Hỗ trợ khẩn cấp 1 số sản phẩm DD, Vitamin A và điều tra đánh giá nhanh tác động của thiên tai lên TTDD BM, TE tại 06 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc

Cập nhật: 9/20/2024 - Lượt xem: 522

Nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em và phụ nữ có thai tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, Viện Dinh dưỡng phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Cứu trợ trẻ em (The Save Children), tổ chức FHI 360/ dự án A&T, tổ chức HealthBridge tổ chức  03 đoàn công tác hỗ trợ khẩn cấp một số sản phẩm dinh dưỡng, thuốc Vitamin A và điều tra đánh giá nhanh tác động của thiên tai lên tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em trên 06 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Bắc Kạn) trong thời gian từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2024.

Thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị số 11261-CV/VPTW ngày 09/09/2024 về giải quyết hậu quả Bão số 3 (Yagi); Thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Trước tình hình hậu quả do Bão số 3 vừa qua đã gây ra thiệt hại lớn về người, tài sản, nhà cửa, hoa mầu của người dân tại một số tỉnh phía Bắc, đã ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi; Viện Dinh dưỡng với sự phối hợp của các Tổ chức quốc tế và các đơn vị có liên quan, đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện 03 đoàn công tác tại 06 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Bắc Kạn trong 03 ngày từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2024.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn [1], tính đến ngày 17 tháng 9 năm 2024, thống kê sơ bộ đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gẫy đổ… Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão số 3. Mức thiệt hại này gấp 5 lần so với tổng thiệt hại thiên tai năm 2023 và cao hơn tổng thiệt hại thiên tai trong ba năm gần nhất cộng lại. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhiều công trình thiết yếu, dân sinh bị hư hại. Các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ để ổn định đời sống người dân. Sau khi gây thiệt hại lớn cho các tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng Sông Hồng, bão Yagi đã gây ra tình trạng mưa lũ và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho một số tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn…

Trong tình hình khẩn cấp về dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cùng với các tổ chức quốc tế tổ chức 03 đoàn công tác trong 03 ngày từ 18 – 20/09/2024 thực hiện hỗ trợ khẩn cấp sản phẩm dinh dưỡng, đa vi chất, thuốc Vitamin A và đánh giá tác động của thiên tai lên tình trạng dinh dưỡng đối tượng phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi và các yếu tố liên quan; xác định nhu cầu cần hỗ trợ trong cải thiên tình trạng dinh dưỡng và đề xuất giải pháp hỗ trợ góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai lên tình trạng dinh dưỡng của người dân. Các tỉnh được hỗ trợ bao gồm 06 tỉnh khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng nặng là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Theo kế hoạch, các hoạt động triển khai hỗ trợ ban đầu bao gồm bổ sung viên đa vi chất cho phụ nữ có thai, bổ sung thuốc vitamin A cho trẻ em từ 6 – 69 tháng tuổi, điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em dưới 5 tuổi và cung cấp các tài liệu truyền thông về dinh dưỡng và các tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm dinh dưỡng trên. Dự kiến trên địa bàn 06 tỉnh sẽ có 30.000 phụ nữ có thai được bổ sung 2.700.000 viên đa vi chất và khoảng 30.000 trẻ em từ 6 – 59 tháng tuổi sẽ được bổ sung thuốc Vitamin A. Về hoạt động điều trị suy dinh dưỡng cấp tính, dự kiến sẽ có 830 thùng (thùng 12,2kg) sản phẩm dinh dưỡng dành cho điều trị suy dinh dưỡng cấp tính (RUTF - BP 100) sẽ được cấp cho các địa phương cho 1.660 trẻ trong 6 tỉnh. Song song với các hoạt động cấp phát thuốc và sản phẩm dinh dưỡng trong triển khai hỗ trợ ban đầu, Viện Dinh dưỡng và tổ chức UNICEF sẽ tổ chức điều tra nhanh liên ngành về tác động của thiên tai với người dân, đặc biệt là với những đối tượng dễ bị tổn thương là trẻ em, phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú, người cao tuổi trên địa bàn 06 xã: xã Y Can (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), thị trấn Thất Khê (huyện Thất Kê, tỉnh Lạng Sơn), xã Thanh Long (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) và xã Đào Xá (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Kết quả của cuộc điều tra sẽ bước đầu xác định những ảnh hưởng, những nguy cơ ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng, tình trạng mất an ninh thực phẩm, những yếu tố tác động đến tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em tại những khu vực bị thiên tai và đề xuất những can thiệp nhằm giảm thiểu tối đa sự tác động của thiên tai lên tình trạng dinh dưỡng của các đối tượng nêu trên. Ngoài ra, sau khi triển khai các hoạt động khảo sát và hỗ trợ ban đầu, Viện Dinh dưỡng sẽ phối hợp với tổ chức UNICEF tổ chức tập huấn để hỗ trợ cho cán bộ mạng lưới (đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở) nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp về dinh dưỡng.



[1] Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát

 
 
TS. Nguyễn Hồng Trường, phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng và BS. Nguyễn Đình Quang, Quỹ nhi đồng
Liên hợp quốc kiểm tra công tác bốc xếp, vận chuyển sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ cho các tỉnh
bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi
 
   
 

Đoàn cán bộ của Viện Dinh dưỡng và Đại diện Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại điểm bốc xếp,
vận chuyển sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi).

ThS. BS. Ngô Thị Hà Phương - Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng