Nuôi dưỡng và phát triển trí não sớm

Cập nhật: 8/2/2024 - Lượt xem: 27

Con ra đời là niềm hạnh phúc của bố mẹ, gia đình, xã hội. Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, không những chỉ là nhằm phát triển thể chất mà còn là phát triển tinh thần. Sự phát triển trí não đặc biệt là phát triển trí não sớm trong 1000 ngày đầu đời là chìa khóa giúp trẻ được phát triển một cách tối ưu.

Sự phát triển trí não sớm trong 3 năm đầu đời

Não của em bé bắt đầu phát triển trước khi sinh (trong bụng mẹ) và trong những năm đầu đời (ngoài bụng mẹ). Trong 3 năm đầu đời số lượng tế bào thần kinh không đổi và số lượng kết nối thần kinh tăng lên, đồng thời não của bé sẽ hình thành khoảng 1.000 tỷ kết nối (khớp thần kinh) (gấp đôi so với người lớn) khi đạt cột mốc 3 tuổi [1]. Khi trẻ lớn lên, các khớp thần kinh trở nên phức tạp hơn, giống như một cái cây có nhiều cành và nhánh phát triển hơn. Sau 3 tuổi, việc tạo ra các khớp thần kinh chậm lại cho đến khoảng 10 tuổi [2].

Nuôi dưỡng phát triển trí não sớm

Trong suốt 3 năm đầu đời của trẻ, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển thể chất của trẻ. Đây là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành trí não, làm nền tảng cho sự phát triển các kỹ năng nhận thức, vận động và cảm xúc xã hội trong suốt cuộc đời. [3].

Ngoài gen di truyền, ba yếu tố nổi bật có tác động đặc biệt sâu sắc đến sự phát triển trí não sớm của trẻ bao gồm giảm căng thẳng và viêm nhiễm độc hại, sự hỗ trợ mạnh mẽ của gia đình, xã hội, gắn bó và an toàn cũng như đảm bảo cung cấp dinh dưỡng tối ưu  [4].

Dinh dưỡng tối ưu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh là một trong ba yếu tố cần đầu tư sớm, không những từ khi bắt đầu mang thai mà còn ở giai đoạn chuẩn bị có thai. Thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết trong quá trình tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh, màng thần kinh, các thành phần màng chuyển hóa năng lượng và khớp thần kinh, tất cả đều ảnh hưởng đến sự phát triển không chỉ đối với nhận thức mà còn cả hành vi và tâm trạng của trẻ. Nghiên cứu cho thấy 6 chất dinh dưỡng đã được nghiên cứu liên quan đến dinh dưỡng của bà mẹ và sự phát triển não bộ của trẻ sau này là folate, iốt, sắt, vitamin D, choline và axit docosahexaenoic (DHA) [5]  [6]. Việc bổ sung axit folic trước khi bà mẹ thụ thai đã chứng minh được là ngăn ngừa một số khuyết tật ống thần kinh và nghiên cứu cho thấy với những phụ nữ có chế độ ăn giàu các acid amin như choline, betaine và methionine, ước tính rủi ro khuyết tật ống thần kinh là thấp nhất khi so với các nhóm khác [7]. Các thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật đều có thể cung cấp choline, methionine cho chế độ ăn hàng ngày của bà mẹ và trẻ. Điển hình như thịt, cá, trứng, sữa, nội tạng động vật… và các loại nấm, đậu, hạt, súp lơ, bắp cải, cà rốt… là những thực phẩm giầu choline.

Một số thực phẩm tốt cho não bộ

Sự phát triển trí não nhạy cảm nhất với dinh dưỡng của trẻ trong những năm đầu đời

Trong một số giai đoạn thì trẻ có nhu cầu đặc biệt cao với một số chất cần thiết cho sự phát triển của não bộ. Cụ thể là chất đạm trong toàn bộ thai kỳ và khi trẻ 4 – 12 tháng tuổi,  acid béo không no chuỗi dài trong 3 tháng cuối của thai kỳ và giai đoạn từ 2 – 3 tháng tuổi; sắt trong 3 tháng cuối của thai kỳ và khi trẻ được từ 6 tháng đến 3 tuổi; kẽm trong bốn tháng cuối của thai kỳ và từ 6 tháng đến 10 năm sau sinh;  I-ốt 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, 3 tháng cuối của thai kỳ và 12 năm đầu đời  [4]. Các chất dinh dưỡng trên đều có thể được cung cấp từ nguồn thực phẩm tự nhiên hoặc các thực phẩm tăng cường vi chất. Cụ thể các loại cá béo, các loại dầu thực vật là nguồn cung cấp các acid béo không no chuỗi dài (ALA, DHA, EPA…); các thực phẩm giầu sắt, kẽm thuộc nhóm các thực phẩm nguồn gốc động vật như các loại tiết, gan, bầu dục, thịt gà, thịt lợn nạc và các thực phẩm nguồn thực vật như vừng, đậu tương, các loại đậu khác…, các loại rau lá xanh…; đặc biệt thực phẩm giầu kẽm nhất thuộc nhóm thuỷ sản như sò, trùng trục, cua, ghẹ… Chế độ ăn có chứa các thực phẩm giầu i-ốt như rong biển, tảo bẹ, rau chân vịt, cá biển… và chế biến món ăn sử dụng muối/gia vị i-ốt là biện pháp phòng ngừa thiếu i-ốt cho cả mẹ và con. Ngoài ra các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng như bột mỳ/gạo/bánh quy bổ sung sắt, kẽm cũng là nguồn cung cấp các vi chất dinh dưỡng cần thiết và mang lại hiệu quả phòng bệnh cao.

