Trong hai ngày (7-8/12), hơn 100 quốc gia và các tổ chức trên toàn cầu cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Dinh dưỡng cho phát triển được tổ chức trực tuyến tại Tokyo – Nhật Bản.
Hội nghị mang đến cơ hội thay đổi cách thế giới đối phó với thách thức toàn cầu về suy dinh dưỡng trẻ em. Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào thời điểm quan trọng giữa Thập kỷ hành động về Dinh dưỡng của Liên hợp quốc (2016-2025) còn 5 năm nữa để đạt được các mục tiêu của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) về dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và 10 năm nữa để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Bộ Y tế được Chính phủ giao nhiệm vụ thay mặt Chính phủ tham dự và có cam kết về dinh dưỡng tại Hội nghị.
Chia sẻ về những thông điệp và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, suy dinh dưỡng toàn cầu là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại và đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn do COVID-19. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em và tổn thất lâu dài về sức khỏe, giáo dục và kinh tế cho các quốc gia. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tăng cường vai trò của các bên, chính phủ, bộ, ngành, hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, người dân và đầu tư có trọng điểm cho dinh dưỡng. Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực và toàn cầu phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng: suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, dinh dưỡng luôn là một trong những vấn đề sức khỏe ưu tiên trong Nghị quyết, văn bản của Đảng, Chính phủ và trở thành chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mỗi địa phương. Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã đặt nội dung cải thiện dinh dưỡng trẻ em trong các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới) và tới đây là Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030. Qua đó, Việt Nam sẽ thực hiện hai cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Dinh dưỡng phát triển lần này bao gồm: Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em từ 0 - 18 tuổi. Trên cơ sở này, để thực hiện cam kết nói trên, Việt Nam đã và đang xây dựng các chương trình hành động gắn liền với cam kết về chính sách, ngân sách thực hiện, triển khai và theo dõi giám sát
Tại hội nghị, các quốc gia sẽ cùng cam kết thực hiện nhiều hành động hơn nữa về dinh dưỡng trên 5 lĩnh vực chủ đề: sức khỏe, thực phẩm, khả năng phục hồi, trách nhiệm giải trình và tài chính, để chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức vào năm 2030 theo chương trình SDGs.
Nguồn: Baotintuc.vn