Uống Rượu, Bia thế nào đúng cách

Cập nhật: 1/5/2019 - Lượt xem: 27619

Tết đến xuân về,  trong muôn vàn điều để nói ngày tết, hình như rượu, bia là điều không thể thiếu. Như mặc định vốn có: rượu và tết. Tết cổ truyền là tết đoàn viên, mọi người trong gia đình và đại gia đình xum họp, những chén rượu nồng cũng thường được dùng để chúc tụng trong dịp này.  

Tuy nhiên, rượu cũng mang đến bao điều phiền toái cho sức khỏe và xã hội do vấn nạn lạm dụng rượu bia. Đôi khi rượu dùng để thách đố, và người “hùng” trên bàn rượu là người có tửu lượng cao. Hậu quả của uống rượu quá mức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhân cách của mỗi cá nhân và trở thành vấn nạn của xã hội. Một số người đã sử dụng “mẹo” để che mắt  những dấu hiệu “say xỉn” hay ngộ độc nhưng thực chất men rượu đang len lỏi đến từng tế bào của cơ thể gây nguy hại đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong do sự thiếu hiểu biết này.

Để niềm vui được trọn vẹn,  đặc biệt trong tết đoàn viên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu đường đi của rượu và các “mẹo” các cao thủ rượu sử dụng có đúng cách không?

Bia, rượu vang, rượu mạnh – là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau. Trong bài viết này, từ rượu được  dùng thay thế cho chất ethanol có trong các loại đồ uống : bia (khoảng 5% cồn) , rượu vang (9%-16% cồn)  và rượu mạnh (≥20% nồng độ cồn).

Rượu vào cơ thể con người để lại sự  tàn phá trên đường đi

Rượu đi vào cơ thể từ miệng, đến dạ dày, vào hệ thống tuần hoàn, đến não, thận, phổi và gan. Những điều sau đây có thể xảy ra khi uống rượu:

Miệng: Rượu là chất kích ứng niêm mạc trong khoang miệng, nồng độ cồn cao làm tăng nguy cơ ung thư miệng và họng.

Dạ dày: Các phân tử rượu nhỏ bé có thể ngấm qua niêm mạc dạ dày mà không  cần tham gia vào quá trình tiêu hóa giống như thức ăn. Khi dạ dày trống rỗng, rượu đi thẳng vào máu. Khi dạ dày có thức ăn, đặc biệt là thức ăn có hàm lượng protein cao, tỷ lệ hấp thụ rượu bị chậm lại nhưng không dừng lại. Cacbonat trong đồ uống có thể được trộn với rượu làm tăng tốc độ hấp thụ rượu. Khi nồng độ cồn và dịch vị  cao, kích thích niêm mạc tăng lên, phản ứng nôn mửa là phản xạ của cơ thể  để giảm kích ứng này. Thường xuyên uống rươu khi đói có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày. Có 20% lượng rượu được hấp thu vào máu qua dạ dày và 80% (rượu còn lại) được hấp thụ vào máu từ ruột non.

Hệ tuần hoàn:  Khi vào máu, rượu được vận chuyển đi khắp cơ thể,  làm giãn mạch máu, đưa một lưu lượng máu lớn hơn lên bề mặt da (đỏ mặt), cảm giác ấm áp tạm thời, cơ thể  mất nhiệt, hạ huyết áp

Não: Khi đến não, rượu ngay lập tức ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hành vi và chức năng của cơ thể: sự thay đổi phụ thuộc vào mức độ tăng của nồng độ cồn trong máu: Khả năng phán quyết giảm,  giảm khả năng khéo léo, mất kiểm soát hành vi

Thận: Rượu hoạt động như một thuốc lợi tiểu: rượu làm tăng sự hình thành nước tiểu. Uống rượu  sẽ đi tiểu thường xuyên hơn gây mất nước và khát.