Cân nặng khi sinh và kích thước não của em bé phụ thuộc vào chất lượng dinh dưỡng của mẹ trong thời kỳ mang thai. Sau khi sinh, sự phát triển của não bộ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dinh dưỡng của trẻ. Sữa mẹ cung cấp hỗn hợp chất dinh dưỡng tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển của não. Khối lượng chất xám vượt trội và sự phát triển vi cấu trúc chất trắng được cải thiện tương ứng với sự cải thiện kết quả phát triển thần kinh ở tuổi vị thành niên đối với trẻ đủ tháng được bú sữa mẹ  [8].

Nuôi con bằng sữa mẹ có thể cải thiện sự phát triển nhận thức thông qua một số cơ chế tiềm năng, liên quan đến cả thành phần của sữa mẹ và trải nghiệm cho con bú, tăng tương tác giữa mẹ và con  [6]. Nuôi con bằng sữa mẹ thúc đẩy trí thông minh ngôn ngữ tốt hơn của trẻ ở thời thơ ấu  [9]. Đặc biệt là bú mẹ hoàn toàn trong thời gian dài hơn - có liên quan đến chỉ số IQ của trẻ cao hơn ở tuổi đi học. Cụ thể, cứ thêm mỗi tháng được bú mẹ hoàn toàn bằng sữa mẹ, chỉ số IQ ngôn ngữ của trẻ cao hơn 0,8 điểm, mang lại lợi ích gần 5 điểm trong 6 tháng thời gian được khuyến nghị cho bú mẹ hoàn toàn bằng sữa mẹ  [10].

Một chế độ ăn uống không đầy đủ thường gây ra tình trạng thiếu hụt nhiều vi chất dinh dưỡng với những ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn đến hoạt động não bộ của trẻ  [3]. Axit béo đóng vai trò trung tâm trong mô não, thiếu sắt gây rối loạn khả năng chú ý, trí nhớ và hành vi, có mối liên hệ chặt chẽ với các chỉ số nhận thức thấp hơn. Các nghiên cứu dài hạn đã chỉ ra rằng trẻ em bị thiếu sắt có kết quả học tập thấp hơn. Ngoài ra, sự thiếu hụt kẽm, cũng như iốt, vitamin D và B12 có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng và trí nhớ của não.

Để trí não của trẻ được phát triển tối ưu, cần có chăm sóc sớm phù hợp về dinh dưỡng, đặc biệt trong giai đoạn 1000 ngày vàng (từ khi mang thai đến khi trẻ tròn 2 tuổi,) thậm chí còn bắt đầu từ giai đoạn chuẩn bị có thai. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ mang thai và cho con bú, thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, cho ăn bổ sung đúng và tăng tương tác xã hội với trẻ cùng với giảm thiểu các yếu tố stress và nhiễm trùng sẽ giúp trẻ có được sự phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần.

ThS. BS Ngô Thị Hà Phương - Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng

Tài liệu tham khảo

1. Brotherson S. (2009). Understanding Brain Development in Young Children. North Dakota State University.

2. Nature, Nurture and Early Brain Development. , accessed: 05/12/2023.

3. Karavida V., Tympa E., và Charissi A. (2019). The Role of Nutrients in Child’s Brain Development. JOURNAL OF EDUCATION AND HUMAN DEVELOPMENT, 8.

4. Wachs T.D., Georgieff M., Cusick S. và cộng sự. (2014). Issues in the timing of integrated early interventions: contributions from nutrition, neuroscience and psychological research. Ann N Y Acad Sci, 1308, 89–106.

5. Cheatham C.L. (2020). Nutritional Factors in Fetal and Infant Brain Development. Annals of Nutrition and Metabolism, 75(Suppl. 1), 20–32.

6. Prado E.L. và Dewey K.G. (2014). Nutrition and brain development in early life. Nutrition Reviews, 72(4), 267–284.

7. Periconceptional Dietary Intake of Choline and Betaine and Neural Tube Defects in Offspring | American Journal of Epidemiology | Oxford Academic. , accessed: 11/12/2023.

8. Ottolini K.M., Andescavage N., Keller S. và cộng sự. (2020). Nutrition and the developing brain: the road to optimizing early neurodevelopment: a systematic review. Pediatr Res, 87(2), 194–201.

9. Belfort M.B. (2017). The Science of Breastfeeding and Brain Development. Breastfeed Med, 12(8), 459–461.

10. Belfort M.B., Rifas-Shiman S.L., Kleinman K.P. và cộng sự. (2013). Infant feeding and childhood cognition at ages 3 and 7 years: effects of breastfeeding duration and exclusivity. JAMA Pediatr, 167(9), 836–844.