Trẻ biếng ăn - vấn đề làm nhiều bà mẹ đau đầu, nhăn nhó

Cập nhật: 5/27/2017 - Lượt xem: 25135

 1. Biếng ăn là gì?

  • Biếng ăn là hiện tượng trẻ ăn ít hơn bình thường, ăn thức ăn chọn lọc, chỉ ăn vài loại thức ăn, có trẻ sợ ăn, từ chối hay nôn oẹ khi nhìn thấy thức ăn, bữa ăn kéo quá dài (trên 30’ thậm chí hàng tiếng) do trẻ không chịu nuốt thức ăn hoặc bỏ ăn do nhiều nguyên nhân gây ra.
  • Biếng ăn bản thân nó không hẳn là một bệnh mà thường là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do bệnh lý hay tâm lý.
  • Có trường hợp trẻ không thực sự biếng ăn mà do cảm giác lo lắng của cha mẹ hoặc người trông nuôi trẻ. Do đó để đánh giá trẻ biếng ăn ta cần dựa vào các chỉ số sau: số lượng thức ăn trẻ ăn vào trong ngày ít hơn nhu cầu theo tuổi, trẻ thường hay táo bón, số lượng phân ít hơn bình thường, phát triển cân nặng của trẻ chậm hơn bình thường hoặc không tăng cân có khi còn giảm cân.
  • Rất nghiêm trọng vì dễ gây ra một vòng xoắn: biếng ăn, ăn ít gây ra thiếu nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như đạm, dầu mỡ, vitamin, các yếu tố vi lượng... dẫn đến hậu quả bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu hụt các vi chất như khô mắt, thiếu máu…và càng làm cho trẻ biếng ăn hơn, suy dinh dưỡng nặng hơn. Trẻ suy dinh dưỡng lại dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và trẻ lại càng biếng ăn hơn sau các đợt bệnh đó.

2. Nguyên nhân biếng ăn

2. 1. Biếng ăn liên quan đến bệnh tật của trẻ

  • Biếng ăn là triệu chứng thường gặp đối với tất cả trẻ em khi ốm.
  • Trẻ mắc các bệnh cấp tính: Viêm phổi, sốt, viêm mũi họng, tiêu chảy, viêm gan, nhiễm khuẩn huyết...
  • Trẻ mắc các bệnh mạn tính hoặc bẩm sinh: Tim bẩm sinh, bại não...
  • Trẻ mắc các bệnh tổn thương răng miệng: mọc răng, sâu răng, viêm hoặc loét vùng miệng họng...

2. 2. Biếng ăn liên quan đến dinh dưỡng

  • Thiếu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu protein, lysin, kẽm, kali...
  • Còi xương
  • Thức ăn chế biến không hợp khẩu vị của trẻ
  • Ép trẻ ăn, áp đặt trẻ làm cho trẻ sợ ăn.
  • Trẻ mải chơi, ăn uống không có giờ giấc.
  • Khi trẻ ốm, cho trẻ uống thuốc lẫn thức ăn để trẻ nhận biết được gây phản xạ sợ hãi.
  • Cho trẻ ăn vặt nhiều, uống nước ngọt trước khi ăn bữa chính
  • Trẻ chưa kịp thích nghi với chế độ ăn mới hoặc ép trẻ ăn quá nhiều dẫn đến ức chế bài tiết các men tiêu hoá gây chán ăn.
  • Thay đổi giờ ăn, người cho ăn.
  • Người lớn xung quanh trẻ có thói quen ăn không mẫu mực làm trẻ bắt chước.

3. Xử trí và phòng ngừa biếng ăn

    Biếng ăn do nhiều nguyên nhân gây ra do đó có nhiều cách chữa trị tuỳ theo từng nguyên nhân.

