Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên có chế độ ăn uống như thế nào?
26/06/2025 16:40:46
163 lượt xem
chia sẻ
Bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là tình trạng tích tụ mỡ (trên 5% trọng lượng gan) ở những người không uống hoặc chỉ uống rất ít rượu, và không có nguyên nhân thứ phát nào khác (virus, thuốc, bệnh chuyển hóa…). NAFLD ảnh hưởng tới khoảng 25–30% dân số toàn cầu. Tỷ lệ mắc bệnh NAFLD cao hơn ở người béo phì, đái tháo đường typ 2, rối loạn lipid máu.
Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc NAFLD có xu hướng tăng nhanh cùng với tình trạng béo phì và lối sống ít vận động. NAFLD có liên quan đến kháng insulin, rối loạn chuyển hóa lipid và glucose, làm tăng tích tụ triglycerides trong gan. Các yếu tố này gây tổn thương oxy hóa, viêm, và rối loạn chức năng ty thể góp phần dẫn đến viêm gan và xơ hóa gan.
Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị y khoa nào cho bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu, điều này có nghĩa là tập trung thay đổi lối sống bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý và ngủ đủ giấc là cách tốt nhất ngăn ngừa tổn thương gan khởi phát khi bệnh ở giai đoạn đầu.
1. Nguyên tắc chế độ ăn cho bệnh lý gan nhiễm mỡ:
- Hạn chế lượng chất béo do chất béo cung cấp lượng calo cao và tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
- Thay thế chất béo bão hòa (saturated fat) và chất béo chuyển hóa (trans fat) bằng chất béo không bão hoà, đặc biệt là Omega-3, có thể làm giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch. Gảm chất béo bão hòa xuống dưới 7–10% tổng năng lượng trong ngày. Nhu cầu trung bình là 45–60g/ngày (chiếm khoảng 20–25% tổng năng lượng). Nguồn chất béo lành mạnh nên đến từ 20–25g dầu thực vật mỗi ngày (khoảng 2 muỗng canh), 15–20g các loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân, hoặc mè. Ngoài ra, người trưởng thành nên ăn cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi) ít nhất 2–3 lần mỗi tuần để bổ sung acid béo omega-3 có lợi cho tim mạch và gan.
- Tăng cường các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (glycemic index-GI) như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ và một số loại trái cây lê, cam, táo, ổi, bưởi. Nguồn cung cấp chủ yếu bao gồm khoảng 300–350g cơm trắng hoặc gạo lứt (tương đương 2–2,5 bát mỗi bữa × 2 bữa), 2–3 lát bánh mì nguyên cám và khoảng 100–150g khoai lang hoặc khoai tây luộc. Người trưởng thành cũng nên ăn từ 2 đến 3 phần trái cây tươi mỗi ngày (mỗi phần khoảng 80–100g).
- Tránh các loại thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường đơn, đặc biệt là Fructose. Fructose có trong nước ngọt có đường, đồ uống thể thao, trà có đường và các loại nước trái cây. Cho tới thời điểm hiện tại, lượng đường khuyến nghị tối đa 10% tổng năng lượng hàng ngày và tốt nhất là dưới 5% tổng năng lượng (tức khoảng 25g/ngày cho người trưởng thành).
- Tránh sử dụng rượu vì rượu có thể gây tổn thương thêm cho gan dẫn tới tăng tình trạng bệnh lý.
2. Các nhóm thực phẩm nên lựa chọn:
- Ngũ cốc nguyên hạt: gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám, lúa mạch giúp cung cấp chất xơ và kiểm soát đường huyết.
- Đạm lành mạnh: thịt nạc (ức gà, thịt heo nạc), cá béo (cá hồi, cá mòi), đậu hũ, đậu nành giúp tăng cường chức năng gan và ít chất béo xấu.
- Chất béo không bão hòa: dầu ôliu, dầu hạt cải, quả bơ, hạt chia, hạt lanh – giúp giảm viêm và cải thiện chuyển hóa mỡ.
- Rau xanh và củ quả: rau cải, bông cải xanh, mồng tơi, cà rốt, bí đỏ, cà chua – cung cấp chất chống oxy hóa và hỗ trợ giải độc gan.
- Trái cây ít đường: táo, bưởi, ổi, lê, dâu tây, việt quất – hạn chế đường và giàu vitamin.
- Sữa ít béo: sữa tách béo, sữa chua không đường, sữa đậu nành không đường.
- Gia vị tự nhiên: tỏi, gừng, nghệ – có đặc tính chống viêm và hỗ trợ chức năng gan.
- Nước và đồ uống lành mạnh: nước lọc, trà xanh, trà atiso (không đường).
