẽm bằng Kẽm huyết thanh (phương pháp AAS)

  • Hormon IGF-I (phương pháp ELYZA, KIT IGF-1 6000, DRG, USA).

Các kết quả chính và kết luận

1.  Tỷ lệ SDD và nhiễm giun của trẻ em từ 12-36 tháng tuổi, vùng dân tộc Vân Kiều và Pakoh huyện Đakrông:

  • Tỷ lệ SDD ở mức rất cao về YNSKCĐ: 55,0% SDD thể nhẹ cân; 66,5% SDD thể thấp còi và 16,2% SDD thể gầy còm. Tỷ lệ SDD có chiều hướng tăng theo lứa tuổi của trẻ.

  • Tỷ lệ nhiễm giun cao: nhiễm giun chung là 31,6%, trong đó nhiễm giun đũa (24,6%), giun móc (6,5%) và giun tóc (6,2%). Tỷ lệ nhiễm giun ở trẻ từ 12-23 tháng tuổi là cao (27,0%), ở trẻ 24-36 tháng tuổi là 35,5%. Tỷ lệ nhiễm giun phân bố đều giữa nhóm trẻ SDD và trẻ không SDD.

2.  Hiệu quả tẩy giun và bổ sung đa vi chất tới tình trạng dinh dưỡng của trẻ SDD thấp còi:

  • Tẩy giun đơn thuần chưa có hiệu quả rõ rệt tới cân nặng, tăng chiều cao và tỷ lệ SDD ở trẻ

  • Bổ sung ĐVC có tác dụng tăng cân nặng, tăng chiều cao, giảm tỷ lệ SDD nhẹ cân và thấp còi của trẻ. Bổ sung ĐVC có hiệu quả tốt hơn TG đơn thuần.

  • Phối hợp TG và bổ sung ĐVC có tác dụng hiệp đồng làm tăng tốt hơn cân nặng, chiều cao của trẻ và giảm tỷ lệ SDD nhẹ cân, SDD thấp còi.

  • Nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi có hiệu quả tốt hơn so với trẻ trên 24 tháng tuổi.

3.  Hiệu quả tẩy giun và bổ sung đa vi chất tới tình trạng vi chất dinh dưỡng, nhiễm khuẩn, yếu tố tăng trưởng IGF-I của trẻ:

  • Tẩy giun đơn thuần chưa có hiệu quả rõ rệt cải thiện nồng độ hemoglobin, retinol, kẽm,  IGF-I; chưa giảm ý nghĩa tỷ lệ thiếu máu, thiếu vitamin A, thiếu kẽm, IGF-I thấp; chưa thấy tác dụng rõ rệt giảm bệnh tiêu chảy và viêm hô hấp cấp tính ở trẻ SDD thấp còi.

  • Bổ sung ĐVC có hiệu quả rõ rệt cải thiện nồng độ hemoglobin, retinol, kẽm, IGF-I.  Bổ sung ĐVC làm giảm ý nghĩa tình trạng viêm hô hấp cấp tính ở trẻ.

  • Phối hợp TG và bổ sung ĐVC có tác dụng phối hợp, cho hiệu quả tốt hơn TG hoặc bổ sung ĐVC đơn lẻ, làm tăng rõ rệt hàm lượng Hb, retinol, kẽm, IGF-I, cũng như cải thiện tình trạng bệnh tiêu chảy và viêm hô hấp cấp ở trẻ.

Những đóng góp mới của luận án

1.  Chứng minh tác dụng kết hợp giữa bổ sung đa vi chất và tẩy giun có hiệu quả tốt hơn tẩy giun hoặc bổ sung ĐVC đơn lẻ: cải thiện TTDD,  tăng nồng độ VCDD; và yếu tố tăng trưởng IGF-I, giảm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa và hô hấp cấp; trẻ dưới 24 tháng tuổi có hiệu quả tốt hơn so với trẻ trên 24 tháng tuổi.

2.  Chứng minh tẩy giun sớm cho trẻ 12-23 tháng tuổi, triển khai tại cộng đồng an toàn và hiệu quả, là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách xem xét và đưa ra hướng dẫn tẩy giun cho trẻ từ 12 tháng tuổi ở Việt Nam, theo như khuyến cáo của WHO, áp dụng cho những vùng có tỷ lệ nhiễm giun cao.

 

NGƯỜI HƯỚNG DẪN 1




PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh

NGƯỜI HƯỚNG DẪN 2



 PGS.TS. Lê Thị Hương

NGHIÊN CỨU SINH





Trần Thị Lan

 

Download Luận án (Toàn văn) và Luận án (Tóm tắt) theo đường links sau:

Luận án (Toàn văn)

Luận án (Tóm tắt)