Hộ gia đình cần làm gì để đảm bảo dinh dưỡng trong tình trạng khẩn cấp?

Cập nhật: 9/16/2024 - Lượt xem: 189

Để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, mỗi gia đình cần chủ động đảm bảo nguồn thực phẩm thiết yếu cho gia đình mình. Sau đây là một số gợi ý:

1. Dự trữ các nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu: Các hộ gia đình có thể xây dựng và duy trì "kho" dự trữ lương thực, thực phẩm, gồm các loại thực phẩm khó hư hỏng, "thức ăn sẵn" (là những thực phẩm có thể ăn ngay mà không cần qua đun nấu, chế biến). Một số loại lương thực, thực phẩm có thể dự trữ dễ dàng như đồ hộp (đậu, ngô, thịt, cá…), ngũ cốc (gạo, mì, miến…), trái cây sấy khô, các loại hạt và thực phẩm để được lâu, có giá trị dinh dưỡng cao (như đậu đỗ, lạc, vừng). Bên cạnh đó, các hộ gia đình cũng nên chủ động chọn các loại lương thực, thực phẩm đa dạng để đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, không gây ngán, có thể phối hợp để đa dạng món ăn khi chế biến.

Thời chiến tranh, Giáo sư Từ Giấy, người Viện trưởng đầu tiên của Viện Dinh dưỡng đã có giải pháp "rau củ khô", phơi hoặc sấy khô rau củ, đóng gói gửi ra chiến trường để cung cấp rau cho bộ đội. Ngày nay, những vùng thường có thiên tai cũng có thể áp dụng cách này để dự trữ rau khi rau củ mất mùa.

      
Các hộ gia đình có thể xây dựng và duy trì kho dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng cho các trường hợp khẩn cấp

2. Dự trữ nguồn nước sạch: Bên cạnh việc dự trữ lương thực thực phẩm thì việc dự trữ nguồn nước uống sạch, an toàn cũng là một vấn đề hết sức quan trọng. Các hộ gia đình nên tính toán dự trữ, đảm bảo trung bình mỗi người 4-5 lít nước để uống và vệ sinh cá nhân tối thiểu. Thêm vào đó, các hộ gia đình cũng nên lưu ý trữ nước trong các vật chứa sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn để dùng cho sinh hoạt, nấu nướng thực phẩm và thường xuyên thay nước theo định kì để đảm bảo nguồn nước dự trữ luôn mới.

Các dụng cụ trữ nước tại hộ gia đình

3. Sử dụng thực phẩm dự trữ hợp lý

Thực phẩm dự trữ nên tính toán đủ số lượng để ứng phó với tình trạng khẩn cấp, vì vậy không nên dự trữ quá nhiều, và món ăn hàng ngày cần linh hoạt để sử dụng dần số thực phẩm dự trữ này, để đảm bảo nguồn thực phẩm dự trữ luôn được đổi mới, tránh việc để lâu gây hư hỏng, lãng phí và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe khi sử dụng.

Nếu trong gia đình có thành viên cần chế độ ăn đặc biệt (như ăn kiêng hoặc dị ứng thực phẩm) thì thực phẩm dự trữ cũng cần đáp ứng những nhu cầu cho chế độ ăn đặc biệt này, vì khi trong tình trạng khẩn cấp, sự cung cấp những thực phẩm theo nhu cầu đặc biệt hoặc các can thiệp y tế sẽ khó khăn hơn bình thường.

4. Tăng cường kỹ năng bảo quản thực phẩm, đảm bảo các nguyên tắc:

Sử dụng nước sạch

- Rửa tay sạch

- Dụng cụ chế biến sạch

- Để riêng thực phẩm sống- chín

- Với thực phẩm nấu chín: đảm bảo đun sôi, chín kỹ

- Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp

Mỗi vùng miền có các đặc thù về thời tiết, nhiệt độ riêng, do đó các cộng đồng nên tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm bảo quản thực phẩm để lan toả kiến thức cho cộng đồng.

 5. Dụng cụ, đồ dùng, các loại thuốc thiết yếu:

Ngoài việc dự trữ lương thực thực phẩm và nguồn nước sạch, các hộ gia đình cũng nên bổ sung các dụng cụ, đồ dùng thiết yếu khác như đèn pin, pin, hộp dụng cụ sơ cứu, đồ mở hộp thủ công, những đồ dùng vệ sinh cá nhân và các loại thuốc thiết yếu tùy thuộc đặc điểm sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Có sẵn những dụng cụ, đồ dùng này sẽ đảm bảo sự chuẩn bị tổng thể trong trường hợp khẩn cấp.

Điều đặc biệt cần lưu ý là các gia đình phải thường xuyên kiểm tra để đảm bảo các lương thực, thực phẩm, nước sạch và nhu yếu phẩm vẫn còn hạn sử dụng và bổ sung kịp thời để sử dụng khi cần thiết.

TS. Trần Châu Quyên – Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn – Viện Dinh dưỡng – Nguồn Báo Sức khỏe & đời sống