Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Trong mùa bão lũ, người dân cần thực hiện những việc sau để đảm bảo dinh dưỡng:
1. Hàng ngày, đảm bảo ăn đủ bữa, ăn nhiều loại thực phẩm, ưu tiên các thực phẩm được sản xuất tại chỗ.
2. Gia đình có trẻ đang bú mẹ hoặc trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cần được tạm trú ở những địa điểm an toàn để có thể cho trẻ tiếp tục bú mẹ và nhận hỗ trợ về nuôi dưỡng trẻ nếu cần.
3. Duy trì thực hành nuôi con bằng sữa mẹ: bú mẹ sớm trong 1h đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Với trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, đặc biệt lưu ý đến các điều kiện vệ sinh khi nuôi ăn bằng sữa công thức.
4. Tìm kiếm, lựa chọn các thực phẩm an toàn và phù hợp cho việc ăn bổ sung của trẻ 6 đến 24 tháng cùng với các điều kiện để có thể chuẩn bị bữa ăn an toàn. Đảm bảo trẻ ăn đủ số lượng, đủ số lần theo độ tuổi của trẻ và đa dạng thực phẩm.
5. Liên hệ với cán bộ y tế để được bổ sung các vi chất dinh dưỡng (đa vi chất, vitamin A) cho các đối tượng bà mẹ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi.
6. Liên hệ với cán bộ y tế để được phát hiện sớm và điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính bằng sản phẩm điều trị hoặc hướng dẫn chế độ ăn.
7. Với người đang mắc các bệnh mạn tính không lây, cần duy trì thuốc điều trị và chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị. Ăn đủ bữa và kiểm soát các yếu tố nguy cơ.
8. Sử dụng tối ưu tất cả nguồn nước và các phương tiện vệ sinh được cấp và thực hành vệ sinh an toàn.
9. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
10. Sau bão lũ: Thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý. Thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ theo khuyến nghị.