Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng

Cập nhật: 12/28/2010 - Lượt xem: 11708

Sắt là một chất khoáng cần thiết cho quá trình tạo máu và thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác của cơ thể. Hàng ngày cơ thể cần hấp thu một lượng sắt để thay thế những mất mát sinh lý và cung cấp cho quá trình tăng trưởng ở trẻ em và thai nghén. Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt xảy ra khi lượng sắt ăn vào không đủ cho nhu cầu của cơ thể, thường gặp khi bữa ăn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu thức ăn giàu chất sắt như thịt, trứng, cá, thủy sản, đậu đỗ. Các bệnh nhiễm ký sinh trùng nhất là nhiễm giun móc, là một nguyên nhân quan trọng gây thiếu máu ở nước ta. Phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ em nhỏ dễ bị thiếu máu nhất vì nhu cầu sắt ở những đối tượng này rất cao nhưng bữa ăn thường không đủ chất sắt. Hiện nay, tỉ lệ thiếu máu cao còn gặp ở phụ nữ có thai (30-45%), phụ nữ tuổi sinh đẻ (25-35%) và trẻ em nhỏ (40-50%).

I. CÁC BIỂU HIỆN CỦA BỆNH THIẾU MÁU

Biểu hiện lâm sàng của thiếu máu nói chung thường rất nghèo nàn, người bị thiếu máu có thể không tự nhận ra mình có bệnh. Người bị thiếu máu thường mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung, hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi lao động gắng sức.

Khi khám có thể nhận thấy da xanh xao, niêm mạc mắt, lợi và da lòng bàn tay nhợt nhạt. Một số biểu hiện khác như tiếng thổi tâm thu, móng tay hình thìa có thể gặp khi thiếu máu nặng. Để chẩn đoán chính xác bệnh thiếu máu người ta cần làm các xét nghiệm huyết học.

II. TÁC HẠI CỦA BỆNH THIẾU MÁU

Thiếu máu gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống. Trẻ em bị thiếu máu kém phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Học sinh bị thiếu máu trong lớp hay ngủ gật, giảm trí nhớ, kết quả học tập kém. Thiếu nữ bị thiếu máu sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, dễ bị thiếu máu trầm trọng khi có thai. Phụ nữ có thai bị thiếu máu dễ bị sẩy thai, đẻ non dễ bị thiếu máu, người mẹ dễ bị tăng huyết áp và các tai biến khác khi sinh đẻ. Người bị thiếu máu thường dễ mệt mỏi, khả năng lao động giảm, năng suất lao động thấp.

III. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG THIẾU MÁU DINH DƯỠNG

1. Uống viên sắt theo hướng dẫn.

2. Phòng chống giun sán: Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và gia đình, thực hiện ăn sạch, uống sạch, tẩy giun định kì theo hướng dẫn của cán bộ y tế, không sử dụng phân tươi trong sản xuất nông nghiệp.

3. Nâng cao khẩu phần ăn: tăng thức ăn nhiều sắt và chất dinh dưỡng như thịt, phủ tạng, trứng, cá và thủy sản,…và các thức ăn giàu vitamin C như rau xanh, quả chín.
Để phòng chống thiếu máu thiếu sắt cho trẻ em, trước hết cần phòng chống thiếu máu cho người mẹ, vì đứa con khi còn là bào thai đã nhận chất sắt từ người mẹ để phát triển và có một chút dự trữ. Trong năm đầu tiên của cuộc đời, trẻ tiếp tục nhận được chất sắt qua nguồn sữa mẹ quý giá,. Cho trẻ bú sớm, bú đủ và kéo dài là biện pháp rất quan trọng. Khi bắt đầu ăn bổ sung, trẻ cần được ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, các, tôm, đậu, rau xanh và quả chín. Chú ý bữa ăn của trẻ cần đa dạng, phối hợp nhiều lạo thức ăn khác nhau. Hiện nay ở nước ta chưa áp dụng việc bổ sung sắt đại trà cho trẻ em. Có thể sử dụng (chú ý đúng liều lượng) một số loại thuốc như si-rô sắt, si-rô đa vi chất có chứa sắt dành cho trẻ em hoặc dùng thực phẩm tăng cường sắt như bột dinh dưỡng, bánh qui, sữa…đã được phép lưu hành trên thị trường hiện nay.

IV. HƯỚNG DẪN UỐNG VIÊN SẮT

Uống viên sắt là một biện pháp trước mắt và có hiệu quả nhằm bổ sung thêm lượng sắt đáp ứng nhu cầu về chất sắt trong thời kỳ có thai, làm tăng lượng sắt dự trữ trong cơ thể, phòng bệnh thiếu máu do thiếu sắt, đối với thiếu nữ việc bổ sung sắt giúp chuẩn bị tốt cho việc sinh đẻ sau này. Nên thực hiện bổ sung viên sắt đại trà cho phụ nữ có thai. Đối với phụ nữ không có thai, trước hết nên vận động chị em ở độ tuổi 15-35 uống viên sắt.

1. Sử dụng viên sắt sulfat + acid folic do Chương trình Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng cung cấp: Các xã có chương trình được cấp loại viên sắt có hàm lượng 200 mg sắt sulfat (có 60mg sắt nguyên tố) và 0,4mg acid folic. Viên sắt của Chương trình được phân phối qua Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện đến y tế các xã, phường có quy trình. Uống loại viên sắt này theo các phác đồ sau đây:

    Phụ nữ có thai: Mỗi ngày uống 1 viên, liên tục trong suốt thời gian mang thai và trong tháng đầu sau đẻ. Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ.

