Một số vấn đề bà mẹ thường gặp khi thực hành nuôi con bằng sữa mẹ

Cập nhật: 8/2/2024 - Lượt xem: 149

Một số vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ là do những sai lầm của bà mẹ mắc phải, chưa biết cho trẻ bú đúng cách và không cho trẻ bú sớm sau sinh.

Những sai lầm bà mẹ thường mắc phải khi cho trẻ bú

Chỉ cho con bú khi căng sữa: Nhiều bà mẹ sau khi sinh chỉ cho con bú khi căng sữa, người ta thường quen gọi là xuống sữa, như vậy là không đúng, vì không cho con bú thì càng làm sữa xuống chậm và càng dễ bị mất sữa.

Tư thế cho con bú chưa đúng: Trẻ ngậm bắt vú sai, miệng trẻ không ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú; Chưa bú xong một bên, đã chuyển cho trẻ bú bên kia, làm cho bầu vú luôn ứ đọng sữa và làm giảm tiết sữa.

Cho trẻ uống sữa ngoài trước khi bú mẹ: cho trẻ ăn những thức ăn hay đồ uống khác, đặc biệt là sữa ngoài (sữa bột) trước khi cho trẻ bú mẹ làm cho trẻ dễ chấp nhận sữa công thức hơn sữa mẹ.

Cho con bú theo số cữ định sẵn: Bà mẹ cho trẻ bú theo giờ, với số lần bú cố định trong ngày một cách cứng nhắc, máy móc mà không biết cách theo dõi đánh giá xem trẻ bú đủ hay chưa. Các bà mẹ có thể đánh giá gián tiếp thông qua số lần đi tiểu của trẻ trong ngày, nếu trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần trong vòng 24 giờ, đó là dấu hiệu của trẻ bú đủ; nếu trẻ đi tiểu dưới 6 lần trong ngày thì cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc người mẹ cần xem lại kỹ thuật cho con bú có đúng hay không vì đó là dấu hiệu trẻ chưa được bú đủ lượng sữa cần thiết trong ngày.

Những vẫn đề bà mẹ thường gặp phải khi nuôi con bằng sữa mẹ

Không đủ sữa: Dấu hiệu nhận biết là khi trẻ bú xong vẫn quấy khóc, đi tiểu ít (dưới 6 lần/ngày). Muốn tạo được nhiều sữa bà mẹ cần cho con bú sớm ngay sau khi sinh, cho trẻ bú nhiều lần, bú đúng cách để kích thích phản xạ Prolactin và Oxytoxin. Nên cho trẻ bú nhiều vào ban đêm để tăng cường sự tạo sữa. Nếu bà mẹ phải đi làm, không có điều kiện cho con bú thì bà mẹ phải vắt sữa thường xuyên để kích thích vú tạo sữa. Với nguyên tắc là vú phải luôn rỗng thì mới kích thích tạo được nhiều sữa.

Trường hợp không đủ sữa, ngoài việc bà mẹ cần cho trẻ bú nhiều hơn để kích thích tạo sữa, thì các bà mẹ cần có chế độ ăn đầy đủ, lựa chọn các thực phẩm lợi sữa (như quả đu đủ, móng giò hầm, các loại hạt…), có tinh thần thoải mái và đừng quá lo lắng căng thẳng vì luôn nghĩ đến chuyện mình bị thiếu sữa. Bà mẹ cần ăn đủ, ngủ tốt và uống đủ nhu cầu nước.

Nứt núm vú: Nguyên nhân là do người mẹ cho con ngậm vú chưa đúng. Mẹ chỉ cho con ngậm đầu núm vú mà chưa ngậm hết quầng vú nên mỗi lần cho con bú, núm vú bị kéo ra, co kéo lâu ngày gây nứt da xung quanh núm vú. Khi bị nứt núm vú người mẹ thường có cảm giác đau rát mỗi khi cho con bú, nhìn sẽ thấy xung quanh núm vú có những vết nứt, da tấy đỏ.

Khi có biểu hiện nứt núm vú, người mẹ cần hạn chế cho trẻ bú bên vú bị nứt, dùng nước ấm pha với một ít muối (nhạt) để rửa vú, sau đó lau khô vú bằng khăn mềm. Đồng thời, cần thay đổi cách cho con bú: để trẻ ngậm bắt vú đúng, cằm trẻ phải tỳ vào vú mẹ, miệng mở rộng, môi dưới hướng ra ngoài, miệng ngậm hết quầng vú.

