Rối loạn lipid máu là tình trạng bất thường từ một hay nhiều chỉ số lipid máu bao gồm mức cholesterol toàn phần cao, LDL-C (cholesterol xấu) cao, triglycerides cao, hoặc HDL-C (cholesterol tốt) thấp. Đây là một yếu tố nguy cơ lớn đối với bệnh lý tim mạch và các bệnh lý chuyển hóa khác.
Đa số các trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid máu là do chế độ ăn không lành mạnh (tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa, trans-fat, thực phẩm siêu chế biến sẵn, đường tự do). Ngoài ra thiếu hoạt động thể lực (thói quen tĩnh tại) làm giảm khả năng chuyển hóa lipid trong cơ thể cũng góp phần làm bệnh lý khó kiểm soát. Bên cạnh đó, rối loạn lipid máu cũng có thể do các yếu tố di truyền, hoặc có nguyên nhân thứ phát do bị thừa cân béo phì, đái tháo đường, hay tăng huyết áp hoặc bệnh thận mạn… Bởi vậy chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng trong kiểm soát và điều trị bệnh lý rối loạn mỡ máu.
Nguyên tắc ăn uống
Dưới đây là những nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn uống cho người bị rối loạn lipid máu:
o Hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (trans-fat): Các thực phẩm như thịt đỏ, bơ, phô mai, và các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng mức LDL-C trong máu. Trans-fat có mặt trong các thực phẩm chế biến sẵn (thực phẩm chiên, snack…), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch.
o Ưu tiên chất béo không bão hòa: Dầu olive, dầu cải, quả bơ, các loại hạt có dầu và cá béo như cá hồi, cá thu chứa chất béo lành mạnh có thể giúp cải thiện chỉ số lipid máu. Các acid béo này giúp tăng lượng cholesterol HDL tốt, giảm triglyceride.
o Tăng cường chất xơ: Chất xơ hòa tan có trong Các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám (yến mạch, gạo lứt) giúp hấp thụ cholesterol, làm giảm lượng cholesterol mà gan hấp thụ và tăng lượng cholesterol mà cơ thể bài tiết. Vi khuẩn trong ruột già lên men chất xơ hòa tan thành axit béo chuỗi ngắn, các axit béo chuỗi ngắn trong ruột cũng giúp hạ cholesterol.
o Giảm đường và tinh bột tinh chế: Các thực phẩm giàu đường tự do và chứa các loại tinh bột tinh chế có thể làm tăng mỡ trong máu và gây ảnh hưởng đến chỉ số lipid máu.
o Duy trì cân nặng hợp lý: Giảm cân có thể giúp giảm mức triglyceride và cholesterol xấu, đồng thời cải thiện độ nhạy insulin.
Một số chế độ ăn phổ biến hiện nay giúp phòng ngừa và kiểm soát rối loạn lipid máu
Hiện nay, có một số chế độ ăn uống được các chuyên gia khuyến cáo dành riêng cho người mắc rối loạn lipid máu nhằm cải thiện nồng độ cholesterol máu, triglyceride và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean diet) là một trong những mô hình ăn uống phổ biến và được chứng minh hiệu quả mạnh mẽ trong việc cải thiện lipid máu. Đây là chế độ ăn giàu rau củ, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo (như cá hồi, cá thu), các loại đậu, dầu olive và các loại hạt. Đồng thời, chế độ này hạn chế thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn và sử dụng rượu vang đỏ ở mức vừa phải. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn Địa Trung Hải có khả năng làm giảm cholesterol xấu (LDL-C), tăng cholesterol tốt (HDL-C) và giảm tỷ lệ mắc bệnh mạch vành.
Chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) ban đầu được thiết kế nhằm kiểm soát huyết áp, nhưng cũng được chứng minh có lợi trong việc điều chỉnh lipid máu. DASH khuyến khích tiêu thụ nhiều rau xanh, trái cây, sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu, đồng thời hạn chế muối, thịt đỏ, chất béo bão hòa và đường tinh luyện. Khi được áp dụng đồng thời với giảm cân và hoạt động thể lực, DASH giúp hạ huyết áp, cải thiện mức triglyceride và hỗ trợ kiểm soát LDL-C hiệu quả.
Chế độ ăn Portfolio là một mô hình ăn uống tập trung vào bốn nhóm thực phẩm chính có tác dụng hạ cholesterol: chất xơ hòa tan (từ yến mạch, đậu lăng, lúa mạch), sterol thực vật (có trong một số loại margarine), đạm từ đậu nành, và hạnh nhân. Khi kết hợp các nhóm thực phẩm này theo một khẩu phần hợp lý, chế độ Portfolio có thể giảm tới 30% mức LDL-C – tương đương với tác dụng của một số thuốc nhóm statin (một loại thuốc điều trị rối loạn lipid máu) liều thấp.
