Dinh dưỡng với phát triển kinh tế xã hội và một số chỉ số về tình hình dinh dưỡng hiện nay tại Việt Nam

Cập nhật: 2/28/2018 - Lượt xem: 12405

1.      Tầm quan trọng của dinh dưỡng trong phát triển

Báo cáo của các cơ quan Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế đều thừa nhận dinh dưỡng là cần thiết đối với phát triển kinh tế xã hội. Các bằng chứng khoa học của tạp chí Lancet cũng như Trung tâm Thống kê Đan mạch đều cho thấy đầu tư vào dinh dưỡng góp phần làm tăng trưởng kinh tế và phát triển. Báo cáo của Ngân hàng thế giới cho thấy cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần phát triển kinh tế và giảm đói nghèo thông qua việc nâng cao năng suất lao động, cải thiện thể chất, phát triển nhận thức, tăng hiệu quả học tập và cải thiện sức khỏe, giảm bệnh tật và từ vong. Nghèo đói do suy dinh dưỡng do ba nguyên nhân chính là tổn thất trực tiếp do giảm năng suất lao động từ tình trạng thể chất kém, tổn thất do bệnh tật liên quan tới suy dinh dưỡng và các mất mát gián tiếp gây ra do phát triển nhận thức kém và học tập kém, các chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên. Chiều cao có tương quan chặt chẽ tới năng suất lao động và dinh dưỡng cho trẻ em dưới 2 tuổi phần lớn quyết định chiều cao khi trưởng thành. Cứ giảm 1% chiều cao thì mất 1.4% năng suất lao động. Chiều cao trung bình nam và nữ của Việt Nam là 1,64m và 1,55m thấp hơn các nước phát triển như Trung quốc (nam 1,70m và nữ 1,59m), Nhật bản (nam 1,72m và nữ 1,58m), Singapore (nam 1,71m và nữ 1,60m). Trong các nước ASEAN, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tương đương với Indonesia (nam 1,64m và nữ 1,55m) và Phillipines (nam 1,65m và nữ 1,56m) và thấp hơn so với Malaysia (nam 1,68m và nữ 1,58m), và Thái lan (nam 1,68m và nữ 1,57m).Tổn thất kinh tế do suy dinh dưỡng rất cao có thể tới vài tỷ đô la tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 1 năm. Theo ước tính của Trung tâm thống kê Đan mạch năm 2012, suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng có thể làm giảm 11% GDP trong 1 năm ở các quốc gia châu Á và châu Phi. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng có thể làm giảm gánh nặng bệnh tật ở một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi, tăng năng lực học tập 1 năm, làm tăng lương từ 5-50% và giúp 33% trẻ em có thể thoát nghèo khi trưởng thành. Tổ chức Y tế thế giới cũng cho thấy suy dinh dưỡng và các yếu tố liên quan dinh dưỡng làm mất 7.4% DALY (1 DALY là 1 năm sống khỏe mạnh không bệnh tật). Suy dinh dưỡng là một trong những rào cản lớn nhất để đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

2.      Các chỉ số dinh dưỡng chính tại Việt Nam

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm tương đối nhanh và bền vững (suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30.1% năm 2000 xuống còn 14.1% năm 2015). Do vậy, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là giảm nhanh và bền vững tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. 

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của Việt Nam giảm mạnh từ 59% năm 1980 xuống còn 24,3% năm 2015, mỗi năm giảm 2% và là nước duy nhất giảm tỷ lệ thấp còi gần với mức của Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (Millennium Development Goal). Tỷ lệ giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở Indonesia là 0,83% và Trung quốc là 0,75%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam đã giảm thấp hơn hầu hết các nước ở khu vực châu Á, và  hiện nay còn cao hơn tỷ  lệ này của các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore, I rắc và Srilanka. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam vẫn còn cao, và có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng nhất là ở vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở khu vực miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%. Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam.

Tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2500 gam) là một trong những chỉ tiêu quan trọng ảnh hưởng tới tình trạng dinh dưỡng và tầm vóc của trẻ. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc năm 2014, tỷ lệ này là 5,7%.

Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ giảm từ 19,6% năm 2009 xuống 15,1% năm 2014.

Theo kết quả điều tra năm 2015, tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thấp chiếm 24,3%.

Tình hình thiếu Vitamin A, thiếu máu thiếu sắt và thiếu kẽm vẫn là các vấn đề thiếu có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Theo điều tra năm 2014-2015 của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 27,8%, tỷ lệ này cao hơn ở miền núi 31,2%, nông thôn (28,4%) và thấp hơn ở thành thị (22,2%). Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và tỷ lệ này ở phụ nữ không có thai là 25,5%. Tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13% trong đó tỷ lệ thiếu Vitamin A ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng cao hơn ở miền núi (16,1%), nông thôn (13,1%) và thấp hơn ở thành thị (8,2%). Kết quả điều tra 2014-2015 của Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi rất cao tới 69,4%, đặc biệt rất cao ở miền núi (80,8%), nông thôn (71,6%) và ở thành thị có thấp hơn nhưng vẫn khá cao (49,7%). Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai trên toàn quốc đặc biệt cao ở mức 80,3%, và ở miền núi là 87%, ở nông thôn là 80,1%, ở thành phố là 70,8%. Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ tuổi sinh đẻ cũng rất cao chiếm 63,6%, tỷ lệ này ở miền núi là 73,4%, nông thôn là 60,3%, và thành thị là 54,5%. Tình trạng thiếu I ốt đã và đang quay trở lại đe dọa đến sức khỏe, trí tuệ của nòi giống người Việt Nam. Tỉ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi là 9,8%; Tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối I ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ còn khoảng 60%; Mức trung vị I ốt niệu còn 8,3 mcg/dl; chưa đạt mục tiêu đề ra.

Trong những năm qua, tỷ lệ hộ đói giảm mạnh  nhưng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn chiếm 15% năm 2016 (tương đương 2,3 triệu hộ). Thiếu ăn ở những hỗ nghèo xảy ra vào những thời điểm nhất định trong năm, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Ở vùng thường xuyên hạn hán, tỷ lệ hộ đói đã tăng lên tới mức khá cao (33%) với khoảng thời gian bị đói từ 3 - 5 tháng/năm.

Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (gọi tắt là điều tra STEPS) do Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế phối hợp với WHO trong năm 2015 tiến hành trên toàn quốc với 3.856 đối tượng từ 18-69 tuổi đã cho thấy 15,6% người dân Việt Nam hiện tại bị thừa cân béo phì (BMI≥25), tỷ lệ này cao hơn ở thành thị (21,3%) so với nông thôn (12,6%). Tỷ lệ thừa cân béo phì có xu hướng tăng nhanh, mục tiêu này không đạt so với mục tiêu đề ra là kiểm soát dưới 8%.

Bên cạnh thiếu dinh dưỡng, tỷ lệ thừa cân trẻ em dưới 5 tuổi đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn (Tp. Hồ Chí Minh: 10,8%; Đà Nẵng: 9,1%; Khánh Hòa: 8,5%; Hà Nội: 6,5%). Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em < 5 tuổi chung toàn quốc năm 2015 là 5,3%, không đạt được mục tiêu đề ra là kiểm soát tỷ lệ này dưới 5%.

Có 30,2% số người trưởng thành có tăng cholesterol máu (cholesterol máu ≥5,0 mmol/L). Tỷ lệ này cao hơn mục tiêu đề ra là kiểm soát dưới 28% (cholesterol máu ≥5,2 mmol/L).  Có tới 67,0% nam giới và 72,0% nữ giới có mức HDL thấp.

Tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp (huyết áp tâm thu≥140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90mmHg hoặc đang dùng thuốc) là 18,9%; tỷ lệ này cao hơn ở nam giới (23,1%) so với nữ (14,9%). Tỷ lệ có rối loạn đường huyết lúc đói là 3,6% và tỷ lệ tăng đường huyết (chỉ số đường huyết cao hoặc đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường) là 4,1%; không có sự khác biệt giữa nam và nữ. Các tỷ lệ này có xu hướng tăng nhanh theo thời gian.

Như vậy, thiếu và thừa dinh dưỡng đang trở thành gánh nặng kép về dinh dưỡng tại Việt Nam và ảnh hưởng quyết định tới thay đổi mô hình bệnh tật trong thế kỷ 21.

Ths. Trần Khánh Vân – Viện Dinh dưỡng Quốc gia