Việt Nam là một đất nước chịu hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh trong nhiều năm, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng kém phát triển và thiếu đói luôn là những nguy cơ thường trực trong và sau các cuộc chiến tranh. Những khó khăn về kinh tế là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng yếu kém về dinh dưỡng của người dân, và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ của trẻ em. Bên cạnh nguyên nhân nghèo đói, suy dinh dưỡng còn là hậu quả của sự thiếu hiểu biết của cộng đồng về khoa học chăm sóc dinh dưỡng cho con người, đặc biệt là chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em. Những hiểu biết sai lệch, những thói quen, tập tục lạc hậu đã tước đi của trẻ em phần nào cơ hội để phát triển.
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm đặc biệt cho các cháu nhi đồng. Bác luôn căn dặn phải quan tâm chăm sóc, giáo dục các em. Lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” đã và đang được toàn Đảng, toàn dân ta ghi nhớ và làm theo. Thấm nhuần tư tưởng của Bác là “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”, năm 1991 Quốc hội đã thông qua “Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”. Ngày 30-5-1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VII đã ra chỉ thị số 38CT/TW “Về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”. Ngày 30-7-1998, Thường vụ Bộ Chính Trị khoá VIII đã ra thông tri “Về việc tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”. Đây là sự nghiệp lớn lao, chính vì vậy mà Đảng, Nhà nước luôn coi con người là nhân tố quyết định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Đây cũng là những cam kết của Chính phủ đối với công ước bảo vệ quyền trẻ em của Liên hiệp quốc vì sự phát triển của thế hệ tương lai.
Từ năm 1994, Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng đã bắt đầu được triển khai tại gần 3000 xã khó khăn dưới sự triển khai, chỉ đạo của Uỷ ban chăm sóc bà mẹ, trẻ em. Trong giai đoạn khởi động này, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng đã đạt được một số kết quả bước đầu, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 38,7% vào năm 1997.
Từ năm 1998, Chính phủ đã quyết định chuyển giao chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em về Bộ Y tế quản lý, chỉ đạo. Bộ Y tế đã giao cho Viện Dinh dưỡng làm cơ quan đầu mối xây dựng chiến lược, giải pháp và tổ chức thực hiện chương trình này. Ngày 17 tháng 07 năm 2007, tại Quyết định số 108/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006 – 2010, Dự án Phòng, Chống Suy dinh dưỡng trẻ em là một trong 10 Dự án thành phần trong chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS.
Ngày 18/12/2011 Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 2406/QĐ-TTG về việc Ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2012 – 2015 Dự án Phòng chống Suy dinh dưỡng trẻ em được đổi tên thành Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em cho đến nay.
Tham khảo Quyết định số 2406/QĐ-Ttg do Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 18/12/2011 về Ban hành Danh mục các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2012 - 2015