Chế độ ăn chay (vegetarian diet) và chế độ ăn thuần thực vật (plant-based diet) cũng mang lại hiệu quả tích cực cho người rối loạn lipid máu. Những chế độ ăn này thường giàu chất xơ, chất chống oxy hóa, ít chất béo bão hòa và hoàn toàn không chứa cholesterol từ động vật. Khi được xây dựng đầy đủ dưỡng chất, các chế độ ăn này giúp giảm LDL-C và triglyceride, đồng thời hỗ trợ kiểm soát cân nặng và huyết áp.
Chế độ ăn khuyến nghị
Theo hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị rối loạn lipid máu của Bộ Y tế ban hành năm 2020 (Quyết định số 3762/QĐ-BYT), chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát nồng độ cholesterol máu và phòng ngừa các biến chứng tim mạch.
- Giảm chất béo bão hòa xuống dưới 7–10% tổng năng lượng trong ngày, hạn chế tối đa hoặc loại bỏ hoàn toàn chất béo chuyển hóa (trans-fat) có trong đồ chiên rán nhiều lần, thực phẩm chế biến sẵn và bánh kẹo công nghiệp.
- Khuyến khích tăng cường sử dụng chất béo không bão hòa, đặc biệt là omega-3 từ cá béo như cá hồi, cá thu và các loại dầu thực vật như dầu olive hoặc dầu cải.
- Tăng lượng chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan (từ yến mạch, rau xanh, trái cây có vỏ và các loại đậu) cũng rất quan trọng, với khuyến nghị đạt ít nhất 20–30g chất xơ mỗi ngày.
- Khẩu phần ăn cần hạn chế cholesterol dưới 200–300 mg/ngày, tránh ăn nhiều lòng đỏ trứng, nội tạng động vật và thịt đỏ nhiều mỡ.
- Hạn chế đường tự do và rượu bia, nhất là khi có tăng triglyceride, đồng thời giảm lượng muối ăn xuống dưới 5g mỗi ngày.
- Chế độ ăn nên ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên cám như yến mạch, gạo lứt; rau củ và trái cây tươi ít ngọt; cá biển; đậu nành và sản phẩm từ đậu; cùng với các loại hạt không tẩm muối hay đường như óc chó, hạnh nhân.
- Thực phẩm nên tránh bao gồm mỡ động vật, bơ, phô mai béo, các loại thịt chế biến sẵn (xúc xích, thịt xông khói…), đồ ăn nhanh, nước ngọt có gas và sữa nguyên kem.
- Việc ăn uống cần được chia thành 3–5 bữa mỗi ngày, ăn đúng giờ, hạn chế ăn tối muộn và kết hợp với hoạt động thể lực thường xuyên (ít nhất 150 phút mỗi tuần) để đạt hiệu quả điều trị tối ưu.
- Các khuyến nghị này cần được điều chỉnh phù hợp theo thể trạng, bệnh lý kèm theo và lứa tuổi của từng người bệnh để đảm bảo tính cá thể hóa và hiệu quả lâu dài.
Mặc dù mỗi chế độ ăn có những đặc điểm riêng, nhưng tất cả đều có điểm chung là loại bỏ hoặc hạn chế các yếu tố nguy cơ chính, bao gồm chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa (trans-fat), đường tự do và rượu. Để đạt hiệu quả cao, chế độ ăn cần được cá nhân hóa theo độ tuổi, mức độ rối loạn lipid máu, bệnh lý nền và tình trạng dinh dưỡng của từng người bệnh. Đồng thời, việc kết hợp với hoạt động thể lực đều đặn, kiểm soát cân nặng và tuân thủ điều trị thuốc theo chỉ định của bác sĩ là rất quan trọng để tối ưu hóa hiệu quả can thiệp.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế Việt Nam. (2020). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rối loạn lipid máu. Ban hành kèm Quyết định số 3762/QĐ-BYT.
2. Grundy SM, et al. (2019). 2018 AHA/ACC Guidelines on the Management of Blood Cholesterol. Circulation, 139(25), e1082–e1143.
3. World Health Organization. (2021). Healthy diet – https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/healthy-diet
4. Jenkins DJA, et al. (2003). Effect of a dietary portfolio of cholesterol-lowering foods vs lovastatin on serum lipids and C-reactive protein. JAMA, 290(4), 502–510.
5. Estruch R, et al. (2013). Primary prevention of cardiovascular disease with a Mediterranean diet. NEJM, 368(14), 1279–1290.
6. U.S. Department of Health and Human Services. The DASH Diet Eating Plan. NIH Publication No. 06-4082.