    Phụ nữ không có thai: Mỗi năm nên uống viên sắt trong 10 tuần (4 tháng) liên tục, mỗi tuần 1 viên vào một ngày nhất định. Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu chị em có thai thì việc bổ sung viên sắt chuyển sang phác đồ cho phụ nữ có thai (uống hàng ngày). Tuy nhiên do chương trình thiếu viên sắt nên hiện nay viên sắt được dành ưu tiên cấp cho phụ nữ có thai.

2. Sử dụng nguồn viên sắt và các loại thuốc chứa sắt khác có bán trên thị trường. Các công ty dược và nhà thuốc ở các địa phương có bán nhiều loại thuốc và biệt dược chứa sắt được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu (ví dụ: Sắt sulfat, Ferrimax, Siderplex, Probofex, Ferrovit, Fumafer, Ferrogreen, Siderfol, Tot’hema, Sắt oxalat, v.v…). Chị em phụ nữ có thể lựa chọn loại thuốc phù hợp về giá cả. Nên hỏi ý kiến của cán bộ y tế và chú ý sử dụng đúng liều, đúng hướng dẫn theo từng loại thuốc.

3. Đôi điều cần biết khi uống viên sắt: một số người có thể gặp các tác dụng phụ như lợm giọng, buồn nôn, cồn cào trong bụng, táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng. Cách xử trí: lúc đầu uống cách nhật, sau uống hàng ngày, nên uống vào buổi tối sau khi ăn, trước khi đi ngủ. Nên ăn thêm rau, quả chín. Khi uống viên sắt, phân có thể có màu đen nhưng không đáng ngại, ngừng uống sẽ hết.

Người cán bộ y tế, cộng tác viên dinh dưỡng cần thường xuyên làm công tác giáo dục truyền thông về phòng chống thiếu máu dinh dưỡng, khuyến khích phụ nữ chủ động uống viên sắt phòng chống thiếu máu.

4. Quản lí viên sắt:
Bảo quản viên sắt ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc (đựng trong lọ nút kín hoặc túi nilon dán kín, cấp phát háng tháng). Khi cấp phát viên sắt cần chú ý hạn sử dụng có ghi trên bao bì. Thuốc hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng cần được hủy bỏ theo qui định.

-  Có ghi chép nhập, xuất kho theo đúng qui định. Cấp tỉnh, huyện có kế hoạch phân phối viên sắt (sau khi được thông báo về số lượng viên sắt được phân cấp).

-  Các Trạm y tế xã, phường cấp phát viên sắt hàng tháng cho phụ nữ có thai kết hợp thăm khám thai, ghi số viên sắt đã cấp vào cột tương ứng trong sổ khám thai, không cần lập sổ riêng. Nếu cấp viên sắt cho phụ nữ 15-35 tuổi không có thai thì cần có danh sách (thường do cộng tác viên ghi theo cụm dân cư) để quản lí, theo dõi.

5. Báo cáo cấp phát viên sắt ở những nơi có chương trình
Các xã, phường cần theo dõi, ghi chép việc cấp phát viên sắt thường xuyên, báo cáo cho Trung tâm Y tế quận/huyện theo quy định. Trong một năm cần tổng hợp báo cáo 2 đợt: gồm báo cáo 6 tháng đầu năm (vào tháng 6) và báo cáo cả năm (vào tháng 12), cần chú ý là báo cáo cả năm tổng hợp số liệu của 12 tháng, bao gồm cả 6 tháng đầu năm).
    -  Số phụ nữ (PN) có thai trong kỳ báo cáo (6 tháng đầu năm hoặc cả năm)

            Số PN có thai 6 tháng đầu năm = số PN đang mang thai + PN đã sinh con trong 6 tháng đầu năm

            Số PN có thai cả năm = Số PN đang mang thai + PN đã sinh con trong cả năm.

    -  Phụ nữ 15-35 tuổi (Thống kê 15-35 tuổi dựa theo danh sách PN tiêm vacxin phòng uốn ván: AT).

    -  Tính số phụ nữ có thai, phụ nữ 15-35 tuổi không có thai đã nhận viên sắt trong 6 tháng đầu năm hoặc cả năm bằng cách đếm từ sổ ghi chép như đã nói ở trên. Khi làm báo cáo chỉ tính số người nhận, khống tính số lượt người.

    -  Báo cáo cả năm không phải là cộng số liệu của 6 tháng đầu năm với 6 tháng cuối năm. Lý do: nhiều PN có thai đã báo cáo trong 6 tháng đầu năm sẽ chuyển sang 6 tháng cuối năm, nếu cộng lại sẽ nhiều hơn thực tế. Do vậy không báo cáo riêng 6 tháng cuối năm để tránh nhầm lẫn.

    -  Để tổng kết 1 năm hoạt động, số liệu quan trọng nhất cần báo cáo là: có bao nhiêu người nhận viên sắt trong tổng số đối tượng ở địa phương, đạt tỉ lệ bao nhiêu %.

Ví dụ báo cáo cả năm của xã X:
-  Tổng số PN có thai khi làm báo cáo cuối năm (tháng 12) là 15 người.
-  Tổng số người đã sinh con từ đầu năm đến tháng 12 là 85 người (đếm trong sổ đẻ).
-  Theo quy định ở trên, tổng số phụ nữ có thai cả năm là 15+85=100
- Trong số những người đang mang thai và đã sinh con nói trên, có 90 người đã nhận viên sắt (đếm trong sổ ghi chép)
-  Số liệu xã phải báo cáo lên huyện là:

  • Số phụ nữ có thai nhận viên sắt của năm là 90 người
  • Tổng số phụ nữ có thai của năm là 100 người

(Từ đó có thể tính được tỉ lệ phụ nữ có thai nhận viên sắt là 90%).