Thông cáo báo chí Hội nghị công bố Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng 2019-2020

Cập nhật: 4/26/2021 - Lượt xem: 15496

Ngày 15/04/2021 tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng quốc gia – Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Cục/Vụ - Bộ Y tế và đại diện các Bộ, Ban, Ngành, các Viện nghiên cứu, Tổng cục Thống kê và các Tổ chức quốc tế: Quỹ nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng đông đảo các phóng viên đài, báo, truyền hình đến tham dự và đưa tin về Hội nghị. Chủ trì Hội nghị là đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, đồng chủ trì hội nghị là bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF, kiêm Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam.

Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc được tiến hành thường kỳ 10 năm một lần. Năm 2019, Tổng điều tra Dinh dưỡng được tiến hành ngay sau cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 (tháng 4/2019). Cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc được Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) triển khai phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và được sự hỗ trợ của nhiều Tổ chức quốc tế như UNICEF, FAO, WHO, WB, IGN, CDC (Hoa kỳ), Institute of Reseach Development (Pháp), FHI 360/ FHI Solutions (Intake, Alive & Thrive), Dự án INDDEX - Đại học Tufts (Hoa Kỳ).

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh "Tổng điều tra Dinh dưỡng lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở phạm vi quốc gia với sự tham gia của 22.400 hộ gia đình tại 25 tỉnh thành phố đại diện cho 6 vùng sinh thái; thực hiện thu thập đồng thời các chỉ số về nhân trắc, vi chất dinh dưỡng, khẩu phẩn ăn cá thể, cũng như thông tin về an ninh lương thực và Kiến thức – thực hành về an toàn thực phẩm”.

Đánh giá chung về vai trò quan trọng những kết quả của Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020, GS. TS. Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia đã khẳng định “Cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đánh giá các Mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng, giai đoạn 2011-2020 và đưa ra các bằng chứng khoa học nhằm phục vụ cho việc soạn thảo Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng trong giai đoạn tiếp theo”.

Phát biểu quan điểm của các tổ chức quốc tế về việc áp dụng các kết quả điều tra, bà Rana Flowers nhận địnhViệt Nam đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng, bao gồm: (1) Thiếu dinh dưỡng; (2) Thiếu vi chất dinh dưỡng; (3) Thừa cân & Béo phì. Cuộc Tổng điều tra là nguồn dữ liệu phong phú, sống động bổ sung thông tin cho hệ thống giám sát về tiêu thụ thực phẩm, tình trạng dinh dưỡng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thực hành nuôi dưỡng trẻ, thiếu vi chất dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Kết quả Tổng điều tra cho thấy phải có các can thiệp ở mức khẩn cấp, cần rà soát, cải tiến các cách tiếp cận. Các kết quả cũng giúp xác định các điểm ưu tiên, thiết kế các can thiệp, lập ngân sách cho việc thực hiện ở cấp trung ương và cấp tỉnh, các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng như vùng dân tộc thiểu số sẽ cần được tiếp tục ưu tiên quan tâm đầu tư”.

Một số kết quả chính của Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc (2019-2020):

1. Khẩu phần ăn của người dân năm 2020

- Năng lượng trung bình trong khẩu phần đạt 2023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1925kcal/ người/ngày năm 2010. Cơ cấu sinh năng lượng từ Protein, Lipid, và Glucid (2020) là: 15,8% : 20,2% : 64,0% (% so với tổng năng lượng ăn vào), cơ cấu này được coi là cân đối theo khuyến nghị cho người Việt Nam (2016);

- Mức ăn rau quả của người dân đã tăng bình quân đầu người từ 190,4g rau/người/ngày; 60,9g quả chín/người/ngày (2010) lên thành 231,0g rau/người/ngày; 140,7g quả chín/người/ngày (2020); Mức tiêu thụ rau quả mới chỉ đạt khoảng 66,4% - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp Dinh dưỡng cho người trưởng thành;

- Mức tiêu thụ thịt tăng nhanh; từ 84,0g/người/ngày (là mức tiêu thụ thịt bình quân trên toàn quốc vào năm 2010) tăng lên 136,4g/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155,3g/người/ngày (năm 2020);

Mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm;

- Tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.


2. 
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6% - mức <20% - được xếp vào mức TRUNG BÌNH theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới. Như vậy, tiếp nối kỳ tích giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em <5 tuổi xuống còn 19,9% vào năm 2008 (tức là Việt Nam đã về đích trước 7 năm so với chỉ tiêu mà Mục tiêu Thiên niên kỷ - MDGs - đặt ra đến năm 2015), thì đến nay Việt Nam đang trên đà đạt được Mục tiêu Dinh dưỡng toàn cầu (giảm 40% SDD thấp còi trẻ em đến năm 2025).  Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi; ở các vùng nông thôn và miền núi tỷ lệ này còn ở mức cao.

