Hãy hành động để giảm muối trong bữa ăn người Việt

Cập nhật: 7/9/2018 - Lượt xem: 5268

Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ở Việt Nam, năm 2012, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với tỷ lệ chiếm 73% tổng số các ca tử vong, trong đó tử vong do bệnh tim mạch chiếm 33%. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch, đặc biệt là đột qụy. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc tiêu thụ thừa Natri sẽ làm tăng huyết áp trong suốt cuộc đời, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch khác. Nhiều nước như Nhật Bản, Phần Lan đã thực hiện thành công việc giảm muối trong khẩu phần ăn của người dân từ những năm 1970, ở Anh năm 2003. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2007 cho thấy nhiều quốc gia thành viên đã xây dựng chiến lược quốc gia về giảm natri và hiện nay trên thế giới, có 32 quốc gia đang hành động để giảm lượng tiêu thụ natri trong bữa ăn của người dân. Đối với hầu hết các nước, một chương trình giảm natri/muối trong khẩu phần sẽ là một trong các giải pháp hiệu quả nhất để cải thiện tình trạng sức khoẻ của người dân. Năm 2012, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra Hướng dẫn về khẩu phần Natri cho người trưởng thành và trẻ em. Theo đó, Hướng dẫn đã khuyến cáo giảm mức tiêu thụ Natri cho người ≥16 tuổi, có hoặc không mắc tăng huyết áp, kể cả phụ nữ có thai hoặc phụ nữ cho con bú để giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh mạch vành tim với mức tiêu thụ nên là < 2g Natri/ngày (tương đương <5g muối/ngày). Khuyến cáo giảm khẩu phần Natri để kiểm soát huyết áp ở trẻ em (2-15 tuổi) cũng được đưa ra với mức khuyến nghị tối đa bằng với người trưởng thành (2g Natri/ngày) được điều chỉnh theo tương quan với nhu cầu năng lượng khuyến cáo cho trẻ em. Khuyến cáo này không áp dụng cho người bệnh hoặc đang dùng thuốc giảm Natri máu hoặc trong tình trạng phù (giữ nước) cấp tính hoặc đang theo chế độ ăn điều trị (ví dụ bệnh nhân suy tim và đái tháo đường typ 1). Gần đây Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra mục tiêu giảm 30% số lượng muối ăn vào là 1 trong 9 mục tiêu toàn cầu về bệnh không lây nhiễm.

Ở Việt Nam, một nghiên cứu do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy người Việt Nam tiêu thụ trung bình 9,4g muối/người/ngày; việc truyền thông thay đổi hành vi đã có tác dụng giảm đáng kể lượng muối ăn vào; Giảm lượng muối ăn vào sẽ làm giảm huyết áp và những cải thiện sau đó về sức khỏe tim mạch. Ngày 16/6/2016, nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt nam đã được Bộ Y tế phê duyệt. Theo đó, nhu cầu về Natri được khuyến nghị là ít hơn 2000mg/ngày (tương đương với dưới 5g muối/người/ngày). Mục tiêu giảm 30% mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày ở người trưởng thành so với năm 2015 cũng đã được Chính phủ phê duyệt trong “Chiến lược quốc gia phòng chống bênh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bện phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025”. Theo đó, cần xây dựng dự án quản lý‎, giám sát hàm lượng muối, đường, chất béo, phụ gia trong các thực phẩm chế biến sẵn và can thiệp giảm sử dụng muối tại cộng đồng để phòng chống bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường giai đoạn 2015-2025. Các chính sách và can thiệp để giảm muối trong bữa ăn của người dân cũng dựa trên hướng dẫn của WHO về giảm tiêu thụ muối trong khẩu phần ăn bao gồm 5 nhóm hoạt động như sau:

1. Các hoạt động giám sát hàm lượng muối tiêu thụ: tổ chức các cuộc điều tra định kỳ để xác định và theo dõi tình hình sử dụng muối trung bình/ngày.

- Xác định và đánh giá sử dụng muối trong quần thể

+     Ước tính mức tiêu thụ muối trung bình quần thể

+     Xác định nguồn gốc của muối trong khẩu phần

+     Kiến thức, thái độ, thực hành liên quan tới tiêu thụ muối

-         Xác định và theo dõi hàm lượng muối trong thức ăn

-         Theo dõi và đánh giá tác động của chương trình giảm muối

2. Các hoạt động hợp tác với ngành công nghiệp:

Qui định mức muối trong một số loại thực phẩm chế biến công nghiệp được người dân tiêu thụ phổ biến, quan trọng trong khẩu phần và đặt ra mục tiêu về lượng Natri cần giảm là bao nhiêu cũng như thiết lập cơ chế thực hiện các biện pháp giảm muối trong công thức chế biến các thực phẩm này. Bài học từ thành công của một số nước như khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện đưa ra các sản phẩm chứa ít muối hoặc xây dựng các quy định bắt buộc hoặc thậm chí là tăng thuế với sản phẩm muối cao… cũng là rất thiết thực trong xây dựng  giải pháp can thiệp giảm muối ở Việt Nam. Để khuyến khích ngành công nghiệp hành động tự nguyện, ngoài việc nhấn mạnh về trách nhiệm xã hội của công ty thì Bộ Y tế cũng đã nỗ lực cung cấp các bằng chứng về tác hại của tiêu thụ nhiều muối, về lợi ích về sức khỏe và tài chính của việc giảm muối, truyền thông để thúc đẩy nhu cầu với sản phẩm ít muối của cộng đồng, hướng dẫn người dân biết đọc hàm lượng Natri/muối trên bao bì sản phẩm.

3. Ban hành chuẩn về ghi nhãn và quảng cáo thực phẩm: Việc ban hành các loại nhãn chứng thực cho thực phẩm ít muối cũng rất cần thiết để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết được:

+     Nhãn cần ghi rõ hàm lượng muối

 

+     Quản lý về quảng cáo thực phẩm: đặc biệt thực phẩm cho trẻ em

4. Nâng cao kiến thức, hướng dẫn thực hành cho người dân bằng các hoạt động giáo dục và truyền thông giảm tiêu thụ muối:

Cần truyền thông lồng ghép nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với các hướng dẫn xây dựng chiến dịch truyền thông giảm muối, xây dựng tờ rơi và các thông điệp chính cho vận động giảm muối và có khung đánh giá kết quả của chiến dịch truyền thông

5. Tạo Môi trường hỗ trợ giảm muối:

Hỗ trợ thực hiện dinh dưỡng hợp lý, giảm muối tại Cộng đồng, trường học, nơi làm việc, hộ gia đình. Tư vấn giảm muối cho người bệnh đến khám ở các cơ sở y tế nhất là đối với người đã mắc tăng huyết áp, đái tháo đường…

Hãy hành động vì mục tiêu giảm 30% lượng muối trong khẩu phần ăn của người Việt vào năm 2025 để có 1 cuộc sống  khỏe mạnh và dự phòng 1 số bệnh không lây nhiễm.

PGs. Ts. Bs. Lê Bạch Mai – Viện Dinh dưỡng Quốc gia