Sữa mẹ - thức ăn phù hợp nhất với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Cập nhật: 8/2/2024 - Lượt xem: 135

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có một loại thực phẩm, thức ăn nào phù hợp nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như sữa mẹ, vì vậy việc bảo vệ nguồn sữa mẹ để nuôi dưỡng trẻ là rất cần thiết và quan trọng.

* Vì sao sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ em?

Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng, đủ các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu của trẻ như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng ở tỷ lệ thích hợp, cân đối, phù hợp cho sự hấp thu, tiêu hóa và phát triển cơ thể trẻ.  Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ mau lớn, phát triển tối ưu về thể chất và trí tuệ, và phòng chống suy dinh dưỡng.

Sữa mẹ cung cấp kháng thể cho trẻ, đặc biệt trong hai năm đầu đời, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng. Sữa mẹ còn có vai trò giúp phát triển hệ miễn dịch tự nhiên bằng cách tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi phát triển, diệt trừ các vi khuẩn có hại. Do tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh.

Thành phần dinh dưỡng có trong sữa mẹ thay đổi theo ba giai đoạn:

Sữa non: Sữa mẹ trong 3-4 ngày đầu sau sinh gọi là sữa non, có màu vàng nhạt và đặc sánh. Sữa non có nhiều chất dinh dưỡng, một lượng lớn kháng thể IgA, IgG, IgF,...giúp trẻ chống nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút và dị ứng; sữa non giúp đào thải phân xu, giúp trẻ đỡ bị vàng da, giúp bộ máy tiêu hóa non yếu của trẻ dần hoàn thiện; sữa non có nhiều vitamin A giúp chống nhiễm khuẩn và tăng trưởng. Vì vậy, bà mẹ nên cho trẻ bú sớm ngay trong một giờ đầu sau sinh và cho bú sữa non. Không cho trẻ ăn hoặc uống bất kỳ một loại thức ăn, thức uống nào trước khi trẻ bú mẹ.

Sữa chuyển tiếp: Khoảng 4-5 ngày sau sinh, một lượng lớn sữa chuyển tiếp sẽ được tiết ra thay thế sữa non, sữa béo và sệt hơn cho đến 10-14 ngày sau sinh. Bầu ngực của bà mẹ sẽ to ra và trở nên cứng hơn do phải sản xuất ra một lượng sữa chuyển tiếp nhiều hơn so với lượng sữa non.

Sữa trưởng thành: Khoảng gần 2 tuần sau sinh, cơ thể người mẹ sản xuất sữa trưởng thành. Sữa trưởng thành có 2 loại là sữa đầu và sữa cuối. Sữa đầu được tiết ra trước, chứa nhiều nước giúp trẻ không bị khát. Sữa cuối được tiết ra sau, có màu hơi đục và chứa nhiều chất béo hơn giúp trẻ không bị đói và tăng cân. Trong một bữa bú, cần cho trẻ bú cả sữa đầu và sữa cuối để trẻ nhận được đủ dưỡng chất cần thiết, giúp trẻ no lâu và tăng cân tốt hơn.

* Những lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ:

Cho con bú sữa mẹ sẽ thuận lợi và kinh tế vì không phụ thuộc vào giờ giấc, không cần phải chế biến, rất sạch sẽ, không cần dụng cụ pha chế, mà lại rất tiện lợi. Trẻ bú sữa mẹ sẽ thuận lợi, kinh tế hơn nhiều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi người mẹ ăn uống đầy đủ, tinh thần thoải mái sẽ có đủ sữa cho con bú.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp gắn bó tình mẫu tử, người mẹ có nhiều thời gian gần gũi tự nhiên, đó là yếu tố tâm lý quan trọng giúp cho việc phát triển hài hoà của trẻ.

Cho con bú góp phần kế hoạch hóa gia đình (bú mẹ hoàn toàn đúng cách là phương pháp tránh thai hiệu quả) và giảm tỷ lệ ung thư vú.

