GS. Từ Giấy - Nhà truyền thông sức khỏe xuất chúng

Cập nhật: 10/9/2021 - Lượt xem: 4264

GS. Từ Giấy (1921-2009) không chỉ là một nhà dinh dưỡng học vô cùng xuất sắc mà còn là một nhà giáo tài năng và một nhà truyền thông về sức khỏe xuất chúng. Nhiều bài báo, công trình nghiên cứu của ông đến hôm nay vẫn còn tính thời sự.

Có rất nhiều điều để nói về GS Từ Giấy - ông là một nhà dinh dưỡng học, một nhà giáo, một nhà quản lý tài năng..., nhưng trong bài viết này bạn đọc có thể biết về ông dưới chân dung một nhà truyền thông về sức khỏe.

GS Từ Giấy có hơn 60 năm hoạt động báo chí, ông bắt đầu viết báo từ năm 1946 đến 2006 (lúc ông bị bệnh phải nằm một chỗ mới không viết nữa).

GS. Từ Giấy

Từ vị chủ biên tờ báo về sức khỏe...

Ông là chủ biên của tờ Vui Sống - là một trong bốn tờ báo đầu tiên của nước Việt Nam mới và là tờ báo về sức khỏe sớm nhất ở nước ta. Năm 1946 báo Vui Sống ra đời với nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh phòng bệnh, ăn uống hợp lý cho quân và dân.

Sau này khi tờ báo không hoạt động nữa, làm việc trong lĩnh vực quân y ông vẫn tiếp tục viết nhiều cho các báo. Và quãng thời gian hoạt động báo chí sôi nổi nhất của ông có lẽ là khi ông nhận nhiệm vụ Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (năm 1980).

GS Từ Giấy là con người hành động. Khoa học của ông là những gì thiết thực nhất đối với con người. Ý tưởng đeo đuổi suốt đời của ông là ứng dụng khoa học dinh dưỡng vào đời sống. Không chỉ là một người làm nghiên cứu về dinh dưỡng, mà ông còn rất coi trọng việc dinh dưỡng ứng dụng - thực hành kiến thức dinh dưỡng trong cuộc sống hàng ngày.

Khi mới nhận nhiệm vụ về công tác tại Viện Dinh dưỡng quốc gia. Thời điểm này, đất nước còn khó khăn, người dân cốt sao "ăn no" chứ chưa chưa chú trọng đến việc ăn ngon, ăn cân đối chất dinh dưỡng. Truyền thông về dinh dưỡng còn bỏ ngỏ, chưa có nhiều bài viết về lĩnh vực này. Do vậy ông đã viết nhiều bài về đề tài này đăng trên các báo, tạp chí để tuyên truyền đến toàn dân. Không những vậy, ông còn khuyến khích nhiều đồng nghiệp trẻ cùng viết nữa, do vậy chẳng mấy chốc đã tạo ra một mạng lưới các bài truyền thông dinh dưỡng. Ngày nay, mạng thông tin dinh dưỡng đã rất phổ biến, công đầu phải nhớ đến ông.

GS Từ Giấy đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Nguồn: Cục An toàn thực phẩm

Là một nhà khoa học lại viết về lĩnh vực sức khỏe tưởng chừng như các bài viết sẽ rất khô khan, hàn lâm, bác học. Nhưng không. Cách viết của ông giản dị, dễ hiểu, gần dân gần đời, không hàn lâm nhưng vẫn mang tính khoa học rất cao.

Ông viết về y học, nhưng lại ứng dụng các chất liệu văn học dân gian như các thành ngữ, tục ngữ, hay các phong tục của người Việt để đưa vào bài. Cách viết này làm cho bài báo khoa học không bị khô khan mà trở nên mềm mại hơn, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc hơn.

Có thể dẫn chứng một số bài ông viết trong sách "Ứng dụng Y học" mà sau này Báo Sức khỏe & Đời sống đã trích đăng như: "Có thực mới vực được đạo" nói về vai trò của việc ăn uống, hay "Miệng ăn núi lở" nói về nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể qua các giai đoạn từ lúc trong bào thai đến khi trưởng thành như thế nào, cần những chất gì, tỷ lệ của các chất ra làm sao…

Hay các bài viết khác như "Đẹp vàng son, ngon mật mỡ" nói về vai trò của lipit (chất béo), "Cơm không rau như đau không thuốc" viết về vai trò của rau xanh, hay "Có cá đổ vạ cho cơm" nói về giá trị dinh dưỡng của cá với cơ thể con người (mỡ cá, dầu cá giúp phòng khô mắt, mù lòa, xương cá nhiều canxi giúp phát triển chiều cao của trẻ, tốt cho phụ nữ mang thai), "Tương cà gia bản" nói về giá trị dinh dưỡng của đậu nành, "Ê a thịt gà chấm muối" nói về phong cách ăn của người Việt tại sao trong bữa ăn lại có bát nước chấm; "Đời cha ăn mặn. Đời cha… huyết áp cao" (nói về tác hại của việc ăn mặn)….

Các bài viết sử dụng các chất liệu văn học dân gian gắn liền với đời sống, phong tục của người Việt Nam nên dễ tiếp thu, dễ thực hành, do vậy hiệu quả truyền thông cao hơn..

Kết hợp công tác nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng với truyền thông sức khỏe, thành quả đạt được sau đó vô cùng ấn tượng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 50% năm 1980 xuống còn 19% năm 2009 (năm cụ mất). Trong bữa cơm gia đình, người dân đã chú trọng đến việc cân đối các nhóm chất (đạm, đường, tinh bột, vitamin khoáng chất) để đảm bảo tỷ lệ chất dinh dưỡng hợp lý cho cơ thể, nhờ đó mà tầm vóc của người Việt cũng thay đổi nhiều so với trước đây.

Không chỉ viết về dinh dưỡng mà ông còn viết nhiều về vệ sinh phòng bệnh, cách tạo nguồn thực phẩm, cách chăm sóc trẻ nhỏ, mẹ bầu… Ông là cộng tác viên thân thiết của nhiều tờ báo, tạp chí như Nhân dân, Sức khỏe & Đời sống, Quân đội nhân dân, Khoa học Đời sống, Tạp chí Vì trẻ thơ, Tạp chí Phụ nữ, Tạp chí Hậu cần… Trong đó, với Sức khỏe & Đời sống, ông là cộng tác viên thân thiết như thể "người nhà".
 
Cuốn sách viết về vitamin A được GS. Từ Giấy lưu giữ từ thời còn đi học ở Liên Xô

Đến thầy "Lang Khoai" dí dỏm...

Quay trở về những năm khi ông mới vào nghề báo. Năm 1946, khi làm Chủ nhiệm tờ "Vui Sống", ông lấy bút danh là Lang Khoai, phụ trách chuyên mục "Vui Sống kể chuyện", chuyên mục của ông luôn được bạn đọc yêu thích bởi lối viết dí dỏm, hài hước. 

Chẳng hạn, có người viết thư cho báo hỏi: "Tôi đi ngoài, phân đi ra suối lại có cục nổi, cục chìm, vậy tôi có bệnh gì không?". Lang Khoai trả lời: "Bệnh nặng đấy. Bệnh ỉa bậy!", hay "Tôi 22 tuổi mà nhiều râu như ông già có nên nhổ râu không?, Lang Khoai: "Nhiều râu là dấu hiệu của thanh niên đang lớn, nếu thừa thì giờ thì cứ nhổ. Còn chuyện rậm râu thì việc gì phải lo. Cũng có người thích đấy vì trông nó hiên ngang. Nếu người ta không thích thì chịu khó cạo cho nhẵn nhụi. Điều cần theo thiển ý của Khoai, không phải râu rậm hay thưa mà xem có râu quặp không?"…

Trong thời điểm chiến tranh đời sống còn thiếu thốn đủ thứ, cơm không đủ ăn, việc phát hành báo gặp nhiều khó khăn vậy mà tờ báo của ông có kỳ in tới 3 vạn bản, ấy vậy mà vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu bạn đọc, trong khi các tờ báo khác ở thời điểm đó chỉ 2-3 nghìn tờ/kỳ.

