Dinh dưỡng cho nhân viên văn phòng mắc đái tháo đường thai kỳ

Cập nhật: 1/10/2024 - Lượt xem: 2724

Hầu hết thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có thể kiểm soát lượng đường trong máu chỉ bằng cách thực hiện những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống cùng với hoạt động thể chất hợp lý. Thực hiện bữa ăn đúng cách có thể giúp thai phụ kiểm soát bệnh đái tháo đường thai kỳ, nuôi dưỡng em bé đang lớn và giúp thai phụ cảm thấy thoải mái. Với những thai phụ mà việc kiểm soát chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất vẫn chưa đủ để kiểm soát lượng đường trong máu thì cần dùng insulin theo chỉ định của bác sĩ.

Làm thế nào để đủ dinh dưỡng mà vẫn kiểm soát được đái tháo đường thai kỳ?

Khi đã mắc đái tháo đường thai kỳ, thai phụ cần ăn uống lành mạnh và cân bằng dinh dưỡng gồm 4 nhóm thực phẩm: carbohydrate, protein, lipid, vitamin và khoáng chất như sau:

Carbohydrate còn gọi là chất bột đường. Các thực phẩm chứa tinh bột được cơ thể tiêu hóa thành các loại đường đơn, để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Khi ăn quá nhiều chất bột đường, cơ thể sẽ hấp thu lượng lớn và gây tăng đường máu. Tuy nhiên, quá trình tiêu hóa và hấp thu chất bột đường sẽ chậm lại nếu “ăn đủ” và đúng cách.

"Ăn đúng" chính là lựa chọn và kết hợp các loại thực phẩm hợp lý sao cho đường không tăng cao trong máu sau khi ăn

Ăn đủ” là lượng chất bột đường mỗi bữa chiếm 50-60% tổng năng lượng khẩu phần. Chất bột đường trong khẩu phần hàng ngày đa phần đến từ gạo (cơm, phở, bún, xôi…), các loại củ (khoai, sắn), ngô…Nhưng thai phụ cần lưu ý, các loại trái cây cũng là nguồn cung cấp chất bột đường. Lượng chất bột đường trong 1 quả chuối tương đương lượng chất bột đường trong nửa bát cơm. Do vậy, thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ không nên ăn trái cây ngay sau bữa ăn chính.

Để chất bột đường không hấp thu nhanh vào máu sau khi ăn, “ăn đúng” chính là lựa chọn và kết hợp các loại thực phẩm hợp lý sao cho đường không tăng cao trong máu sau khi ăn. Vì vậy, thai phụ nên chọn gạo lứt thay cho gạo xát trắng khi nấu cơm, chọn ăn bánh mì nguyên cám thay vì ăn bánh mì thông thường. Trong bữa cơm, thai phụ cần ăn cơm cùng với rau, lượng rau cho mỗi bữa cơm nên khoảng 1 miệng bát con ăn cơm (là loại bát dùng để ăn cơm dung tích 200-250ml). Nếu ăn bún, phở, thai phụ nên ăn kèm rau. Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ không nên ăn cháo, tuy nhiên trong trường hợp có vấn đề sức khỏe cần ăn cháo thì nên ăn 1 lưng bát con rau nấu mềm trước khi ăn cháo để làm chậm quá trình hấp thu chất bột đường. Và nên nhớ, một khi đã mắc đái tháo đường thai kỳ, thai phụ không nên ăn các loại bánh, kẹo, bánh kem, bánh gatô…; không uống nước ngọt và các loại nước siro, nước ép trái cây. Các loại trái cây xay sinh tố thì nên xay cùng sữa chua không đường và chỉ nên ăn 100-150ml.

Protein hay còn gọi là chất đạm. Chất đạm có thể từ thịt các loại động vật, như thịt lợn, thịt bò, cá, tôm…; sữa phomai, sữa chua; trứng. Chất đạm cũng có thể từ một số loại thực vật như các loại đậu (đậu tương, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ…). Thai phụ nên ăn phối hợp cả các loại chất đạm động vật và thực vật trong khẩu phần hàng ngày.

Lipid hay còn gọi là chất béo. Tương tự protein, lipid có thể từ các loại mỡ béo của động vật như mỡ lợn, mỡ gà, mỡ cá, tuy nhiên thai phụ nên ưu tiên chất béo từ mỡ cá vì chất béo có tên DHA rất tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi. Một số loại hạt cũng chứa nhiều chất béo như lạc, vừng, hạt bí, hạt hướng dương, hạt mắc ca, hạt óc chó… Nếu trước khi mang thai mà thai phụ thừa cân hoặc béo phì thì cần hạn chế chất béo trong khẩu phần vì chất béo chứa rất nhiều năng lượng.

Rau là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể. Mỗi ngày, thai phụ cần ăn tổng số 500-600g rau, tương đương 2-3 miệng bát con ăn cơm rau. Nên ăn nhiều loại rau mỗi ngày, thậm chí phối hợp nhiều loại rau trong mỗi bữa ăn để tận dụng các lợi thế về đa dạng vitamin và khoáng chất.

Trái cây cũng là nguồn cung cấp vitamin và chất xơ. Với các loại trái cây ngọt nhiều như mít, chuối, xoài, nho… thì mỗi lần chỉ nên ăn 50-100g và không nên ăn ngay sau các bữa chính. Các loại trái cây mọng nước như dưa hấu, thanh long, cam… thì mỗi lần có thể ăn 100-150g và nên ăn cả miếng, hạn chế xay hoặc ép nước để uống.

Các loại sữa. Sữa là nguồn dinh dưỡng rất có giá trị, đặc biệt canxi từ sữa dễ hấp thu, tốt cho sự phát triển hệ xương của thai nhi. Tuy nhiên, thai phụ cũng không nên uống quá nhiều sữa mỗi ngày. Tốt nhất, mỗi ngày thai phụ nên uống 400-500ml sữa và có thể thay thế 100ml sữa bằng 1 viên phomai hoặc 100ml sữa chua ăn.

Sữa và chế phẩm của sữa là nguồn cung cấp canxi dễ hấp thu

Nước uống rất quan trọng với phụ nữ có thai. Thai phụ nên uống nước nhiều lần trong ngày. Trung bình mỗi thai phụ nên uống 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày, có thể tăng nếu ra nhiều mồ hôi. Nước tiểu của thai phụ đủ nước sẽ trong, hơi vàng. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, thai phụ cần báo ngay với bác sĩ sản khoa để bác sĩ có hướng xử trí phù hợp.

Vận động thể lực. Với đặc thù nhân viên văn phòng vốn đã hạn chế hoạt động thể lực, kèm thêm tình trạng mang thai khiến nhiều thai phụ “ngại” vận động. Tuy nhiên, suy nghĩ này đặc biệt bất lợi khi đã mắc đái tháo đường thai kỳ. Thai phụ nên vận động tại chỗ nhẹ nhàng trong 5-15 phút sau khi ăn, có thể thực hiện bằng cách đi lại vòng quanh nơi làm việc hoặc vảy tay tại chỗ… Vận cơ sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng của tế bào cơ, giúp đường được hấp thu sau bữa ăn được sử dụng nhanh hơn, do đó hạn chế tình trạng tăng đường huyết.

Trên đây là một số gợi ý cho nữ nhân viên văn phòng mắc đái tháo đường thai kỳ. Chúc các bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.

ThS. Trần Châu Quyên - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn - Viện Dinh dưỡng