6 lý do người cao tuổi cần ăn thực phẩm giàu kẽm trong bữa cơm hàng ngày

Cập nhật: 4/11/2022 - Lượt xem: 3455

Kẽm không tồn tại trong cơ thể dưới dạng dự trữ nên thường xuyên phải bổ sung hàng ngày. Trong khi đó, người cao tuổi có hệ miễn dịch suy yếu và thường hay ăn kiêng nên có nguy cơ thiếu kẽm cao.

Dưới đây là lời khuyên của TS. Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng về cách bổ sung kẽm với người cao tuổi.

1. Tại sao người cao tuổi cần bổ sung đủ kẽm?

Kẽm là khoáng chất thiết yếu đối với cơ thể, kẽm tham gia vào thành phần cấu trúc và chức năng của số lượng lớn đại phân tử. Ngoài ra, kẽm còn hoạt hóa hơn 300 enzym khác nhau và tác động lên quá trình tổng hợp, phân giải protein và acid nucleic. Người cao tuổi cần bổ sung kẽm bởi các lý do sau:

 1.1   Người cao tuổi thường có hệ miễn dịch suy yếu

Người cao tuổi thường có sức đề kháng kém, dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng, bệnh về đường hô hấp, các bệnh tự miễn và mạn tính khác…

Khi hệ miễn dịch đã suy yếu thì nếu mắc bệnh, bệnh cũng sẽ lâu khỏi hơn. Vì thế, để nâng cao hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh, người cao tuổi cần bổ sung kẽm.

 1.2   Người cao tuổi dễ bị thiếu kẽm

Cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp kẽm mà chủ yếu hấp thu từ thực phẩm hàng ngày thông qua hệ tiêu hóa. Trong khi đó, người cao tuổi với hệ tiêu hóa không còn hoạt động tốt như trước kèm theo một số bệnh lý lão hóa dẫn đến chán ăn, ăn kém dẫn tới dễ bị thiếu kẽm.

Kẽm giúp cải thiện trí não, hệ thần kinh: Kẽm là yếu tố cần thiết trong dẫn truyền thần kinh, giúp trí não người cao tuổi minh mẫn, tăng khả năng tập trung, tăng cường trí nhớ, ngủ ngon và ngủ sau giấc.

Kẽm không tồn tại trong cơ thể dưới dạng dự trữ nên thường xuyên phải bổ sung hằng ngày qua thực phẩm.

1.3 Kẽm làm chậm quá trình oxy hóa ở người cao tuổi

Kẽm giúp làm chậm quá trình oxy hóa, giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật, đặc biệt là các bệnh về tim mạch.

1.4 Kẽm phòng ngừa loãng xương ở người cao tuổi

Bên cạnh canxi thì kẽm cũng là yếu tố cần thiết cho sự hình thành và phát triển xương khớp. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển của tế bào, cũng như sự thay mới collagen ở sụn khớp nên có tác dụng phòng ngừa loãng xương và các bệnh lý về thoái hóa khớp.

1.5 Kẽm giúp cân bằng nội tiết tố trong cơ thể người cao tuổi

Kẽm cần thiết cho sản xuất insulin – một chất rất quan trọng để điều tiết lượng đường trong máu. Kẽm cũng cần thiết cho hormone sinh sản và hormone tuyến giáp.

1.6 Kẽm giúp phòng ngừa các bệnh về mắt

Kẽm cần thiết cho quá trình vận chuyển vitamin A vào trong võng mạc mắt, giúp ngăn ngừa suy giảm thị lực. Ngoài ra, kẽm còn giúp ngăn chặn các bệnh lý ở mắt như phù võng mạc, mờ đục võng mạc, thoái hóa điểm vàng.

2. Biểu hiện thiếu kẽm ở người cao tuổi

Người cao tuổi thiếu hụt kẽm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như:

  • Tổn thương ADN.
  • Gia tăng phản ứng viêm trong cơ thể.
  • Chậm lành các tổn thương.
  • Phát ban da có vảy, đặc biệt là da ở vùng tay, xung quanh miệng, bẹn…
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • Rụng tóc, tiêu chảy, biếng ăn, hội chứng kém hấp thu…

3. Thực phẩm giàu kẽm cho người cao tuổi

Người cao tuổi không nên ăn chay trường hoặc quá kiêng khem dẫn tới thiếu kẽm. Để bổ sung kẽm cho cơ thể, người cao tuổi nên ăn các thức ăn giàu kẽm từ cả nguồn động vật và thực vật. Người cao tuổi yên tâm sẽ không bị thừa kẽm qua chế độ ăn hằng ngày.

Rất nhiều người nghĩ rằng người cao tuổi bị tăng huyết áp thì cần kiêng ăn trứng, thực tế không phải như vậy. Với người bị tăng huyết áp hoặc cholesterol máu cao vẫn có thể ăn trứng tuy nhiên không ăn quá 1 quả 1 lần và 1 tuần không nên ăn quá 2 lần.

Các loại thức ăn giàu kẽm như:

  • Thịt bò, thịt lợn nạc…
  • Hải sản có vỏ như: hàu, ốc, hến, sò, cua, tôm…
  • Trứng, sữa, phô mai, ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo nâu…
  • Một số loại rau củ, các loại đậu như đậu xanh, đậu lăng…

Nếu bổ sung qua thực phẩm hằng ngày, người cao tuổi sẽ không có nguy cơ bị thừa kẽm nhưng nếu bổ sung bằng các chế phẩm từ thực phẩm (dưới dạng uống, thực phẩm chức năng) thì cần có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ. Nếu bổ sung kẽm dưới dạng uống mà nhiều hơn 40 mg/ngày, trong một thời gian dài thì có thể dẫn đến tình trạng quá liều.

Người bị quá liều kẽm thường gặp những biểu hiện đặc trưng như: ớn lạnh, buồn nôn, sốt, ho, nôn, khó thở, thiếu máu nội bào do giảm hấp thu đồng, rối loạn tiêu hóa…

Khi biểu hiện quá liều ở mức độ nghiêm trọng, cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời, ngăn ngừa xảy ra các biến chứng không mong muốn.

Nguồn: Báo Sức khỏe đời sống