Các định hướng chiến lược phòng chống SDD, hạ thấp tỷ lệ thấp còi trẻ em ở nước ta trong 10 năm tới

Cập nhật: 8/13/2010 - Lượt xem: 30254

Điểm mấu chốt bao trùm trong chiến lược phòng chống SDD trẻ em là tiếp cận dự phòng, thực hiện cải thiện dinh dưỡng theo chu kỳ vòng đời thể hiện ở các điểm sau đây:

Cải thiện dinh dưỡng vị thành niên và dinh dưỡng của bà mẹ trước khi mang thai và trong giai đoạn mang thai là nội dung "dinh dưỡng dự phòng" thiết yếu nhằm giảm tỷ lệ thấp còi. Đây là một tiếp cận rất quan trọng. Các tổ chức quốc tế kêu gọi các quốc gia có các chiến dịch giáo dục cho thanh nữ một cách hệ thống. Giáo dục sức khoẻ, dinh dưỡng, giáo dục giới tính và ngăn ngừa có thai sớm, thai ngoài ý muốn cần lồng ghép và cần được đưa vào các trường học. Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực có các chương trình dinh dưỡng học đường được duy trì. Chương trình này có thể bao gồm một dự án bữa ăn trưa mà Chính phủ đứng ra trợ cấp, đồng thời với các chăm sóc về y tế, tiêm chủng, vệ sinh và bổ sung vi chất chẳng hạn như bổ sung viên sắt cho học sinh gái. Những hoạt động này ở nước ta mới chỉ diễn ra trên phạm vi thí điểm. Người phụ nữ trước khi có thai cần được quan tâm nhiều hơn tới dinh dưỡng bao gồm ăn uống, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, giun sán, và cần phải được học về dinh dưỡng, hiểu biết về thức ăn, hiểu biết về về nuôi con. Chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai bao gồm theo dõi tăng cân, tư vấn dinh dưỡng, khám thai, tiêm chủng, bổ sung viên sắt/folic và cải thiện môi trường vệ sinh là các hoạt động cơ bản, không bao giờ là cũ và luôn được quan tâm ở mọi cộng đồng. Chương trình dinh dưỡng cần kết hợp lồng ghép với chương trình làm mẹ an toàn trong thực hiện các chăm sóc tới nữ vị thành niên và ở độ tuổi sinh đẻ. Tăng cường các nội dung dinh dưỡng trong tất cả các hoạt động chăm sóc sức khoẻ (cả về mặt điều trị và dự phòng) đối với nữ tuổi vị thành niên, giai đoạn trước khi có thai và phụ nữ có thai kết hợp với dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. Cần xây dựng các mô hình dựa vào cộng đồng để làm tăng tiềm lực đối với các đối tượng trên. 3. Nâng cao chất lượng và độ bao phủ hoạt động chăm sóc dinh dưỡng trẻ em để giảm thấp còi trong những năm đầu. Tập trung chăm sóc sớm ngay từ khi sinh ra đối với mọi đứa trẻ. Điểm mấu chốt nhất ở đây là thực hiện bú sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu và cho bú duy trì tiếp tục 18 đến 24 tháng. Từ tháng thứ 6, thực hiện ăn bổ sung hợp lý, cải thiện chất lượng ăn bổ sung (đủ protid, lipid) và bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ em. Tổ chức Y tế thế giới vừa cho công bố "Chiến lược toàn cầu về nuôi dưỡng trẻ em". Việc hoàn thiện chiến lược nuôi dưỡng trẻ em áp dụng cho Việt nam và thông qua Chính phủ trong thời gian gần đây là một nội dung quan trọng đối với công tác dinh dưỡng ở Việt nam. Chiến lược này bao gồm các vấn đề giáo dục, cung cấp các thông tin chính xác về nuôi dưỡng trẻ, hỗ trợ về kỹ năng, tư vấn về thức ăn tại chỗ, phát triển một chương trình thức ăn bổ sung chế biến sẵn với giá rẻ và bổ sung vi chất dinh dưỡng. Muốn thực hiện có hiệu quả hoạt động chăm sóc trẻ em ở nông thôn, cần có một hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo rộng khắp. Điều này rất lớn lao nhưng rất cơ bản cho hoạt động cải thiện dinh dưỡng trẻ em. Kinh nghiệm nhiều nước có thành tích hạ nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng đều cho thấy hệ thống nhà trẻ tốt (day-care center) có ý nghĩa quan trọng trong khi hoạt động chăm sóc tại cộng đồng, từ đó cải thiện chất lượng chăm sóc tại hộ gia đình. Cần thức hiện đồng bộ trọn gói các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tại cộng đồng.

