Dinh dưỡng đóng vai trò cốt lõi trong sức khỏe nghề nghiệp

Cập nhật: 12/31/2023 - Lượt xem: 3769

Dinh dưỡng với con người cũng giống như vai trò của móng nhà đối với một ngôi nhà. Một nền móng vững chắc là điều tiên quyết, bắt buộc cần phải có để đảm bảo ngôi nhà có thể đứng vững được trước những áp lực mà nó phải đối mặt. Để có nền tảng sức khỏe và tinh thần tốt, không cách nào phù hợp hơn việc bắt đầu từ cách chúng ta cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể. Đối với người lao động, dinh dưỡng là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để thiết lập nền tảng sức khỏe vững chắc. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức nhận ra vai trò của việc thúc đẩy dinh dưỡng lành mạnh như một sáng kiến chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Người lao động ngày nay vừa phải đáp ứng yêu cầu cao về tay nghề, vừa phải đáp ứng yêu cầu cao về khả năng điều chỉnh cảm xúc và tinh thần trách nhiệm. Về mặt thể chất, người lao động có thể bị mệt mỏi khi lao động ở môi trường nóng mệt, hoặc làm việc với cường độ cao, . Những điều đó có thể được khắc phục nếu mỗi người có một chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất hợp lý. Về mặt tinh thần và cảm xúc, công việc lao động chân tay cường độ cao có thể dẫn tới những căng thẳng. Dinh dưỡng phù hợp với các lựa chọn thực phẩm lành mạnh là nền tảng để tăng cường sức khỏe và giảm bớt căng thẳng cho người lao động.

1.  Tập trung vào sức khỏe cá nhân

Chăm sóc và có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho từng cá thể người lao động là quan trọng nhất. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề dinh dưỡng không đúng cách như: béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng quá nhiều rượu, hút thuốc và đái tháo đường… Và tất cả các vấn đề này đều có thể được giải quyết bằng phương pháp tư vấn dinh dưỡng cá nhân. Kết hợp tư vấn dinh dưỡng cá nhân tại nơi làm việc là một cách để tiếp cận với việc chăm sóc và đồng thời cũng làm giảm các sự cố tiêu cực về sức khỏe. Các doanh nghiệp, tổ chức nên tăng cường việc tổ chức các buổi khám tư vấn hoặc các chương trình truyền thông giáo dục dinh dưỡng để tiếp cận với những vấn đề của người lao động một cách phù hợp nhất. Một số nội dung có thể tham khảo tổ chức có thể là: cung cấp thông tin về những thực phẩm lành mạnh chất lượng cao, bổ dưỡng và chế độ ăn uống cân bằng; hoặc kết hợp tư vấn về tác động của các hành vi như hút thuốc và sử dụng rượu quá mức đối với sức khỏe và công việc.

2. Dinh dưỡng để giảm mệt mỏi và căng thẳng

Giảm mệt mỏi và căng thẳng cũng là một vai trò quan trọng của dinh dưỡng trong việc ngăn ngừa tai nạn, thương tích tại nơi làm việc và tăng cường sức khỏe tinh thần, thể chất cho người lao động. Bên cạnh đó, việc giảm căng thẳng sẽ mang lại một môi trường làm việc hiệu quả hơn, người lao động thực hiện công việc chất lượng hơn với tốc độ nhanh hơn. Giống những chứng bệnh khác như béo phì và đái tháo đường, căng thẳng và mệt mỏi cũng góp phần gây ra các hiểm họa tiềm tàng về vấn đề tim mạch, thần kinh mà không phải ai cũng có thể dễ dàng phát hiện và khắc phục kịp thời, đặc biệt là trong những công việc đòi hỏi nhiều sức lực về thể chất. Việc tạo điều kiện cho các diễn đàn thảo luận về căng thẳng trong công việc và cuộc sống, cũng như hướng dẫn cách quản lý nó, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc hỗ trợ sức khỏe của người lao động và giúp họ đưa ra những lựa chọn thực phẩm tốt hơn. Bên cạnh đó, người lao động cũng nên ý thức được tầm quan trọng của việc nghỉ giải lao hợp lí trong ngày. Những hoạt động thể chất nhẹ nhàng, lành mạnh như đi bộ, tập thể dục tại chỗ là một cách rất tốt để xua đi những căng thẳng, mệt mỏi của người lao động trong một ngày dài làm việc.

3.  Giáo dục lực lượng lao động về chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp

Chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp không chỉ đơn giản là xử lí các tai nạn lao động có thể xảy ra tại nơi làm việc. Nói một cách dễ hình dung nhất thì đó là cam kết về một cách tiếp cận toàn diện nhằm giảm thiểu tai nạn và tăng cường sự tham gia của nhân viên. Mặc dù ở một mức độ nào đó, hầu hết nhân viên đều biết rằng dinh dưỡng là một thành phần quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, nhưng họ có thể không thực sự hiểu tác động của nó trong việc duy trì sức khỏe cả trong và ngoài công việc. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nghề nghiệp, đặc biệt là các huấn luyện viên thể thao, có trình độ đặc biệt để xây dựng các chương trình dinh dưỡng và sức khoẻ cho các vận động viên công nghiệp và cung cấp thông tin theo cách thu hút được sự ủng hộ từ nhân viên để áp dụng và duy trì các hành vi lành mạnh hơn giúp nhân viên được an toàn, làm việc hiệu quả và giảm thiểu chi phí liên quan đến thương tích, tai nạn lao động.

ThS. Trần Châu Quyên – Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn – Viện Dinh dưỡng