 

3. 1. Đối với trẻ bệnh:

    Trẻ em mắc bệnh thường rất mệt mỏi, chán ăn, do đó ngoài việc chữa bệnh chúng ta cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ và phải xác định rằng ăn đối với trẻ lúc này rất quan trọng. Vì trẻ bệnh nên cần cho trẻ ăn nhiều bữa, thức ăn cần chế biến dạng lỏng và mềm hơn, dễ tiêu hoá hơn, mùi vị thơm ngon, hợp khẩu vị. Cần phải kiên nhẫn, dỗ dành trẻ tránh ép trẻ ăn làm trẻ sợ hãi. Nếu trẻ ăn ít trong giai đoạn này cũng đừng lo lắng quá, khi lành bệnh trẻ sẽ ăn bù. Điều cần nhất là phải cho trẻ uống đủ nước, nên uống các loại nước quả có đường như nước cam, nước chanh, nước dừa, nước táo, nước xoài. . . hoặc sữa, vì các loại nước này vừa cung cấp năng lượng, vừa cung cấp vitamin và chất khoáng cho trẻ. Cần cho trẻ uống bổ sung vitamin và khoáng chất trong giai đoạn này.

 

3. 2. Đối với các trường hợp khác:

  • Trong năm đầu tiên của trẻ, cần tập cho trẻ ăn đa dạng thức ăn theo hướng dẫn nuôi trẻ.
  • Chỉnh khẩu phần ăn của trẻ cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng theo ô vuông thức ăn và đủ số lượng, chất lượng theo tuổi.
  • Kiểm tra xem thức ăn có hợp khẩu vị của trẻ hay không, nếu cần phải đổi thức ăn cho hợp với trẻ. Khi thay đổi thức ăn cho trẻ cần thay đổi từ từ, xen kẽ giữa thức ăn mới và thức ăn cũ mà trẻ yêu thích.
  • Nếu trẻ có phản xạ sợ khi nhìn thấy thức ăn, cần phải cắt dần phản xạ đó bằng cách không ép trẻ mà cho trẻ chơi, làm quen dần với dụng cụ chứa thức ăn và thức ăn. Ví dụ, trẻ sợ uống sữa, ta có thể cho trẻ chơi đồ hàng với búp bê cho búp bê uống sữa, trong khi trẻ cho búp bê uống sữa ta cần động viên, khuyến khích bằng cách khen sữa ngon, đùa với trẻ, dần dần cho trẻ uống thử hoặc uống hộ búp bê chút ít hoặc cho trẻ ăn uống cùng với bạn, thi đua cùng bạn. . .
  • Có trường hợp trẻ nhìn thấy thìa là sợ, có phản ứng tiêu cực, ta cần cho trẻ chơi với thìa để quen dần. . . .
  • Tạo cho trẻ không khí thoải mái, vui vẻ trong bữa ăn. Không nên quá chăm chút để trẻ phải ăn riêng trong khi trẻ có khả năng ăn cùng mâm với gia đình. Không khí vui vẻ, đầm ấm trong bữa cơm gia đình sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
  • Luôn luôn cho trẻ ăn đúng bữa, trong bữa ăn cần tập trung, không nên vừa ăn vừa chơi như xem hoạt hình, chơi điện tử... không nên cho trẻ ăn quà vặt.
  •  Không nhồi nhét, ép buộc trẻ ăn vì có thể bữa này trẻ ăn ít bữa sau sẽ ăn bù.
  • Không cho trẻ uống hoặc ăn đồ ngọt trước bữa ăn vì các thức ăn này tạo cảm giác no giả làm trẻ chán ăn.
  • Cần bổ sung vi tamin và chất khoáng cho trẻ nếu nghĩ tới trẻ biếng ăn do thiếu các chất này.
  • Khi thay đổi môi trường mới, thay đổi người chăm sóc trẻ ( cho trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo, thay người chăm nuôi...) cần phải tạo cho trẻ tâm lý thoải mái tránh lo lắng, sợ sệt ảnh hưởng tới tâm lý làm trẻ chán ăn.
  • Không được để trẻ nhịn đói vì có người cho rằng để trẻ đói quá sẽ phải ăn, nhưng thực tế khi trẻ đói quá sẽ mệt mỏi và lại càng không muốn ăn.

4. Phương pháp xây dựng thực đơn cho trẻ biếng ăn.

4. 1. Cách cho ăn:

  • Trẻ nhỏ còn bú mẹ: cho trẻ bú nhiều lần hơn nếu thời gian mỗi lần bú ít hơn bình thường. Nếu trẻ không ngậm bú được, người mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống.
  • Trẻ lớn hơn đã ăn bổ sung:

        + Nên cho ăn các loại thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu hoá và chia thành bữa nhỏ.

        +  Cần thay đổi thức ăn và cho trẻ ăn những loại thức ăn trẻ tỏ ra thích hơn để khuyến khích trẻ ăn được nhiều, kích thích sự thèm ăn.

        +  Cần tạo tâm lý thoải máI, vui thú nhất là tâm lý ganh đua khi ăn sẽ kích thích các tuyến tiêu hoá, hoật động, tăng bàI tiết men tiêu hoá giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

 

4. 2. Lựa chọn những thực phẩm nên dùng trong khẩu phần trẻ biếng ăn:

Cần chú trọng bồi dưỡng bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng giúp trẻ nhanh bắt kịp tăng trưởng:

 

 

4. 2. 1. Các loại thực phẩm giàu chất đạm (đặc biệt đạm nguồn gốc động vật): sữa mẹ, sữa bò, sữa đậu tương, trứng, thịt, cá:

Sữa. Tốt nhất là trẻ được bú sữa mẹ, trong trường hợp không thể:

  • Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể thay thế một phần sữa bổ sung bằng sữa chua nếu trẻ thích vị sữa chua ngày từ 1 - 2 cốc (không ăn lúc đói). Trẻ < 6 tháng: Sữa chua nên làm từ sữa bột công thức đang nuôi trẻ. 
  •  Hoặc có thể trộn thêm sữa bột vào bột cháo trứng/thịt của trẻ với tỷ lệ thấp (1 - 2 thìa sữa bột/ 200ml dung dịch bột/cháo trứng, thịt).
  • Những trẻ > 6 tháng biếng ăn sữa cần tăng cường thêm những chế phẩm của sữa như format mềm rất dầu canxi và năng lượng.
  • Nếu có điều kiện kinh tế và mẹ ít hoặc không có sữa nên dùng cho trẻ sữa bột công thức có hàm lượng năng lượng cao để đảm bảo được năng lượng và thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần với số lượng ăn được ít hơn yêu cầu (1Cal/1ml sữa).
  • Cho trẻ uống thêm sữa dầu 5%: 100ml sữa bột công thức trộn thêm 1 thìa cà phê dầu thực vật 5ml (loại dầu ăn dùng để ăn sống, trộn xa-lát).

        Trứng: là thức ăn bổ, tốt cho trẻ em, trong trứng có nhiều chất đạm, chất béo, muối khoáng và các loại vitamin. Chất đạm của trứng có đầy đủ các acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đói do đó trẻ dễ hấp thu. Lòng đỏ trứng về giá trị dinh dưỡng có nhiếu chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng nên lòng đỏ tốt hơn lòng trắng do vậy trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên ăn lòng đỏ. Lòng trắng trứng thành phần chủ yếu là đạm nên cho trẻ trên 1 tuổi ăn cả quả trứng.

 

        Thịt là thực phẩm dinh dưỡng cao (thịt gà - 22, 4% đạm, thịt bò – 21%, thịt nạc thăn – 19% đạm, khi trẻ trên 1 tuổi có thể dùng thịt nạc vai, thịt mông sấn để tăng thêm năng lượng cho trẻ.

 

        Cá tôm cua cũng rất nên tăng cường cho trẻ ăn vì chúng chứa nhiều chất đạm (16-20%) lại dễ tiêu hoá hơn đạm thịt. Ngoài ra còn chứa nhiều can xi, phốt pho giúp trẻ không bị còi xương (chú ý trẻ khoảng từ 7 tháng tuổi có thể ăn được các loại thực phẩm này nhưng phải tập ăn sau đạm trứng, thịt và tập dần từ ít đến nhiều).

ở những gia đình không có điều kiện cho trẻ ăn nhiều đạm trứng, thịt thì có thể thay thế bằng đậu tương, đậu xanh, lạc là thực phẩm thực vật cung cấp chất đạm, béo giá thành rẻ. Nhưng trong những trường hợp này khuyến nghị cho nhu cầu protein ăn vào cần được đặt cao hơn một chút (do đạm thực vật tỷ lệ đạm thường thấp hơn và khả năng hấp thu đối với hệ tiêu hoá người cũng thấp hơn so với đạm động vật).

 

4. 2. 2. Các loại thực phẩm giàu chất béo:

  • Chất béo rất nguồn năng lượng quan trọng từ thực phẩm, với cùng một hàm lượng nó cung cấp hơn gấp đôi năng lượng so với chất đạm và chất bột: ngoài ra nó giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K rất cần cho phát triển xương, mắt) và cung cấp các acid béo no cần thiết. Do vậy, cần đảm bảo ăn đủ lượng dầu, mỡ cho trẻ để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng theo lứa tuổi của trẻ.
  • Nên cho trẻ ăn cả dầu thực vật lẫn mỡ động vật đặc biệt là mỡ gà vì có chứa tới 18% acid béo chưa no rất tốt cho sự hấp thu của trẻ, bên cạnh đó còn có chứa những acid béo no cần cho chuyển hoá của trẻ.

4. 2. 3. Các thực phẩm giàu glucid:

  • Gạo, mì: Với lượng lớn trong khẩu phần ăn đóng vai trò quan trọng trong cung cấp năng lượng.
  • Ngoài ra cần chú ý cho trẻ uống đủ nước, ăn đủ rau, hoa quả tươi để cung cấp đủ các vitamin, chất xơ và các yếu tố vi lượng.

4. 3. Để giúp hệ tiêu hoá trẻ làm việc dễ dàng hơn có thể hỗ trợ bằng

  • Sử dụng bột mộng có thêm thành phần enzym hoặc dùng nước giá đỗ sống để giúp tăng khả năng tiêu hoá thức ăn và hoá lỏng thức ăn 2 – 3 lần (đặc biệt cần cho trẻ kém khả năng ăn bột/cháo đặc so với lứa tuổi).

4. 4. Những sai lầm các bà mẹ hay mắc phải trong việc thực hiện chế độ ăn của trẻ biếng ăn

  • Không tăng cường số bữa ăn cho trẻ mặc dù mỗi bữa trẻ chỉ ăn rất ít hoặc bỏ ăn. Nấu loãng hơn bình thường (cho ít chất đạm, dầu mỡ hơn bình thường) khiến cho trẻ đã ăn ít hơn về lượng lại càng bị thiệt thòi về chất.
  • Không cho hoặc cho quá ít dầu mỡ vào bát bột, cháo của trẻ gây thiếu năng lượng khẩu phần cho trẻ.
  • Không cho trẻ ăn cá tôm cua vì sợ trẻ tiêu chảy, hoặc khi trẻ có nhiễm khuẩn ho hay tiêu chảy: Chỉ trong những trường hợp cá tôm cua là nguyên nhân gây tiêu chảy như một biểu hiện của bệnh dị ứng ở một số cơ địa dị ứng đồ tanh (tỷ lệ rất thấp).
  • Cho trẻ ăn các thực phẩm không nên dùng là: những thực phẩm nguyên hạt, khó tiêu (như ngô...), thấp năng lượng mà chiếm dung lượng lớn như miến, khoai.. Trẻ không táo bón nhưng vẫn trộn quá nhiều đậu xanh, sen, ý dĩ…trong bột xay của trẻ, hoặc cho quá nhiều rau xanh trong bữa bột/cháo gây thấp năng lượng khẩu phần.

Theo Viện Dinh dưỡng