Báo “Vui Sống” và dấu ấn với ngành vệ sinh quân đội
GS. Từ Giấy sinh năm 1921 tại làng Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, phủ Hà Đông (nay là Hà Nội) trong một gia đình nghèo. Trải qua một tuổi thơ đầy gian nan, vất vả nhưng vốn thông minh ham học, ông đã đỗ đầu cuộc thi luận Quốc văn toàn tỉnh Hà Đông khi mới 15 tuổi. Năm 1943, ông tốt nghiệp tú tài xuất sắc tại Trường Bưởi (Hà Nội) và cũng ngay năm đó thi đỗ vào trường đại học danh tiếng - Trường đại học Y - Dược Hà Nội. Ngày đó, chỉ tiêu trúng tuyển Trường Y - Dược chỉ có 200 người, hết năm thứ nhất sàng lọc chỉ còn 40 người, tức là sẽ có đến 160 người không đáp ứng được yêu cầu. Đến năm cuối thường chỉ không quá 10 người. Cách mạng Tháng 8 nổ ra, các trường tạm ngừng hoạt động, ông tham gia quân đội, thực hiện nhiệm vụ y sĩ phẫu thuật ở mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa.
Tháng 6/1946, ông được Quân đội giao nhiệm vụ xuất bản tờ báo Vui Sống để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh, phòng bệnh, ăn uống hợp lý cho quân và dân. Cùng với các báo Sự thật, Cứu Quốc, Vệ Quốc Đoàn, báo Vui Sống là một trong bốn tờ báo đầu tiên của nước Việt Nam mới và là tờ báo chuyên về sức khỏe ra đời sớm nhất ở nước ta. Trong giai đoạn 1946 - 1952, báo Vui Sống thật sự trở thành món ăn tinh thần của đồng bào và chiến sĩ, đã truyền bá các kiến thức sức khỏe, vệ sinh cho bộ đội và nhân dân.
Từ năm 1952, ông là Trưởng phòng Phòng bệnh của Cục Quân Y và phụ trách công tác vệ sinh phòng dịch tại mặt trận Điện Biên Phủ. Sau đó ông đi tu nghiệp tại Liên Xô. Từ năm 1961 - 1966, ông làm Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh của Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y). Năm 1967 làm Cục phó Cục Quân nhu; tham gia xây dựng Viện nghiên cứu ăn mặc Quân đội và là Viện trưởng cho đến lúc ông chuyển ngành (năm 1980). Ông đã dành hết tâm sức của mình nghiên cứu vấn đề ăn mặc của quân dân ta. Những nghiên cứu, đề xuất của ông đã góp phần quan trọng vào xây dựng ngành vệ sinh quân đội, ngành quân nhu và ngành dinh dưỡng Việt Nam sau này. Ý tưởng cải thiện bữa ăn của người Việt Nam đã ấp ủ từ lâu, ông mang theo suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Những sáng kiến của ông đã đi vào cuộc sống, chiến đấu của bộ đội và còn lưu danh đến giờ, đó là: “Gạo 4 túi”, “Rau rừng”, “Trạm chế biến thực phẩm ở chiến trường”, “Lương khô N70, N71” mãi gắn liền với tên tuổi của ông.
Lời giải cho vấn đề suy dinh dưỡng
Tình trạng thiếu dinh dưỡng ở Việt Nam luôn là một vấn đề trong suốt nhiều thập kỷ chiến tranh nhưng đã trở nên trầm trọng hơn từ cuối những năm 1970, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em, khả năng lao động của người lớn và xa hơn là ảnh hưởng đến tương lai giống nòi và sự phát triển của đất nước.
Một trong 10 vấn đề nghiên cứu trọng điểm của Nhà nước sau năm 1975 là Chương trình cải tiến bữa ăn do GS. Từ Giấy làm chủ nhiệm đã lựa chọn khu gang thép Thái Nguyên với quy mô 16.000 công nhân và 30.000 người trong các gia đình tham gia để làm thí điểm với các nội dung: tăng gia sản xuất tạo thêm nguồn thực phẩm ở gia đình, ở nhà máy và công ty; xây dựng cơ sở chế biến thực phẩm; xây dựng nhà ăn cơ khí và các bếp ăn tiết kiệm chất đốt; giáo dục kiến thức dinh dưỡng. Sau ba năm triển khai chương trình từ 1977 đến tháng 5/1980, Đảng và Nhà nước đã nhận thấy tầm quan trọng của chất lượng bữa ăn trong các gia đình Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Viện Dinh dưỡng Quốc gia ngày 13/6/1980, mở ra một trang hoàn toàn mới cho sự phát triển khoa học dinh dưỡng ở Việt Nam cơ bản hơn, bền vững hơn.
Nhận nhiệm vụ Viện trưởng khi đã 59 tuổi, GS. Từ Giấy cùng các nhà khoa học tâm huyết xây dựng cơ sở, nền tảng cho một Viện Dinh dưỡng như ngày hôm nay. Ông là nhà khoa học tiêu biểu cho quá trình xây dựng và phát triển ngành dinh dưỡng Việt Nam và là người Viện trưởng sáng lập Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ông làm chủ nhiệm hai chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước là 64D và 64-02 để đưa ra các căn cứ khoa học và là cơ sở thuyết phục Chương trình lương thực thế giới (PAM) đồng ý viện trợ quốc tế can thiệp khẩn cấp cho trẻ em, bà mẹ ở Việt Nam với tổng giá trị hàng chục triệu USD, một con số rất lớn trong hoàn cảnh đất nước khó khăn thời bao cấp, bị bao vây cấm vận. Ðó là các dự án PAM 2651 và nhiều dự án khác cung cấp lương thực - thực phẩm cho các bà mẹ mang thai, các bà mẹ đang cho con bú và trẻ em suy dinh dưỡng. Đó thật sự là những nguồn lực to lớn, trực tiếp tác động tích cực tới sức khỏe bà mẹ và trẻ em Việt Nam trong những giai đoạn đất nước khó khăn.