Vừa qua, trong 04 ngày liên tục từ 07-10/4/2025, Hội nghị khoa học thường niên của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) đã diễn ra tại Bangkok, Thái Lan với sự tham gia của hàng nghìn chuyên gia, đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức ở khu vực Đông Nam Á.
Hội nghị đã thu hút được hơn 6,800 nhà khoa học, bác sĩ lâm sàng, chuyên gia dinh dưỡng, … đến từ hơn 165 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự báo cáo, chia sẻ và học tập kinh nghiệm.
Trong hội nghị, liên đoàn Đái tháo đường thế giới đã công bố IDF Diabetes Atlas Phiên bản 11 – 2025. Phiên bản thứ 11 của IDF Diabetes Atlas cung cấp thông tin chi tiết về tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ước tính và dự kiến trên toàn cầu, theo khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ, cho năm 2024 và 2050. Tài liệu này tập trung vào tác động ngày càng tăng của bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới và nêu bật các hành động đã được chứng minh và hiệu quả mà các chính phủ và nhà hoạch định chính sách phải khẩn trương thực hiện để giải quyết vấn đề này.
Năm 2024, thế giới đã có 589 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) đang sống chung với bệnh đái tháo đường, cứ 9 người có 1 người mắc đái tháo đường, chiếm tỷ lệ 11,1%. Theo dự báo của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới sẽ có 853 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) mắc đái tháo đường vào năm 2050, chiếm tỷ lệ 13%. Bệnh đái tháo đường gây ra 3,4 triệu ca tử vong vào năm 2024, cứ 6 giây lại có 1 ca tử vong liên quan đến đái tháo đường, gây thiệt hại ít nhất 1 nghìn tỷ đô la chi phí y tế – tăng 338% trong 17 năm qua, chiếm 12% chi phí y tế toàn cầu.
Trong hội nghị khoa học, liên đoàn Đái tháo đường thế giới cũng nhấn mạnh cần quan tâm đến 6 vấn đề chính:
Phòng ngừa mắc Đái tháo đường nhiều hơn nữa vì tuổi thọ cao, gia tăng mắc bệnh sẽ gia tăng.
Suy tim là biến chứng liên quan đến Đái tháo đường, cần được quản lý và điều trị sớm, đầy đủ hơn nữa.
Đái tháo đường và sức khỏe tâm thần cần được chú ý nhiều hơn nữa.
Một số biến chứng mà người bệnh đái tháo đường có thể gặp phải
Quan tâm đến khả năng tiếp cận sử dụng Insuline ở các nước thu nhập thấp và trung bình với tình trạng hạ đường huyết khi mang thai.
Cần ứng dụng các công nghệ mới trong theo dõi đường huyết liên tục, nhằm quản lý đái tháo đường tốt hơn nữa, giảm thiểu các biến chứng do dao động đường huyết.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Đái tháo đường thế giới cũng phát động các nhà khoa học, bác sĩ lâm sàng, chuyên gia dinh dưỡng… tham gia Chương trình Thử thách Bước chân IDF 2025 nhằm thúc đẩy tầm quan trọng của hoạt động thể chất trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh đái tháo đường. Chỉ trong vòng 4 ngày diễn ra Hội nghị đã thu được 14 triệu bước chân, đây là con số kinh ngạc, nhấn mạnh sự hưởng ứng tham gia của các nhà khoa học, bác sĩ lâm sàng, chuyên gia dinh dưỡng…
7 khuyến nghị mới được Liên đoàn Đái tháo đường thế giới đưa ra bao gồm:
- Khuyến nghị 1. Phát hiện bệnh đái tháo đường, tăng đường huyết trung gian, và phòng ngừa bệnh đái tháo đường tuýp 2
- Khuyến nghị 2. Đánh giá và mục tiêu kiểm soát đường huyết ở bệnh tháo đường tuýp 2
- Khuyến nghị 3. Liệu pháp hạ đường huyết – các giải pháp không dùng insulin cho bệnh tháo đường tuýp 2
- Khuyến nghị 4. Liệu pháp hạ đường huyết – các giải pháp lựa chọn insulin cho bệnh tháo đường tuýp 2
- Khuyến nghị 5. Kiểm soát cân nặng trong quản lý bệnh tháo đường tuýp 2
- Khuyến nghị 6. Bảo vệ tim-thận ở bệnh tháo đường tuýp 2
- Khuyến nghị 7. Quản lý bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASLD) ở bệnh tháo đường tuýp 2
Nguồn thông tin: IDF Diabetes Atlas 2025 ( https://diabetesatlas.org/resources/idf-diabetes-atlas-2025/ )
PGS.TS. Nguyễn Trọng Hưng