Tăng cường đầu tư cho các hoạt động cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình, giảm nhẹ đói nghèo. Nội dung này đòi hỏi sự tham gia tích cực của ngành nông nghiệp, các hoạt động khuyến nông, vay vốn và tiếp thị ở quy mô vừa và nhỏ, hỗ trợ sản xuất của các hợp tác xã và các mô hình kinh tế nông thôn. Cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình cần gắn liền với các hoạt động phát triển cộng đồng với    sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội.

Phối hợp liên ngành chặt chẽ, tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và sự cam kết cao của Chính phủ trong phòng chống SDD trẻ em. Thực tế cho thấy, hoạt động phối hợp liên ngành trong thời gian qua còn hạn chế. Chương trình xoá đói giảm nghèo đã có sự quan tâm của Nhà nước song đầu ra về cải thiện dinh dưỡng của các đối tượng nhân dân chưa được nhấn mạnh một cách đầy đủ. Sự phối hợp giữa ngành y tế, nông nghiệp và giáo dục chưa đúng với những gì mong đợi nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động phòng chống SDD trẻ em. Các giải pháp của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng cần được thực hiện một cách tích cực, có sự đầu tư và quan tâm của Nhà nước.

Thực hiện thật tốt công tác theo dõi, giám sát và đánh giá. Trước hết cần củng cố hệ thống thông tin về tình trạng mất an ninh lương thực, nâng cao chất lượng sử dụng các thông tin này trong việc hoạch định chính sách và đầu tư các dự án, chương trình cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình cho những đối tượng nguy cơ cao và cho các vùng có nguy cơ cao. Hệ thống giám sát dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng cần được nâng cấp về trang bị, kinh phí, năng lực phân tích để có thể cung cấp các thông tin khách quan không những về tỷ lệ SDD hàng năm đại diện cho từng tỉnh mà còn các thông tin về tình hình hoạt động phòng chống SDD cũng như phân tích thực trạng các yếu tố SDD theo địa bàn đặc thù. Chỉ số suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi cần được xem là chỉ số thiết yếu cần quan tâm theo dõi trên cộng đồng. Tóm lại, nước ta được quốc tế đánh giá là có mức giảm suy dinh dưỡng khá ấn tượng trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, sự giảm tỷ lệ SDD trên chưa nói nên khả năng bền vững và duy trì. SDD thấp còi còn cao và có sự khác biệt nhiều giữa các vùng. Nhiều can thiệp thiết yếu chưa được đầu tư đúng mức, hoạt động triển khai còn thiếu đồng bộ. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào cải thiện chất lượng dinh dưỡng của người Việt nam trong thời gian tới? Hướng tiếp cận được nhiều người đồng tình hiện nay là "tiếp cận dự phòng", thực hiện cải thiện dinh dưỡng theo chu kỳ vòng đời, trước hết tập trung nhiều hơn vào chăm sóc dinh dưỡng và sức khoẻ đối với lứa tuổi vị thành niên, phụ nữ trước khi có thai, trong giai đoạn có thai sẽ là nền tảng cho việc giảm suy dinh dưỡng bền vững ở nước ta.