Hệ vi sinh vật ở người là một chủ đề thu hút nhiều nghiên cứu, đặc biệt về vai trò của hệ vi sinh đường ruột trong việc bảo vệ vật chủ, vai trò đối với sinh lý học và sự phát triển cân bằng của hệ thống miễn dịch. Probiotic (lợi khuẩn) là một lựa chọn được sử dụng phổ biến trong phòng ngừa và điều trị nhiều loại bệnh ở trẻ em (1).
Probiotic là gì?
Khái niệm probiotic được định nghĩa năm 2001 bởi các chuyên gia của FAO và WHO. Đến năm 2013, Hiệp hội khoa học Quốc tế về Probiotic và Prebiotic (ISAPP) đã triệu tập các chuyên gia và đưa ra một định nghĩa chính thức về probiotic: Probiotic là những vi sinh vật sống khi được sử dụng với số lượng đủ, sẽ là đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho vật chủ. Và đây được coi là định nghĩa khoa học về probiotic (2).
Trong cơ thể người, các loại probiotic phổ biến nhất thuộc chi Lactobacillushoặc Bifidobacterium. Các chi khác bao gồm: Streptococcus, Enterococcus, Lactococcus, Pediococcus, Bacillus và Escherichia cùng với một số chủng nấm men không chứa vi khuẩn thuộc chi Saccharomyces (3).
Các chủng probiotic được sử dụng phổ biến cho trẻ em bao gồm:
- Lactobacillus
- Bifidobacterium
- Saccharomyces
Probiotic được tìm thấy trong các loại thực phẩm lên men, như sữa chua, kim chi, dưa cải muối…Mặc dù các loại probiotic khác nhau sẽ được bổ sung với liều khác nhau (thường được tính bằng đơn vị hình thành khuẩn lạc hay CFU), nhưng thông thường, liều lượng bổ sung probiotic cho trẻ nhỏ sẽ nằm trong khoảng vài tỷ CFU mới có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe đường tiêu hóa của trẻ.
Ảnh sưu tầm Internet
Một số lợi ích đã được khoa học chứng minh của việc bổ sung probiotic cho trẻ
Tùy từng triệu chứng/bệnh mà đã được chứng minh có hiệu quả với chủng probiotic đặc hiệu, Đã có rất nhiều nghiên cứu về việc bổ sung probiotic cho trẻ em. Dưới đây chúng tôi xin tổng hợp một số trường hợp probiotic đem lại các lợi ích về sức khỏe cho trẻ:
1. Khóc dạ đề hay chứng đau bụng colic ở trẻ em
Khóc dạ đề hay chứng đau bụng colic ảnh hưởng đến 10-30% trẻ sơ sinh khỏe mạnh trên toàn thế giới. Khóc dạ đề được định nghĩa là quấy khóc trong hơn 3 tiếng một ngày, trong hơn 3 ngày/tuần và kéo dài trong hơn 3 tuần ở trẻ em dưới 3 tháng. Các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho thấy sử dụng probiotic chủng L.reuteri ở trẻ sơ sinh bú mẹ khỏe mạnh, đủ cân, không sử dụng kháng sinh, không mắc các khuyết tật bẩm sinh có thể làm giảm 50% thời gian khóc dạ đề ở trẻ. Tuy nhiên, bằng chứng chỉ mạnh khi sử dụng L.reuteri dưới dạng thực phẩm bổ sung, việc bổ sung vào sữa công thức của trẻ không quan sát được hiệu quả tương tự.
2. Dự phòng tiêu chảy do kháng sinh
Nếu trẻ phải sử dụng kháng sinh vì bất cứ nguyên nhân gì, rất có thể trẻ sẽ gặp phải các tác dụng phụ của việc dùng kháng sinh đó là tiêu chảy. Tiêu chảy do sử dụng kháng sinh được định nghĩa là đi ngoài phân lỏng trên 3 lần trong vòng 24 giờ trong khi sử dụng kháng sinh hoặc trong vòng 6-8 tuần sau khi ngừng điều trị kháng sinh. Sử dụng probiotic đã được chứng minh là có thể làm giảm tỷ lệ tiêu chảy do sử dụng kháng sinh ở trẻ nhỏ trong nhiều nghiên cứu. Trong các nghiên cứu này, probiotic thường được sử dụng phối hợp nhiều chủng khác nhau. Hiệp hội Tiêu hóa, Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa Châu Âu khuyến nghị sử dụng probiotic L. rhamnosus GG ATCC53103 hoặc S. boulardii CNCM I-745 cho mục đích dự phòng tiêu chảy liên quan đến kháng sinh (5).
