CỔNG THÔNG TIN DINH DƯỠNG QUỐC GIA

VIETNAM NUTRITIONAL PORTAL

Phòng ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp ở người cao tuổi
25/07/2025 14:51:20
25 lượt xem
chia sẻ

Ở người cao tuổi, hệ thống miễn dịch ngày càng suy yếu theo độ tuổi. Phổi dần mất đi độ đàn hồi và khả năng chống lại tác nhân gây hại; phản xạ ho kém khiến đờm và dị vật không được đẩy bật khỏi đường thở; tình trạng hạn chế đi lại, vận động khiến thông khí phổi kém. Những thay đổi này khiến người cao tuổi dễ mắc các nhiễm khuẩn đường hô hấp hơn, như viêm phổi, viêm phế quản, cúm, các virus nói chung và COVID-19 nói riêng; các bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản cũng tăng tần suất tái phát và mức độ trầm trọng của bệnh. Các bệnh về đường hô hấp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong ở người cao tuổi, đặc biệt là những người mắc các bệnh lý nền như bệnh về tim mạch, đái tháo đường.

Hình ảnh

Để phòng ngừa mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, người cao tuổi cần lưu ý một số thực hành sau:

1.    Tiêm vacine: người cao tuổi nên tiêm vacine để hỗ trợ khả năng đề kháng của cơ thể trước các tác nhân virus, vi khuẩn như vacine phòng cúm, vacine phòng phế cầu… Người chăm sóc và người thân cũng nên tiêm để tránh phơi nhiễm cho người cao tuổi.

2.    Thói quen vệ sinh cá nhân: cần vệ sinh tay thường xuyên, hạn chế chạm tay vào vùng mặt như ngoáy mũi, dụi mắt; đeo khẩu trang khi tới các nơi công cộng, nơi tập trung đông người; giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người đang bị ốm để hạn chế lây nhiễm; vệ sinh các vật dụng cá nhân thường xuyên như kính mắt, màn hình điện thoại, tay vịn cầu thang…

3.   Tránh khói thuốc và ô nhiễm không khí: người cao tuổi nên giảm dần, tiến tới dừng hoặc bỏ thuốc lá, thuốc lào, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, nơi ở đảm bảo lưu thông không khí tốt, sử dụng máy lọc không khí trong phòng…

4.    Điều đặc biệt quan trọng là duy trì lối sống lành mạnh để tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể:

-      Thực hiện chế độ ăn cân đối, hợp lý:

 +    Đủ trái cây: (mỗi lần 100-150g, mỗi ngày 1-2 lần), rau (mỗi bữa 150-200g tương đương 1 lưng đến 1 miệng bát con rau hoặc củ quả dùng làm rau như củ cải, cà rốt, bí đao…).

 +    Đủ chất đạm (protein) từ cá, thịt nạc, đậu đỗ, sữa và chế phẩm.

 +    Ngũ cốc nên ở dạng xát dối hoặc nguyên hạt; mỗi bữa nên ăn 1-2 lưng bát cơm hoặc 1 lưng bát cơm và 1 lưng bát con khoai tây hoặc củ từ.

 +   Chất béo lành mạnh từ cá béo như cá ba sa, cá trích, cá trê, cá hồi hoặc phần bụng của các loại cá nước ngọt hoặc các loại hạt giàu chất béo như lạc hạt, vừng, mắc ca, dầu thực vật.

 +   Các thực phẩm giàu vitamin C (giúp hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch; có nhiều trong trái cây và rau tươi), vitamin E (chống oxy hoá, giúp bảo vệ mô tế bào phổi; có trong các loại hạt và dầu thực vật) và vitamin A (hỗ trợ miễn dịch dịch thể và bề mặt tế bào đường thở; có trong các củ quả màu vàng, cam và xanh lục), cũng như kẽm (vai trò miễn dịch; có trong thịt, hải sản, nhuyễn thể và vừng) và axit béo omega-3 (ức chế phản ứng viêm; có trong hạt óc chó, mắc ca, mỡ cá).

 +    Cần uống đủ nước (1500- 2000ml/ngày).

 +    Tránh các thực phẩm chế biến công nghiệp như thịt hộp, xúc xích, thực phẩm chứa nhiều muối như các loại nước sốt công nghiệp, nước dùng của bún phở, hủ tiếu, thực phẩm dùng muối để tẩm ướp khi chế biến như tôm chua, dưa muối, cà muối; tránh cho nhiều muối khi chế biến các món kho, hầm (như cá kho, thịt kho mặn).

Hình ảnh

-    Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên giúp phổi hoạt động hiệu quả, tuỳ thuộc tình trạng sức khoẻ của bản thân; kết hợp các bài tập thở sâu giúp giữ cho đường thở thông thoáng. Hoạt động thể chất cũng giúp tăng cường lưu thông máu, giúp các tế bào bạch cầu di chuyển đến nơi cần thiết. Tuy nhiên người cao tuổi nên thực hiện các bài tập đảm bảo an toàn, tránh các bài tập có nguy cơ gây ngã và luôn tập thể dục ở nơi có nhiều người qua lại để hỗ trợ kịp thời khi có biến cố sức khỏe xảy ra.

-   Ngủ đủ giấc: Ngủ kém làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Người cao tuổi cần ngủ đủ 7–9 giờ mỗi đêm.

5.   Quản lý các tình trạng bệnh mạn tính: Uống thuốc theo chỉ định; kiểm tra sức khỏe định kỳ; Theo dõi huyết áp, lượng đường trong máu và mức oxy máu nếu có chỉ định; đi khám ngay nếu có các bất thường liên quan đến sức khoẻ.

Hình ảnh

Mặc dù quá trình lão hóa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, nhưng kiểm tra sức khoẻ định kỳ và khi có dấu hiệu bất thường, duy trì lối sống lành mạnh, tránh tiếp xúc với các tác nhân có hại và xử trí kịp thời ngay khi các triệu chứng xuất hiện là những nguyên tắc vàng giúp bảo vệ sức khoẻ hệ hô hấp cho người cao tuổi.

TS. BS. Trần Châu Quyên - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn - Viện Dinh dưỡng