Nguyên nhân và các yếu tố liên quan của tăng huyết áp

Cập nhật: 8/2/2018 - Lượt xem: 17141

Định nghĩa Tăng huyết áp: một người được xác định là bị tăng huyết áp (THA) là khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương  ≥ 90 mmHg hoặc đang dùng thuốc điều trị để hạ huyết áp.

        Biểu hiện của Tăng huyết áp: người bị THA thường không có biểu hiện gì khác thường cho nên THA còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Khi có cơn THA có thể thấy nhức đầu dữ dội, mờ mắt, choáng váng, chóng mặt. Có khi không có những triệu chứng chủ quan này mà chỉ chủ yếu thấy huyết áp tăng cao một cách đột ngột so với những con số đo trước đây không lâu.

Mối liên quan giữa ăn thừa muối với tăng huyết áp và các bệnh tim mạch

         Chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc THA và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nồng độ muối của các chất dịch trong cơ thể là ổn định. Vì thế khi ăn nhiều muối cơ thể sẽ phải cần thêm nước để duy trì ổn định nồng độ dịch thể. Đáp ứng với yêu cầu này, cảm giác khát nước sẽ xuất hiện làm cho người ăn mặn phải uống nhiều nước, điều này đồng nghĩa với việc tăng dung lượng máu và tăng áp lực lên thành mạch. Hiện tượng này kéo dài sẽ làm tăng huyết áp. Một cơ chế gây tăng huyết áp ở người ăn nhiều muối nữa là muối làm tăng độ nhạy cảm của hệ thống tim-mạch và thận đối với Adrenaline- một chất gây tăng huyết áp.

         Chế độ ăn nhiều muối ở trẻ em cũng có ảnh hưởng tới huyết áp và làm tăng khả năng mắc THA cũng như các bệnh khác.

Mối liên quan giữa ăn thừa muối và các bệnh mạn tính khác:

         Bên cạnh các bệnh tim mạch, ăn thừa muối còn làm tăng nguy cơ mắc một số các bệnh khác. Ăn thừa muối làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu do đó tăng nguy cơ loãng xương và sỏi thận, làm tăng ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori, làm tăng suy thận do làm tăng protein trong nước tiểu và tăng gánh nặng cho thận, làm tăng nguy cơ béo phì do tăng cảm giác khát và tăng tiêu thụ các đồ uống nhất là các loại nước ngọt. Ngoài ra ăn thừa muối còn làm tăng tình trạng giữ nước và phù, đặt biệt ở bệnh nhân có suy tim và xơ gan.

Mặc dù các bệnh mạn tính không lây đang tác động nghiêm trọng đến những người trưởng thành, các bệnh này và các yếu tố nguy cơ của chúng giờ đây được phát hiện thường xuyên hơn ở trẻ em. Các bệnh mạn tính không lây có tính chất mạn tính, và cần nhiều năm và nhiều thập kỷ để biểu hiện bệnh; do vậy, trì hoãn sự khởi phát của các bệnh này có thể cải thiện cuộc sống và dẫn tới tiết kiệm được các khoản chi phí đáng kể. Huyết áp trong thời kỳ còn nhỏ có mối liên quan có ý nghĩa với tăng huyết áp khi trưởng thành, có nghĩa là trẻ em có tăng huyết áp có nguy cơ cao bị tăng huyết áp và các bệnh liên quan khi trưởng thành. Thêm vào đó, tăng huyết áp khi còn nhỏ cũng góp phần vào cơ chế bệnh sinh của bệnh tim mạch ngay trong thời kỳ còn nhỏ đó. Do vậy,  giải quyết các vấn đề về tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ khác của bệnh mạn tính không lây từ khi còn nhỏ mà có thể biểu hiện ở các giai đoạn sau của cuộc đời là vấn đề mấu chốt trong cuộc chiến chống lại bệnh mạn tính không lây.

 TS. BS. Đỗ Thị Phương Hà - Viện Dinh dưỡng Quốc gia