Phổi: Rượu ở trạng thái khí, có thể được hít vào phổi và từ đó sẽ đi nhanh vào máu

Gan: Khoảng 5% -10% rượu được bài tiết qua phổi, thận và da; phần còn lại  (90%-95%) được chuyển đến  gan để “xử lý”. Ở gan, rượu  được oxy hóa thành nước và carbon dioxide. Gan chỉ có thể oxy hóa khoảng 2 đơn vị rượu mỗi ngày. Khi uống rượu thường xuyên  sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ do rượu cản trở khả năng “bẻ gẫy” các  chất béo của gan, nếu kéo dài có thể gây xơ gan  (mô gan bị phá hủy, sẹo hóa, giảm lưu lượng máu đến gan, giảm chức năng gan).

Uống rượu đúng cách

Mặc dù một số nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của rượu với nồng độ cồn thấp khi tiêu thụ một lượng rượu có hàm lượng cồn dưới ngưỡng 20 gam mỗi ngày. Tuy nhiên một công trình khoa học nghiên cứu toàn diện để tìm ra ngưỡng an toàn đối với rượu được đăng tải trên tạp chí Lancet 2018 đã cho thấy ngưỡng an toàn khi sử dụng đồ uống là zero (không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe khi sử dụng rượu).

Như vậy, bảo vệ sức khỏe thì không nên uống rượu bia, tuy nhiên khi uống nên cân nhắc và uống đúng cách để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe

1. Liều lượng: bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau: Lượng cồn tiêu thụ được tính toán dựa trên nồng độ cồn của đồ uống và thể tích đồ uống. Cụ thể theo công thức tính sau:

 Dung tích (ml) x nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi).

Một đơn vị rượu là 10 g cồn tương đương ¾ lon bia 330 ml; 135 ml rượu vang; 30 ml rượu whisky. Nếu uống  cần hạn chế: đối với nam: ≤ 02 đơn vị cồn/ngày; n: ≤ 01 đơn vị cồn/ngày.  

2. Uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miêng và dạ dày đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu

3. Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả hoặc nước súp/súp hoặc nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.  

4. Không nên uống rượu lúc đói: Uống rượu khi đói làm lượng cồn phối hợp với dịch vị tăng khả năng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày

5. Không nên uống rượu với đồ uống có ga (nước giải khát có ga, bia): lượng ga tăng khả năng hấp thu rượu vào trong máu.

6. Không nên sử dụng rượu với aspirin: Aspirin là một loại thuốc giảm đau, chống viêm. Khi uống rượu có thể gây đau đầu, nên một số “cao thủ rượu” đã uống aspirin trước khi uống rượu để tăng “tửu lượng”. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng  hấp thu rượu vào trong máu dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh. Do đó những người đang có chỉ định dùng aspirin (trong những trường đau đầu, đau răng, đau khớp, có nguy cơ đột quị…)  thì nên tránh uống rượu. Chưa có nghiên cứu về thời gian uống rượu thích hợp sau khi dùng aspirin, tuy nhiên lời khuyên cho khoảng thời gian uống rượu, bia và dùng aspirin là 1 ngày:  nếu sử dụng cả aspirin và uống rượu trong 1 ngày thì nên cách xa bằng cách uống aspirin vào buổi sáng và uống rượu vào tối hoặc ngược lại.

7. Không nên uống rượu với caffeine. Rượu là một chất ức chế/trầm cảm làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ. Caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim và trong một số trường hợp, gây nhịp tim đập nhanh và nhịp tim không đều. Caffeine cũng dẫn đến nhức đầu, bồn chồn, kích động, các vấn đề về dạ dày và hơi thở bất thường. Nếu sử dụng caffeine để “tỉnh táo” khi uống rượu là một sai lầm nguy hiểm. Uống đồng thời rượu và caffeine không có sự trung hòa giữa  chất ức chế và chất kích thích, ngược lại nó làm tăng nguy cơ tử vong do mắc hội chứng sốc độc tố (Oxic Jock Syndrome).

Trong những ngày cuối năm, mỗi chúng ta đang cố gắng hoàn thành công việc của năm cũ và cũng là dịp chuẩn bị đón chào một năm mới đầy hứa hẹn. Uống rượu bia vào ngày tết là điều khó tránh, nhưng chúng ta có thể  tránh cách uống rượu bia không đúng cách. Kính chúc các quí vị độc giả sức khỏe, hạnh phúc và bình an!

PGS. TS. Cao Thị Thu Hương - Viện Dinh dưỡng Quốc gia