Cách nào khắc phục đau cơ khi tập luyện thể thao cho trẻ lứa tuổi học đường?

Cập nhật: 10/26/2022 - Lượt xem: 1766

Hoạt động thể dục, thể thao thường xuyên giúp trẻ phát triển cả về thể chất, trí tuệ, nâng cao tầm vóc, kiểm soát và duy trì cân nặng, hạn chế bệnh thừa cân béo phì và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên cũng làm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như: tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường,…

Khi hoạt động thể thao cơ thể bị mất nước, đặc biệt là những ngày hè oi bức. Cơ thể mất nước và các chất điện giải qua mồ hôi, lượng mồ hôi bài tiết rất lớn và thậm 3 lít/giờ, có thể gây ra những rối loạn do thiếu nước và điện giải.  Trong mồ hôi, thành phần chính là nước chiếm 98%, 2% là muối (natri) và sản phẩm chuyển hóa. Vì vậy khi hoạt động thể thao không đúng sẽ dẫn đến chấn thương, tình trạng căng cứng, co rút cơ bắp.

Để tránh tình trạng trên, khi hoạt động thể lực cần phải khởi động chiếm tới 10% thời gian tập luyện, đồng thời hoạt động thể lực phải phù hợp theo lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe, không nên quá sức. Bình thường sau 20-30 phút hoạt động thể lực, cơ thể sẽ cảm thấy sảng khoái và khỏe mạnh. Ngược lại, nếu sau thời gian trên mà cơ thể mệt mỏi, uể oải điều này chứng tỏ đã hoạt động quá sức. Trước khi tập thể dục, không được ăn no, không uống nhiều nước và cần khởi động cơ thể từ 5-10 phút để phòng tránh chấn thương, các tình trạng căng cứng, co rút cơ (chuột rút). Sau khi tập nên dành thời gian từ 5-10 phút thả lỏng, thư giãn, cho cơ thể ráo mồ hôi hãy tắm, không tắm khi thân nhiệt còn cao.

Thời điểm thể dục tùy theo mùa, thời tiết, bình thường buổi sáng khoảng từ 7g-10g, buổi chiều từ 15-17g, khi hoạt động thể lực làm mồ hôi tiết ra kéo theo chất độc trong cơ thể thải ra và nó tỷ lệ thuận với lượng mồ hôi. Hoạt động ít nhất từ 30-60 phút chia làm 2-3 lần/ngày, ít nhất 150 phút/tuần, không nên vận động thời gian quá dài và quá sức.

Năng lượng tiêu hao của từng hoạt động thể lực trong 1 giờ (Kcalo/giờ)

Nguyên nhân gây đau cơ khi chơi thể thao

Vận động quá sức: Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng đau cơ bắp chân khi chơi thể thao. Có thể kể đến các trường hợp bị đau cơ do chơi thể thao quá sức, mang vác nặng nề, leo cầu thang quá nhiều,…

Không khởi động trước khi vận động: đây là 1 trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến căng cứng, co rút cơ khi chơi thể thao. Căng cứng, co rút cơ còn xẩy ra ngay cả với vận động viên khi thi đấu thể thao nếu không vận động kỹ và chủ quan.

Chấn thương khi tập luyện: chấn thương các phần cơ bị va đập gây tổn thương các thành phần của cơ, mạch máu khiến người bệnh có cảm gác đau mỏi. Khi các cơ không được luyện tập thường xuyên nên sau khi hoạt động mạnh, chấn thương các cơn đau nhức lại diễn ra.

Làm gì khi bị đau cơ?

Thứ nhất: không được ngừng tập, vì chính các bài tập thể thao giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, chỉ có điều cần giảm cường độ của các bài tập.

Thứ hai: khi bị đau cơ, nên massage, chấn thương nên chườm đá, co cứng có thể dùng thuốc giảm đau.

Thứ ba: nên uống đủ nước trước, trong và sà sau khi tập thể thao, vì nước tham gia và tất cả mọi quá trình trao đổi chất trong cơ thể và giúp đưa các chất thải ra ngoài.

ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến – Trung tâm GDTTDD – Viện Dinh dưỡng