Nuôi dưỡng đúng cách cho trẻ đang bú mẹ (0 đến 2 năm đầu đời)

Cập nhật: 11/1/2018 - Lượt xem: 40251

 

Một vài nét về tình hình nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ có mối quan hệ chặt chẽ và có tính chất quyết định đối với tình trạng dinh dưỡng của trẻ nhỏ. Sữa mẹ giống như vắc xin đầu tiên của trẻ sơ sinh, bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn và cung cấp cho trẻ tất cả các dưỡng chất cần thiết để trẻ tồn tại và phát triển (Tiến sĩ Tedros Adhanom-Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới -WHO). Nhưng tiếc thay theo WHO chỉ có 35% trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi trên thế giới được cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và chỉ có 23 quốc gia có tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu của trẻ đạt trên 60% (Việt nam là 19,5%).

WHO cũng vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, nếu tỷ lệ trẻ trên toàn thế giới được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời tăng từ 40% lên 50% trong 10 năm tới, 520.000 trẻ sẽ được cứu sống và thế giới sẽ tiết kiệm được 300 tỷ USD.

Thực hiện việc nuôi con bằng sữa mẹ: bú sớm, bú hoàn toàn,… là rất cần thiết vì mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho trẻ

Cho trẻ bú sớm

-         Cho trẻ da kề da với mẹ ngay sau khi sinh. Việc này sẽ giúp giữ ấm cho trẻ và giúp trẻ dễ thở, giúp trẻ có thể ngậm bắt vú dễ dàng và giúp mẹ con thấy gần gũi với nhau hơn.

-         Cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh. Bú sớm giúp trẻ tập bú mẹ khi vú mẹ còn mềm và giúp co hồi tử cung mẹ, giúp mẹ giảm mất máu.

-         Cho trẻ bú sữa non. Sữa non là loại sữa có màu vàng và đặc rất rốt cho sức khỏe của trẻ. Sữa non giúp trẻ phòng ngừa nhiều bệnh và đào thải phân su để trẻ bớt bị vàng da sau sinh.

Nhiều năm nay các bệnh viện sản đã tạo điều kiện cho con được gần với mẹ ngay sau khi sinh trong những ca đẻ thường, tuy nhiên với những ca sinh mổ, thường phải sau vài tiếng đồng hồ khi mẹ tỉnh lại sau gây mê mới có thể gần và chăm sóc con nên chưa tận dụng được nguồn sữa non cho con bú ngay, vì vậy việc hạn chế tỷ lệ sinh mổ là điều rất cần lưu ý đối với các sản phụ và các y bác sỹ chuyên khoa sản.

-         Cho trẻ bú thường xuyên sẽ giúp mẹ nhanh “xuống sữa” và sản xuất nhiều sữa hơn.

-         Không nên cho trẻ uống nước hoặc các dung dịch khác trong những ngày đầu sau sinh. Việc làm này không cần thiết và gây các vấn đề không tốt cho sức khỏe trẻ sơ sinh (không đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm gây nhiễm khuẩn...).

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

-         Sữa mẹ cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống mà trẻ cần trong 6 tháng đầu đời.

-         Không cho trẻ ăn/uống gì khác, kể cả nước trắng trong 6 tháng đầu.

-         Ngay cả khi trời nóng, sữa mẹ cũng đủ để giải khát cho trẻ.

-         Việc cho trẻ ăn/uống ngoài sữa mẹ sẽ làm giảm việc bú mẹ của trẻ và do đó sẽ làm mẹ giảm tiết sữa.

-         Nước trắng và các loại dung dịch/ thức ăn khác có thể làm trẻ bị bệnh.

Tuy nhiên, bà mẹ vẫn có thể cho con uống thuốc nếu được cán bộ y tế chỉ định.

Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu cả ngày lẫn đêm để tăng cường khả năng tạo sữa của mẹ

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nhưng với điều kiện mẹ phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ gây khó khăn trong việc chăm sóc con và cho con bú. Mẹ thiếu dinh dưỡng có thể hạn chế khối lượng và chất lượng sữa, giảm nguồn cung cấp thức ăn lý tưởng nhất cho trẻ, là nguyên nhân suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong cho trẻ. Vì vậy lưu ý mẹ không nên ăn uống kiêng khem mà cần ăn đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ đạm, béo, chất bột, vitamin và khoáng chất.