3. Tình trạng dinh dưỡng trẻ em tuổi học đường 5 - 19 tuổi

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) còn 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%). Rất đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

4. Chiều cao đạt được của thanh niên Việt Nam

Đã có sự thay đổi mạnh ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi năm 2020 đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010: 164,4cm), nữ năm 2020 đạt 156,2cm (năm 2010: 154,8cm).

5. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng

Đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng và thiếu máu đã ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (riêng phụ nữ có thai tỷ lệ thiếu máu ở mức trung bình). Giảm tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 6-59 tháng (2010 - 2020). Nhưng tình trạng thiếu kẽm vẫn còn cao, nhất là ở đối tượng có nguy cơ cao (trẻ em; bà mẹ...).  

- Về thiếu kẽm: Trên toàn quốc, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi giảm xuống 58,0%, ở phụ nữ có thai giảm xuống 63,5% nhưng vẫn ở mức ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nặng theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới. Tỷ lệ này vẫn còn rất cao đối với trẻ em 6-59 tháng tuổi ở miền núi phía Bắc (67,7%) và Tây Nguyên (66,6%) và còn cao hơn ở đối tượng phụ nữ có thai ở miền núi phía Bắc (81,9%) và Tây Nguyên (63,9%). Đặc biệt ở khu vực thành phố 5 năm qua (2015-2020) tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi ở mức nặng về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (49,6%) và hầu như không cải thiện. Điều này cho thấy, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng mức nặng về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng có thể giảm xuống song song với mức cải thiện điều kiện kinh tế xã hội (khu vực miền núi và Tây Nguyên), nhưng nếu không có các can thiệp đặc hiệu thì khó có thể giảm tiếp xuống mức trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (như ví dụ ở khu vực thành phố).

- Về thiếu Vitamin A: Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi trên cả nước giảm xuống ở mức YNCĐ nhẹ (9,5%), tỷ lệ này vẫn cao nhất ở khu vực Miền núi phía Bắc (13,8%) và Tây nguyên (11,0%). Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 5-9 tuổi (4,9%) ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới. Can thiệp uống viên nang vitamin A liều cao đã được triển khai nhiều thập kỷ qua nhưng tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 6-59 tháng tuổi vẫn còn ở mức nhẹ và giảm chậm trong những năm gần đây. Điều này cho thấy cần có can thiệp hỗ trợ mang tính trung hạn và dài hạn để duy trì thành tích đã đạt được và thanh toán tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em có thể nặng thêm nếu dừng hoàn toàn chương trình uống vitamin A liều cao trên toàn quốc.

- Về thiếu máu: Tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ 6-59 tháng trên cả nước giảm xuống ở mức YNCĐ nhẹ 19,6%, tỷ lệ này vẫn cao nhất ở miền núi phía bắc (23,4%) và Tây nguyên (26,3%); Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em 5-9 tuổi (9,2%); ở trẻ em 10-14 tuổi (8,4%), đều ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nhẹ theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới.
 
6. Tỷ lệ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Có sự cải thiện đáng kể, tăng từ 19,6% (năm 2010) lên 45,4% (năm 2020); trong đó ở khu vực thành thị tỷ lệ này là 55,7%, nông thôn là 40,3% và nông thôn miền núi là 42,7%.

7. Kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm

Tỷ lệ người dân có hiểu biết và thực hành đúng về an toàn thực phẩm có cải thiện rõ rệt: 35,8% số người trả lời có kiến thức tốt: 55,6% có kiến thức trung bình và chỉ 8,6% có kiến thức kém. Về xử lý ngộ độc thực phẩm: 78,0% số người trả lời lựa chọn đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị so với 44,9% năm 2010; tỷ lệ người dân được tiếp cận với nguồn thông tin chính thống về an toàn thực phẩm cũng tăng gấp hai lần so với điều tra năm 2010.

8. Thông tin chi tiết, xin liên hệ:

 Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng (Center for Nutrition Information, Education and Communication.

 Điện thoại: (84-24) 3971 3090

 Địa chỉ: Viện Dinh dưỡng - 48B Tăng Bạt Hổ - Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội.

 
9. Một số hình ảnh tại Hội nghị
 
    
 TS. Huỳnh Nam Phương - Viện Dinh dưỡng,
giới thiệu đại biểu tham dự, chương trình Hội nghị
 Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế
phát biểu khai mạc Hội nghị
 
 
 
  
Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF, 
kiêm Trưởng đại diện FAO
 tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
 
 
 
 
 
 
 
 
 
ThS. Trịnh Hồng Sơn - Viện Dinh dưỡng,
trình bày Báo cáo tại Hội nghị
  GS. TS. Lê Danh Tuyên-Viện trưởng Viện Dinh dưỡng,
phát biểu tại Hội nghị
   
Ông Christophe Lemiere-Trưởng Ban phát triển nguồn
nhân lực World Bank - phát biểu tại Hội nghị
 
 Lãnh đạo Tổng cục Thống kê, phát biểu tại Hội nghị
 
 
Phần tham luận của đại biểu tại Hội nghị 
    
 Quang cảnh Hội nghị
           
 Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị