Canh tập tàng

Cập nhật: 5/27/2017 - Lượt xem: 12243

Tôi có anh bạn làm cùng công ty, cao, to, khá điển trai, lịch lãm khi cưới vợ ở quê đã nhận được phong bì mừng vô danh kèm hai câu ca dao:

“Trách người quân tử vô tình

Có gương để cạnh bên mình chẳng soi”.

Anh và tôi đều biết phong bì ấy là của ai rồi. Không muốn giải thích chuyện này một hôm anh nói: “Chủ nhật tới ông có rảnh mời về quê tôi chơi!”. Tôi nhận lời và không ngờ hôm đó lại được thưởng thức món canh làm tôi nhớ mãi hương vị và cái tên dân dã đặc biệt ngoài việc hiểu tại sao bạn tôi “có gương để cạnh bên mình chẳng soi”.                                                                                                                               
Chả là anh bạn quá biết về hoàn cảnh của tôi: sinh ra, lớn lên ở Hà Thành nhưng mồ côi mẹ từ nhỏ lại chưa có mảnh tình vắt vai, suốt tháng, suốt năm diễn đều cơm hàng hoặc đồ ăn nhanh như những người ở quê ra Hà Nội làm việc, nên nói với chị vợ: “Em cứ làm cơm như vẫn nấu cho anh nhé!”                                                                                                          
Mâm cơm bày ra sạch sẽ tinh tươm. Có thịt gà, cá chép… nhưng tôi thích nhất vẫn là món canh rau ăn với cà pháo ròn ròn, trắng muốt, hơi chua. Nghe tôi nói chưa được ăn canh ngon này bao giờ chị nhỏ nhẹ: “Chúng em gọi đây là món canh rau tập tàng anh ạ! Rau tập tàng là nhiều loại rau được trộn với nhau như rau dền, mồng tơi, rau sam, lá ớt non, rau lang, rau má, bồ ngót, lá lốt, mã đề, ngò tàu, rau ngổ…nấu với tôm (hoặc cua đồng) vừa bắt về đem rửa sạch, bóc vỏ, ướp với nước mắm, hành, tiêu cho thấm. Sau đó phi thơm hành, bỏ một ít ớt bột vào để có màu, tiếp đến cho tôm đã ướp thấm vào xào qua độ hai hoặc ba phút, rồi thêm nước lạnh tùy theo lượng rau. Đun sôi đều với lửa vừa phải để tránh sôi mạnh quá sẽ làm nước đục. Nước sôi, cho lần lượt các loại rau vào tùy theo độ cứng của rau. Trước tiên là bồ ngót, tiếp đến có thể là rau lang, rau má, mồng tơi, mã đề… Khi các loại rau trên gần chín thì cho tiếp lá lốt, rau sam, ngò tàu… rồi trộn đều trước khi nhắc xuống để tránh rau bị nhũn. Tất cả vừa chín tới là đạt được bát canh  ngon nhất. Món canh rau tập tàng đậm chất quê hương với  vị chua chua của rau sam, đến vị ngọt đậm đà của rau ngót, tôm, cua, vị đắng nhẹ nhàng của khổ qua, vị thơm thơm của mướp vừa hái, hoặc ngọt ngào của bắp non….lại có thêm quả cà đưa đẩy mồm nhai, tai nghe thật là đáng nhớ. Mùi vị tập tàng hòa quyện một cách hài hòa và trở thành một món ăn ngọt lành, thanh đạm, thú vị nên những ngày nóng nực có tác dụng thanh nhiệt, giải cảm, lợi tiểu, chống táo bón, giảm cân…”   
       
Canh Tập tàng nấu cua (ảnh minh họa) 
                                                                                             
Sau bữa cơm ngon lành, trong lúc tôi và anh bạn ngồi uống nước trà tươi chị đưa cho tôi xem bài thơ mà anh gửi từ Hà Nội về tặng. Bài thơ có tiêu đề là: “BÁT CANH TẬP TÀNG.” Trong đó có những câu mộc mạc nhưng thấm đượm tình yêu quê hương đất nước và một nửa của mình:                                                                                             

“Chỉ là một bát canh thôi

Mà anh đi tận cuối trời không quên

Vườn quê rau rệu rau rền

Tập tàng ngọt ánh mắt hiền em tôi

Mặn mòi đất mẹ em ơi

Nuôi lúa lúa tốt nuôi người người duyên…

         và 2 câu kết:                “Ước ao một bát canh thôi

Xa quê nhớ đất nhớ người tôi yêu”

làm tôi hiểu tại sao chiều thứ bẩy nào anh cũng vội vã phóng xe về quê.
                                                                     
                                                    Linh Tâm - Thân tặng Vân Hạc, Hiền Nga!