Vitamin A

Cập nhật: 11/27/2014 - Lượt xem: 45893
I. VAI TRÒ CỦA VITAMIN A

Vitamin A có vai trò quan trọng tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể.

  • Vai trò tăng trưởng: Vitamin A có vai trò trong quá trình tăng trưởng trẻ em cần đủ Vitamin A để phát triển bình thường.


                            

  • Chức năng thị giác: Vitamin A tham gia vào chức năng thị giác của mắt, đó là khả năng nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu. Sở dĩ như vậy là do cấu tạo võng mạc mắt gồm hai loại tế bào: tế bào hình nón và tế bào hình que. Tế bào hình nón với sắc tố cảm thụ ánh sáng và Iodopsin giúp cho mắt nhìn và phân biệt màu sắc trong điều kiện ánh sáng rõ, còn tế bào hình que với sắc tố Rhodopsin giúp cho mắt nhìn thấy ánh sáng yếu. Rhodopsin được tạo nên từ hợp chất protein và carotenoit (dẫn chất của Vitamin A), vì vậy khi thiếu Vitamin A khả năng nhìn của mắt lúc ánh sáng yếu sẽ bị giảm, hiện tượng này thường xuất hiện vào lúc trời nhá nhem tối nên được gọi là “Quáng gà”. Quáng gà là biểu hiện lâm sàng sớm của thiếu Vitamin A.

  • Bảo vệ biểu mô: Vitamin A cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô giác mạc, biểu mô dưới da, khí quản, các tuyến nước bọt, ruột non, tinh hoàn...Khi thiếu Vitamin A, sản xuất các niêm dịch giảm, da bị khô và xuất hiện sừng hóa, biểu hiện này thường thấy ở mắt, lúc đầu là khô kết mạc rồi tổn thương đến giác mạc. Các tế bào biểu mô bị tổn thương cùng với sự giảm sút sức đề kháng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

  • Miễn dịch cơ thể: Mối quan hệ giữa Vitamin A với nhiễm trùng đã được biết từ lâu và có khả năng Vitamin A tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch cơ thể. Hiện nay Vitamin A vẫn đang được các nhà khoa hoạc nghiên cứu phát hiện thêm những giá trị quan trọng của nó đối với sức khỏe con người.

II. NGUYÊN NHÂN THIẾU VITAMIN A


  • Khẩu phần ăn bị thiếu hụt Vitamin A: Cơ thể không thể tự tổng hợp được Vitamin A mà phải do thức ăn cung cấp, vì vậy nguyên nhân chính của thiếu Vitamin A là do ăn uống các loại thức ăn nghèo Vitamin A và Caroten. Bữa ăn thiếu dầu mỡ sẽ làm giảm hấp thu Vitamin A (vì Vitamin A tan trong dầu). Ở trẻ nhỏ đang bú thì nguồn Vitamin A là sữa mẹ, trong thời kỳ cho con bú nếu bữa ăn của mẹ thiếu Vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con. Thiếu Vitamin A thường xảy ra trong giai đoạn cho ăn bổ sung vì vậy khi cho trẻ ăn bổ sung cần chú ý chọn các thực phẩm giàu Vitamin A.

  • Các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là Sởi. Tiêu chảy, viêm đường hô hấp làm  tăng nhu cầu Vitamin A gây nguy cơ thiếu Vitamin A. Nhiễm giun, nhất là giun đũa cũng là yếu tố góp phần làm thiếu Vitamin A.

  • Suy dinh dưỡng Protein năng lượng thường kèm thiếu Vitamin A vì Protein giữ vai trò trong chuyển hóa và vận chuyển Vitamin A. Ngoài ra, thiếu một số vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa Vitamin A.

III. CÁCH DỰ PHÒNG THIẾU VITAMIN A

  • Bổ sung Vitamin A: Cho các đối tượng nguy cơ (trẻ em và bà mẹ) uống Vitamin A liều cao định kỳ. Đây là giải pháp cấp thời nhằm giải quyết nhanh tình trạng khô mắt gây nên hậu quả mù ở trẻ.

  • Tăng cường Vitamin A vào thực phẩm: Đưa Vitamin A vào một số thực phẩm thông dụng như đường, sữa, dầu ăn…Đây là giải pháp chuyển tiếp và mang lại hiệu quả cao vì bao phủ được phần lớn các đối tượng trong vùng nguy cơ.

                         
  • Cải thiện bữa ăn: Bảo đảm ăn uống hợp lý, cân đối các chất dinh dưỡng và đủ Vitamin A. Chú trọng phát triển các sản xuất để tạo nguồn thực phẩm giàu đạm, mỡ và Vitamin A cho bữa ăn hàng ngày. Đây là giải pháp cơ bản và lâu dài để giải quyết vấn đề thiếu Vitamin A. Bên cạnh đó cần bảo đảm sức khỏe chung cho trẻ, giữ gìn vệ sinh và tiêm chủng đầy đủ để phòng các viêm nhiễm và ký sinh trùng đường ruột.

Trong điều kiện nước ta hiện nay thì bổ sung Vitamin A vẫn là giải pháp chính khi mà các giải pháp khác chưa thể bảo đảm giải quyết tình trạng thiếu Vitamin A.

Trích từ cuốn: Hướng dẫn triển khai cho uống vitamin A và thuốc tẩy giun - Viện Dinh dưỡng và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương