Về nơi những ông chồng hỗ trợ vợ cho con bú

Cập nhật: 5/27/2017 - Lượt xem: 16521
PGS. TS. Trần Hữu Bích, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng, chủ trì nhóm nghiên cứu Chương trình can thiệp cộng đồng hướng tới người cha cho biết, người cha có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ cùng vợ chăm sóc con cũng như nâng cao tỉ lệ phụ nữ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu…

Nâng cao vai trò của người cha


Vai trò của người cha trong mối liên quan đến dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ nhỏ đã được nhìn nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên chỉ có một số ít nghiên cứu về hiểu biết và vai trò của người cha trong việc nuôi còn bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Vì vậy, nghiên cứu của PGS.TS Trần Hữu Bích đã kiểm định giả thuyết về sự cải thiện kiến thức của nguời cha sau chương trình can thiệp giáo dục sức khỏe cộng đồng, sử dụng thiết kế nghiên cứu thực nghiệm trước sau và có đối chứng.

Trong nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, người chồng trong gia đình có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ nói riêng, chăm sóc trẻ nhỏ nói chung. Qua dự án Nâng cao vai trò của người cha trong việc cho con bú bằng sữa mẹ đã làm thay đổi những quan niệm sai lầm trước đây là cho con ăn dặm sớm, không cho con bú sữa non. Từ đó nâng cao vai trò của người cha trong việc phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ trong đó có việc hỗ trợ vợ cho con bú mẹ trong 6 tháng đầu. Dự án đã cung cấp các kiến thức về nguồn sữa mẹ, khuyến khích sự giúp đỡ của người chồng đối với vợ trong thời gian mang thai và cho con bú.

Năm 2010-2011 tại huyện Chí Linh (Hải Dương) đã thử nghiệm mô hình này và Thanh Hà – (Hải Dương) là địa bàn đối chứng. Giai đoạn trước can thiệp nhóm nguyên cứu đã chọn 251 cặp vợ chồng đang có vợ mang thai (Chí Linh) và 241 cặp tương ứng được chọn vào nhóm không can thiệp (huyện Thanh Hà – Hải Dương). Sau thời gian thực hiện dự án, kết quả rất khả quan, thể hiện rất rõ vai trò của người cha trong việc hỗ trợ vợ để vợ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Cụ thể, tỷ lệ trẻ được bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh tại Chí Linh lên tới 81,4%, cao gấp 2 lần so với huyện Thanh Hà, Hải Dương; trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu, trong vòng 24 giờ đầu và từ lúc sinh cho đến 4 tháng tuổi tại Chí Linh cũng cao hơn; đặc biệt tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, trong vòng 24 giờ qua ở Chí Linh 16% cũng cao gấp 4 lần so với Thanh Hà và tỷ lệ chung bình của cả tỉnh (4%)…

 

Một buổi tư vấn cho các ông bố có vợ mang thai hoặc nuôi con nhỏ ở Thanh Hà -Hải Dương Từ thành công của huyện Chí Linh, huyện Thanh Hà đã áp dụng mô hình này về huyện mình và qua hơn 1 năm thực hiện, nhận thức của cán bộ y tế cũng như những ông bố đã thay đổi rõ rệt. Các kiến thực về nuôi con bằng sữa mẹ đã được họ nắm rất chắc, nhiều ông bố đã hỗ trợ vợ nhiều hơn, làm việc nhà, giúp vợ các công việc trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ.

Chia sẻ việc nhà và nhắc vợ cho con bú
 
Khi chúng tôi về huyện Thanh Hà (Hải Dương) và tiếp xúc với các cặp vợ chồng tham gia mô hình này thấy rõ sự hiệu quả. Các ông bố trẻ đã không còn ngại ngần sẻ chia với vợ những công việc như đi chợ, nấu nướng, giặt tã cho con, động viên, nhắc nhở vợ cho con bú, hướng dẫn vợ cách vắt sữa, bảo quản trong tủ lạnh… Bà Dương Thị Kim Chung, PGĐ Trung tâm Y tế thị xã Chí Linh, Hải Dương cho biết: “Chỉ sau 3 tháng, không chỉ các ông bố, mà cả người dân ở địa phương chúng tôi đã hiểu và thay đổi hành vi về hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ. Chúng tôi đã mở rộng ra toàn thị xã và mong muốn Dự án sẽ được triển khai, nhân rộng ra các địa bàn trong tỉnh, thậm chí cả nước. Để làm được điều này, không chỉ các ông bố quyết tâm, mà cần sự tham gia hỗ trợ của cả cộng đồng, đặc biệt là Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên…”. Anh Lê Văn Cường (Xã Quyết Thắng) cho biết, anh có con trai 3 tuần tuổi, do được tập huấn về việc hỗ trợ vợ cho con bú nên anh đã giúp được vợ nhiều công việc nhà, nhận thức rõ hơn về vai trò của sữa mẹ trong sự phát triển của trẻ trong những năm tháng đầu đời.

         
Vợ chồng anh Nguyễn Xuân Văn và con trai Anh Nguyễn Xuân Văn (Thôn Dương Xuân Xã Quyết Thắng có vợ là Chu Thị Viễn có con hơn 6 tháng tuổi cho biết anh chị đã hoàn toàn cho con bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Trước đây hai vợ chồng chưa hề biết tác dụng của sữa non nhưng sau khi được tuyên truyền, thảo luận nhóm anh chị đã biết tác dụng của nguồn sữa quý báu này nên đã tận dụng nguồn sữa non cho con. Anh Văn cho biết: “Trước quan niệm sữa non là bẩn, không cho con bú nhưng sau khi tham gia chương trình kiến thức nuôi con đã được nâng lên. Về nhà cũng chịu khó chia sẻ với vợ những công việc nhà. Kết quả thấy con phát triển tốt hơn…”

           
Vợ chồng anh Thuyên rất hạnh phúc khi cùng nhau chia sẻ việc nhà, hỗ trợ vợ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu Vợ chồng Phạm Văn Thuyên (sinh 1987) và vợ là Nguyễn Thị Huế (sinh 1991) ngụ ở thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến, Thanh Hà cũng là những người tham gia chương trình tăng cường vai trò của người cha trong việc cho con bú mẹ trong vòng 6 tháng đầu. Anh Thuyên chia sẻ: “Ngày xưa, trai làng em chỉ biết đi làm kiếm tiền, việc đẻ, nuôi con phó mặc hết cho vợ, mẹ. Từ ngày tham gia Dự án, em mới thấy vai trò của người cha đối với việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái là vô cùng quan trọng. Giờ thì em chả nề hà việc gì cả. Cảm thấy làm được việc gì sẵn sàng làm ngay…”.

Nguồn: Giadinh.net