3. Tiêu chảy tại bệnh viện
Tiêu chảy tại bệnh viện xảy ra trong quá trình nằm viện chứ không xuất hiện từ khi nhập viện. Tỷ lệ tiêu chảy tại bệnh viên ở trẻ em vẫn còn cao, kể cả ở các quốc gia đang phát triển, chiếm từ 5-10%. Tiêu chảy trong bệnh viện làm nặng thêm tiên lượng về bệnh, làm kéo dài thời gian nằm viện và tăng các chi phí điều trị. Hiệp hội Tiêu hóa, Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa Châu Âu khuyến nghị: nếu sử dụng probiotic trong dự phòng tiêu chảy tại bệnh viện, khuyến nghị sử dụng Lactobacillus rhamnosus GG (LGG) với liều tối thiểu là 10^9 CFU/ngày trong suốt thời gian nằm viện.
Ngoài ra, probiotic nói chung, cũng được sử dụng cho nhiều mục đích khác như dự phòng táo bón chức năng ở trẻ, dự phòng tình trạng dị ứng ở trẻ sơ sinh hoặc sử dụng trong điều trị viêm dạ dày ruột cấp tính ở trẻ. Tuy nhiên, những việc sử dụng này chưa được công nhận và khuyến nghị chính thức bởi các tổ chức khoa học quốc tế.
4. Bổ sung probiotic có hỗ trợ tăng trưởng và phát triển ở trẻ hay không?
Bổ sung probiotic phối hợp với prebiotic-chất xơ (được gọi là synbiotic) đã được một số nghiên cứu chứng minh có thể hỗ trợ tăng trưởng cho trẻ bị chậm tăng trưởng mức độ nhẹ và vừa (failure to thrive). Sử dụng synbiotic trong vòng 30 ngày với liều 10^9 CFU phối hợp giữa 7 chủng probiotic khác nhau (Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus rhamnosus, Lactobacillus bulgaricus, Lactobacillus casei, Bifidobacterium infantis, Bifidobacterium breve, và Streptococcus thermophilus cùng với Fructooligosaccharides /FOS – một loại prebiotic) có thể giúp trẻ 2-5 tuổi tăng 600g so với ở nhóm chứng tăng 74g (sự khác biệt có ý nghĩa thống kê). Về chiều cao, trẻ ở nhóm sử dụng synbiotic tăng 0,41cm so với nhóm chứng chỉ tăng 0,37cm (6). Nhiều nghiên cứu khác tại Trung Quốc (7) trên trẻ 3-5 tuổi hoặc nghiên cứu trên 120 trẻ 0-6 tháng tại Estonia sử dụng L. rhamnosus GG với liều 10^7 CFU (8) đều cho thấy sữa công thức được bổ sung probiotic giúp trẻ phát triển chiều cao và cân nặng tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận hiệu quả này là của riêng probiotic hay của việc phối hợp sử dụng symbiotic và khuyến nghị cụ thể về liều lượng, cũng như chủng probiotic sử dụng, cũng như đường dùng (sử dụng dạng thực phẩm chức năng hay bổ sung trong các loại sữa công thức cho trẻ).
5. Thận trọng khi sử dụng probiotic
Probiotic được sử dụng rộng rãi trên thị trường dưới nhiều dạng khác nhau. Probiotic có thể được bổ sung vào thực phẩm hoặc các loại thực phẩm chức năng dạng viên nang, viên nén, bột, cốm, dạng xịt hoặc dạng hạt. Nhiều loại thực phẩm chức năng trong số đó chứa không đủ lượng probiotic để đạt được các hiệu quả về mặt sức khỏe hoặc chứa các thành vật không được liệt kê trên nhãn, thậm chí có chứa cả các tác nhân gây bệnh. Do vậy, khi sử dụng probiotic, đặc biệt là khi sử dụng cho trẻ nhỏ, cần có hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là về chủng vi khuẩn, và trường hợp nào cần phải sử dụng. Tránh sử dụng probiotic bừa bãi, thiếu chỉ định có thể không đem lại hiệu quả về sức khỏe.