Chỉ tồn tại trong 6 năm (1946-1952) nhưng báo Vui Sống đã nhanh chóng phát triển khắp cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng bạn đọc. Minh chứng cho điều này, trong bài chúc thọ ông 80 tuổi (năm 2001), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: Nhắc tới tên anh, nhiều người nhớ đến Lang Khoai, tới "Vui Sống". Hầu như tất cả cán bộ chiến sĩ thời kỳ chống Pháp còn nhắc tới tờ báo Vui Sống với một niềm thích thú và tình cảm đặc biệt. Những lời khuyên viết ngắn gọn, kèm theo nhiều tranh vui, nhiều ca dao dễ nhớ, nhiều lời giải đáp đã nhanh chóng được quân và dân cả nước tìm đọc và áp dụng. Tờ báo không chỉ cung cấp cho mọi người thông tin và kiến thức, mà còn đem lại nguồn vui cho mọi người, món ăn rất cần trong những ngày gian khổ.

Ông cùng đội ngũ biên tập đã vận động được rất nhiều nhà khoa học, y bác sĩ có tiếng tham gia viết bài cho báo như Hồ Đắc Di, Hoàng Tích Trí, Tôn Thất Tùng, Vũ Văn Cẩn, Hồ Đình Cầu… và các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Vũ Bằng, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái… 

Mối lương duyên đặc biệt

Sau này, cũng như tờ Vui Sống, Báo Sức khỏe & Đời sống - Tiếng nói của ngành y trải qua các các thời kỳ phát triển cũng luôn quy tụ được nhiều cây viết là các chuyên gia hàng đầu về y học và trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ cũng rất "có duyên" với nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, ..., tiêu biểu như nhà văn hóa Hữu Ngọc phụ trách một chuyên mục " Sổ tay văn hóa" trong nhiều thập kỷ. Phải chăng chính vì sự đồng điệu này mà GS Từ Giấy đã trở thành cộng tác viên thân thiết của Báo Sức khỏe & Đời sống cho đến cuối đời. Thậm chí có những bài viết được đăng cả sau khi ông đã ra đi.

Một số bài báo của ông đã đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống như: Suy nghĩ về phương hướng phát triển phong trào VAC, Hiện đại hóa hệ sinh thái VAC ở nông thôn, Hệ sinh thái VAC - đáp số cho bài toán phòng chống suy dinh dưỡng, Bao giờ Việt Nam mới có được đội bóng ngang tầm "cao" thế giới, Bảo vệ môi trường thực phẩm, Các bà mẹ hãy đáp ứng nhu cầu của trẻ được tiếp xúc, được bảo vệ, được trò chuyện với mẹ, Thực đơn giết chồng…

Tủ sách gia đình nơi lưu trữ nhiều cuốn sách GS Từ Giấy từng đọc, từng viết

Ông là một người rất ham học, có ý thức tự học rất cao. Thói quen đọc sách được duy trì từ thời còn đi học đến tận những ngày cuối đời.

TS Từ Ngữ (con trái út của ông) cho biết: "Thời đi học ở trường Bưởi ngày nào cụ cũng lên thư viện đọc sách báo, đến khi công tác tại các cơ quan, những ngày trong tuần đi làm vất vả nhưng sáng chủ nhật nào cụ cũng lên Thư viện quốc gia. Chính thói quen tự học này mà sau này khi thông tin điện tử phát triển, cụ không biết sử dụng máy tính, nhưng các bài viết của cụ vẫn rất cập nhật, tất cả đều dựa vào sách báo".

Những bài báo mà cụ tâm đắc đều được giữ gìn rất cẩn thận. Tuy nhiên do thời gian và năm tháng chiến tranh nhiều tư liệu đã bị thất lạc. Sau này, những bài báo còn lưu giữ được, gia đình tập hợp lại in thành sách để lưu trữ cho con cháu đời sau. Hiện tại ở gia đình có tủ sách riêng lưu trữ rất nhiều quyển sách, bài báo, cụ từng đọc, từng viết. Điều đó lý giải tại sao cụ có nhiều kiến thức, thông tin để viết bền, viết đều đặn như vậy. Tất cả đều dựa vào tự học- TS. Từ Ngữ bồi hồi nhớ lại.

Năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Từ Giấy (1921-2021) và cũng là 60 năm thành lập Báo Sức khỏe & Đời sống, trân trọng gửi tới quý độc giả chân dung một chuyên gia y tế, một nhà truyền thông thực thụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, một lĩnh vực mà Báo Sức khỏe & Đời sống luôn là địa chỉ tin cậy nhất trong 60 năm qua.

(Theo Tô Ngọc Anh - Báo Sức khỏe và đời sống)