* Cách cho con bú

Một số bà mẹ sau khi sinh chỉ cho con bú khi căng sữa, người ta thường gọi là xuống sữa, như vậy là không đúng, vì nó càng làm sữa xuống chậm hơn. Tốt nhất, ngay sau khi sinh trong vòng một giờ đầu người mẹ nên cho trẻ ngậm bắt vú mẹcàng sớm càng tốt. Vì sữa mẹ tiết ra theo cơ chế phản xạ, bú sớm có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Trẻ bú có tác dụng co hồi tử cung và cầm máu cho người mẹ sau sinh.

Số lần cho trẻ bú không gò bó theo giờ giấc mà tuỳ thuộc vào nhu cầu của trẻ. Cho trẻ bú bất cứ khi trẻ muốn (trẻ sẽ có các biểu hiện như ngó ngoáy quay đầu tìm vú mẹ, cử động lưỡi ra vào, đưa tay lên miệng...), nếu các bà mẹ nghĩ mình ít sữa thì lại cần cho trẻ bú nhiều để kích thích bài tiết sữa tốt hơn.


Khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ: miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để động tác bú được tốt hơn, quầng đen phía dưới hở ít hơn phía trên. Thời gian cho bú tuỳ theo đứa trẻ. Cho trẻ bú đến khi trẻ no, tự rời vú mẹ. Sau khi bú hết một bên, nếu trẻ chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia. Nếu trẻ không bú hết sữa trong bầu vú thì mẹ chủ động vắt cạn hết sữa còn lại để kích thích sữa sản sinh cho lần bú tiếp theo.

Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cần cho trẻ ăn bất cứ loại thức ăn nào khác, kể cả nước. Khi trẻ bị bệnh, ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy, vẫn tiếp tục cho trẻ bú. Trẻ đẻ non yếu không bú mẹ được, hoặc trường hợp mẹ bị ốm, mẹ bị mắc 1 số bệnh mà không cho trẻ bú được, cần vắt sữa mẹ ra cốc và cho trẻ ăn bằng thìa hoặc trực tiếp uống bằng cốc.

Nên cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn, không cai sữa trẻ trước 18 tháng tuổi.

* Bảo vệ nguồn sữa mẹ

Trong thời kỳ mang thai: Muốn có sữa cho con bú thì người mẹ ngay trong thời kỳ có thai cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái, giúp người mẹ tăng cân tốt (10-12kg), tăng cân là nguồn dự trữ mỡ để sản xuất sữa sau khi sinh.

Sau khi sinh con: Khi cho con bú, điều trước tiên cần phải quan tâm là người mẹ cần phải ăn đủ, uống đủ, ngủ đẫy giấc và tinh thần thoải mái. Người mẹ nên ăn bổ dưỡng, khẩu phần ăn cần cao hơn mức bình thường. Hàng ngày, ăn thêm vài bát cơm, một ít thịt, cá, trứng hoặc một ít rau đậu, ăn thêm quả chín để có đủ vitamin. Các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ thường có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Khẩu phần ăn của bà mẹ cho con bú hàng ngày cần lượng thực phẩm bao gồm: ngũ cốc 450-500g, trứng 40-50g, đậu và chế phẩm từ đậu 50-100g, cá và thịt từ 80-100g, rau từ 300-400g, hoa quả từ 100-200g, dầu mỡ 20g. 1 ngày ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ, hạn chế ăn đồ nướng và rán.

Người mẹ cần uống nhiều nước từ 2,0-2,5 lít/ngày (8-10 cốc) để lượng sữa tiết ra nhiều hơn (vì trên 85g nước trong 100ml sữa mẹ) nên dùng sữa, nước trái cây, nước rau luộc, nước đun sôi để nguội.

Thực phẩm cần hạn chế: Trong thời gian nuôi con bú, hạn chế uống nước trà, nước ngọt có ga, uống rượu, cà phê, các loại gia vị (hành, tiêu, ớt, tỏi...). Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo lắng, buồn phiền, giận dữ, mất ngủ. Khi cho con bú, nếu phải dùng thuốc, phải hỏi ý kiến của thầy thuốc, không được tự động dùng thuốc vì có thể nguy hại cho con và có thể làm cạn nguồn sữa.

ThS. BS Nguyễn Văn Tiến