Probiotic nhìn chung là an toàn, đặc biệt là với các chủng probiotic phổ biến như Bifidobacterium, Lactobacillus và Saccharomyces. Tuy nhiên, với mỗi chủng probiotic khác nhau sẽ cần có những mô tả riêng về tác dụng cũng như tác dụng phụ. Đặc biệt nên thận trọng khi sử dụng các chủng probiotic cùng chi với các vi khuẩn gây bệnh ở người (Streptococcus, Bacillus và Enterococcus). Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng probiotic bao gồm các triệu chứng tiêu hóa nhẹ như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ợ hơi, thay đổi vị giác. Ở những trẻ nhạy cảm có thể gặp phải các triệu chứng toàn thân, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, kích thích miễn dịch..v…v. Đặc biệt, gần đây FDA và Hiệp hội Nhi khoa hoa Kỳ đã khuyến cáo không sử dụng probiotic cho trẻ sinh non, do đã xuất hiện trường hợp trẻ sinh non sử dụng một loại probiotic dưới dạng thực phẩm chức năng tại Mỹ và bị nhiễm khuẩn huyết và tử vong.
Như vậy, Probiotic có thể được sử dụng và được coi là an toàn và dung nạp tốt đối với trẻ em khỏe mạnh. Cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng với trẻ sinh non, trẻ có cân nặng sơ sinh thấp, trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch, trẻ đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, trẻ đang sử dụng ống thông hoặc mắc các bệnh lý nền khác.
TS. Phan Bích Nga - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em - Viện Dinh dưỡng
Tài liệu tham khảo
(1) Szajewska H., Kołodziej M., Gieruszczak-Białek D., Skórka A., Ruszczyński M., Shamir R. Systematic Review with Meta-Analysis: Lactobacillus rhamnosus GG for Treating Acute Gastroenteritis in Children—A 2019 Update. Aliment. Pharmacol. Ther. 2019;49:1376–1384. doi: 10.1111/apt.15267.
(2) Hill C., Guarner F., Reid G., Gibson G.R., Merenstein D.J., Pot B., Morelli L., Canani R.B., Flint H.J., Salminen S., et al. Expert Consensus Document: The International Scientific Association for Probiotics and Prebiotics Consensus Statement on the Scope and Appropriate Use of the Term Probiotic. Nat. Rev. Gastroenterol. Hepatol. 2014;11:506–514. doi: 10.1038/nrgastro.2014.66.
(3) Koutsoumanis K., Allende A., Alvarez-Ordóñez A., Bolton D., Bover-Cid S., Chemaly M., Davies R., De Cesare A., Hilbert F., Lindqvist R., et al. Scientific Opinion on the Update of the List of QPS-Recommended Biological Agents Intentionally Added to Food or Feed as Notified to EFSA (2017–2019) EFSA J. 2020;18:5966. doi: 10.2903/j.efsa.2020.5966.
(4) Schreck Bird A., Gregory P.J., Jalloh M.A., Risoldi Cochrane Z., Hein D.J. Probiotics for the Treatment of Infantile Colic: A Systematic Review. J. Pharm. Pract. 2017;30:366–374. doi: 10.1177/0897190016634516.
(5) Szajewska H., Canani R.B., Guarino A., Hojsak I., Indrio F., Kolacek S., Orel R., Shamir R., Vandenplas Y., Van Goudoever J.B., et al. Probiotics for the Prevention of Antibiotic-Associated Diarrhea in Children. J. Pediatr. Gastroenterol. Nutr. 2016;62:495–506. doi: 10.1097/MPG.0000000000001081.
(6) Aflatoonian M, Taghavi Ardakani A, Modarresi SZ, Modaresi V, Karimi M, Ordooei M, Vakili M, Pakseresht B. The Effect of Synbiotic Supplementation on Growth Parameters in Mild to Moderate FTT Children Aged 2-5 Years. Probiotics Antimicrob Proteins. 2020 Mar;12(1):119-124. doi: 10.1007/s12602-018-9508-6. PMID: 30627885.
(7) He M, Yang YX, Han H, Men JH, Bian LH, Wang GD. Effects of yogurt supplementation on the growth of preschool children in Beijing suburbs. Biomed Environ Sci. 2005;18:192–7.
(8) Vendt N, Grünberg H, Tuure T, Malminiemi O, Wuolijoki E, Tillmann V, et al. Growth during the first 6 months of life in infants using formula enriched with Lactobacillus rhamnosus GG: Double-blind, randomized trial. J Hum Nutr Diet. 2006;19:51–8.