Nếu đau quá không cho con bú được người mẹ nên vắt sữa ra cốc cho trẻ bú và tiếp tục cho trẻ bú ở bên vú không đau.

Trước khi cho trẻ bú nên đắp khăn ấm lên vú và núm vú khoảng 3-5 phút, đồng thời xoa bóp vú để kích thích quá trình tiết sữa, làm cho quầng vú mềm rồi bắt đầu cho con bú. Cho con bú bên núm vú bị tổn thương nhẹ trước, để giảm sức mút của trẻ đối với bên còn lại. Sau khi cho trẻ bú xong, để trẻ tự nhả vú ra, bôi sữa mẹ lên chỗ nứt của núm vú, sẽ giúp da mau lành.

Cương tức vú: Nguyên nhân là do không cho bú sớm, không cho bú thường xuyên, ngậm bắt vú kém, hạn chế thời gian mỗi bữa bú, vì thế nên cho trẻ bú sớm, bú thường xuyên và giúp trẻ ngậm bắt vú tốt để phòng ngừa cương tức vú. Khi đã bị rồi thì cần phải xử lý đúng cách, nếu trẻ vẫn đang bú được thì phải cho trẻ bú thường xuyên; nếu trẻ không bú được thì phải vắt sữa bằng tay hoặc dùng bơm hút sữa. Trước khi cho trẻ bú, nên dùng gạc hoặc khăn sạch nhúng nước ấm, vắt bớt nước rồi đắp lên vú. Sau khi cho trẻ bú xong thì dùng gạc lạnh đắp lên bầu vú để giảm phù nề.

Tắc ống dẫn sữa và viêm vú: Khi ống dẫn sữa bị tắc làm sữa bị ứ trệ gây ra viêm vú, có thể viêm từ không nhiễm trùng đến viêm nhiễm trùng. Tại vị trí bị tắc sẽ gây ra hiện tượng sữa vón thành từng cục mà khi dùng tay sờ nắn nhẹ, bà mẹ cũng có thể cảm nhận được, cũng có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Khi bị tắc ống dẫn sữa, bầu vú căng to hơn bình thường, người mẹ có cảm giác đau nhức bầu vú nhưng cho con bú hoặc vắt sữa đều không ra. Nặng hơn có thể làm cho người mẹ bị sốt, đau nhức dữ dội gây khó chịu.

Để phòng ngừa tắc ống dẫn sữa, điều trước tiên cần làm là thường xuyên vệ sinh bầu vú, đầu núm vú sạch sẽ. Trước khi cho trẻ bú và sau khi trẻ bú xong người mẹ cần vệ sinh bầu vú sạch sẽ bằng cách dùng khăn mềm thấm nước ấm để lau rửa.

Khi bị tắc tia sữa có thể dùng những biện pháp sau để xử trí:

Dùng nước nóng, khăn nóng để chườm. Tuy nhiên, nhiệt độ chườm chỉ vừa phải không quá nóng vì có thể gây bỏng cho người mẹ. Dưới tác dụng của việc chườm nóng, các cục sữa đông vón tan dần ra, tạo điều kiện cho sữa lưu thông.

Cũng có thể dùng 2 bàn tay đè ép vào bầu vú, vừa đè ép vừa day nhẹ nhàng sẽ giúp cho các cục sữa đông được tan ra nhưng việc đè ép và day chỉ ở mức độ vừa phải, không làm bà mẹ phải chịu đau quá sức của mình.

Nếu núm vú bị phẳng hoặc tụt: thực hiện kéo núm vú ra, có thể dùng giác hút đầu vú ra, nếu sữa căng, đau tức, các bà mẹ có thể vắt bớt sữa ra cho đỡ căng vú. Trong mọi trường hợp khó khăn, các bà mẹ luôn cố gắng khắc phục để nhanh chóng tiếp tục cho con bú nhiều hơn hoặc vắt sữa ra để cho trẻ ăn bằng cốc để không làm gián đoạn việc thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ.

ThS. BS Nguyễn Văn Tiến