Cholesterol
máu đóng một vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Nó giúp cho sự hoạt
động của màng tế bào sợi thần kinh, cần cho sự sản xuất một số hoocmôn như hoocmôn
tuyến thượng thận, sinh dục…Trong cơ thể, cholesterol có từ 2 nguồn: từ trong
cơ thể sản xuất ra và từ thức ăn. Cholesterol trong cơ thể được sản xuất ở gan
80%. Còn trong thức ăn, cholesterol có nhiều ở thịt, sữa, lòng đỏ trứng, phủ
tạng động vật. Như vậy, cholesterol ở mức nhất định là cần thiết, cơ thể không
thể thiếu. Ở người bình thường, hàm lượng cholesterol máu luôn hằng định, chỉ
khi nó tăng quá cao mới gây bệnh. Trường hợp này gọi là tăng cholesterol máu mà
dân gian gọi nôm na là “tăng mỡ máu”. Hiện tượng đó gây “xơ vữa động mạch”, làm
hẹp mạch máu và là nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim mạch. Sự vữa xơ động mạch
xảy ra một cách từ từ đến nỗi ta có thể không hay biết gì về nó.
Cholesterol
“xấu” và cholesterol “tốt”
Cholesterol
không hòa tan trong máu. Do đó khi cholesterol lưu thông trong máu nó phải được
bao quanh bằng một lớp áo protein hay còn gọi là lipoprotein. Có 2 loại lipoprotein
quan trọng là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và lipoprotein tỷ trọng cao
(HDL). Cholesterol loại LDL chuyên chở hầu hết cholesterol của cơ thể. Khi có
nhiều LDL trong máu, thành động mạch sẽ lắng đọng mỡ gây ra vữa xơ động mạch,
do đó LDL được gọi là cholesterol “xấu”. Ngược lại HDL lại lấy cholesterol ra
khỏi máu và ngăn chúng không xâm nhập vào thành động mạch, do đó HDL được gọi
là cholesterol “tốt”.
Điều
gì ảnh hưởng đến cholesterol ?
1. Khẩu
phần:
Ăn nhiều
chất béo động vật, ăn nhiều thực phẩm có nhiều cholesterol hay quá nhiều năng lượng
sẽ làm tăng LDL và tăng cholesterol toàn phần, gây ra vữa xơ động mạch, nhồi
máu cơ tim, tai biến mạch máu não… Vì thế để phòng chống tăng cholesterol “xấu”,
bạn nên áp dụng một chế độ ăn như sau:
- Lượng cholesterol ăn vào nên dưới 300mg/ngày. Dùng
dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối, thích hợp cho từng lứa tuổi.
Loại bỏ thức ăn nhiều mỡ, hạn chế ăn các phủ tạng động vật.
- Lượng đạm nên chiếm 12 – 15% tổng năng lượng của khẩu
phần: thịt bò, gà nạc, thăn lợn, đậu đỗ. Nên ăn cá. Chú ý nên ăn kết hợp
cả đạm thực vật và động vật.
- Chất đường bột: chiếm 60 – 70% tổng năng lượng của khẩu
phần. Hạn chế ăn đường, mật, tối đa 10-20g/ngày. Sử dụng ngũ cốc kết hợp khoai
củ.
- Tăng vitamin, chất khoáng, nguyên tố vi lượng, chất xơ
chủ yếu ở rau, hoa quả, gạo, mỳ.
2. Tăng cân quá mức:
Chỉ số khối cơ thể (BMI) được khuyến cáo từ 18,5 đến 22,9.
Từ 23 trở lên là dư thừa cân nặng, dẫn tới tăng cholesterol máu.
3. Thiếu vận động cơ thể:
Nên tăng hoạt động cơ thể sẽ làm tăng HDL và làm giảm
LDL.
4. Di truyền:
Một số gen di truyền trong gia đình có thể chi phối cách tiêu hóa và xử
lý cholesterol.
5. Tuổi và giới:
Cholesterol máu ở cả 2 giới bắt đầu tăng ở tuổi 20. Phụ nữ trước tuổi mãn
kinh thường có mức cholesterol thấp hơn nam giới cùng tuổi. Sau mãn kinh, nồng
độ LDL tăng và nguy cơ tim mạch cũng tăng theo.
6. Hút thuốc lá làm giảm HDL.
Đánh giá mức cholesterol máu: từ sau 20 tuổi, bạn nên kiểm tra mỡ máu mỗi
năm 1 lần và từ sau 50 tuổi nên kiểm tra 6 tháng 1 lần cả cholesterol toàn phần,
tryglyxerit, LDL, HDL. Dựa vào đó có thể tự điều chỉnh chế độ ăn, hoạt động thể
lực và nếu cần phải được điều trị bằng thuốc đặc hiệu.
Cholesterol toàn phần
|
Dưới 5,2mmol/l (dưới 200mg/dl)
|
Bình thường
|
Từ 5,2 đến 6,2mmol/l (từ 200-239mg/dl)
|
Cao giới hạn
|
Trên
6,2mmol/l (trên 240mg/dl)
|
Cao
|
Triglyxerit
|
Dưới 2,26mmol/l (dưới 200mg/dl)
|
Bình thường
|
Từ 2,26-4,5mmol/l (từ 200-400mg/dl)
|
Cao giới hạn
|
Trên 4,5-11,3mmol/l (từ 400-1000mg/dl)
|
Cao
|
Trên
11,3mmol/l (trên 1000mg/dl)
|
Rất cao
|
HDL –cholesterol
|
Trên 0,9mmol/l
|
Bình thường
|
Dưới 0,9mmol/l (dưới 35mg/l)
|
Thấp
|
LDL- cholesterol
|
Dưới 3,4mmol/l (dưới 130mg/dl)
|
Bình thường
|
Từ 3,4-4,1mmol/l (130-159mg/dl)
|
Cao giới hạn
|
Trên
4,1mmol/l (trên 160mg/dl)
|
Rất cao
|
Cuối cùng, nếu việc điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt không làm giảm
lượng cholesterol máu thì bạn phải đi khám bác sĩ và sẽ được hướng dẫn dùng
thuốc hạ cholesterol máu.
Hàm lượng cholesterol trong 100g thực phẩm ăn được
Tên thực phẩm
|
Hàm lượng cholesterol
|
Tên thực phẩm
|
Hàm lượng cholesterol
|
Lòng đỏ trứng gà
|
1790
|
Thịt gà hộp
|
120
|
Trứng gà toàn phần
|
600
|
Sữa bột toàn phần
|
109
|
Gan gà
|
440
|
Lưỡi bò
|
108
|
Pho mát
|
406
|
Dạ dày bò
|
95
|
Gan lợn
|
320
|
Mỡ lợn nước
|
95
|
Bơ
|
270
|
Thịt vịt
|
76
|
Tôm đồng
|
200
|
Thịt bò
|
59
|
Sôcôla
|
172
|
Cá chép
|
70
|
Não lợn
|
2500
|
Thịt bò hộp
|
85
|
BS. Phạm Thị Thục
(Theo Đặc san Dinh dưỡng Sức khỏe và Đời sống
số 4/2006)