Thời khắc chuyển giao giữa NCBSM và ăn bổ sung thế nào cho hợp lý, nguyên tắc ăn bổ sung, bữa ăn bổ sung của trẻ,…

Khi trẻ tròn 6 tháng là lúc cần được ăn thêm các thực phẩm ngoài sữa mẹ gọi là chế độ ăn bổ sung: vì chúng bổ sung cho sữa mẹ, chứ không hoàn toàn thay thế được sữa mẹ để cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Thức ăn bổ sung phải là các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và đủ về mặt số lượng để trẻ có thể tiếp tục phát triển.

Từ 6 tháng tuổi nhu cầu phát triển thể chất của trẻ tăng nhiều vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng tăng lên và sữa mẹ không thể đáp ứng nhu cầu này. Do đó, cần cho trẻ ăn bổ sung ngoài sữa mẹ.

Từ 6-12 tháng tuổi, cần tiếp tục cho trẻ bú bên cạnh ăn bổ sung vì sữa mẹ tiếp tục cung cấp hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng của trẻ và từ 12-24 tháng, sữa mẹ cung cấp ít nhất một phần ba nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Ngoài ra, sữa mẹ còn tiếp tục cung cấp các yếu tố kháng khuẩn bảo vệ trẻ khỏi mắc nhiều loại bệnh, mang lại sự gần gũi và gắn bó giúp trẻ phát triển tâm lý.

Để ăn bổ sung đúng cách cần tuân thủ các nguyên tắc quan trọng sau:

- Mỗi nhóm thức ăn có thể cung cấp các chất dinh dưỡng khác nhau. Do vậy, cần đa dạng các thực phẩm. Bữa ăn cần đảm bảo cho trẻ được ăn đủ 4 nhóm thực phẩm gồm đạm, béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.

-          Cho trẻ ăn từ lỏng tới đặc (thời gian tập cho ăn bột loãng chỉ từ 2-3 ngày, sau đó cho ăn đặc), từ ít tới nhiều, tập cho trẻ ăn quen dần với thức ăn mới.

-          Tăng thêm năng lượng của thức ăn bổ sung bằng cách cho thêm dầu, mỡ hoặc vừng, lạc (mè, đậu phộng) làm cho bát bột vừa thơm, vừa béo, mềm, trẻ dễ nuốt, lại cung cấp thêm năng lượng giúp trẻ mau lớn.

-          Đảm bảo vệ sinh ăn uống, chế biến thực phẩm cho trẻ để tránh gây rối loạn tiêu hóa. Rửa sạch tay trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.

-          Không cho trẻ ăn bánh, kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì chất ngọt làm tăng đường huyết, gây ức chế tiết dịch vị, làm trẻ chán ăn, trẻ sẽ bỏ bữa hoặc ăn ít đi trong bữa ăn.

-          Khi cho trẻ ăn cần kiên nhẫn, luôn khuyến khích động viên để trẻ ăn tốt hơn.

Số lượng bữa ăn bổ sung trong ngày:

-          6-8 tháng: Bú mẹ là chính, tập cho trẻ ăn từ bột loãng trong vòng vài ngày sau đó tăng dần lên 2 bữa bột mỗi ngày và nấu đặc dần.

-          9-11 tháng: Vẫn bú mẹ là chính + 2-3 bữa bột đặc mỗi ngày + quả nghiền.

-          trẻ 1-2 tuổi: Ngoài sữa mẹ, ăn thêm 3-4 bữa/ngày, có thể nấu theo kiểu cháo, súp, cơm xay hỗn hợp.

MỘT SỐ SAI LẦM HAY GẶP KHI CHO TRẺ ĂN BỔ SUNG

-               không cho trẻ ăn cái mà chỉ ăn nước hầm: Lưu ý các loại đạm đều nằm ở phần cái của thịt, cá tôm, trứng, hầu như không ra nước hầm.

-               Ít sử dụng dầu mỡ trong bữa ăn của trẻ: đây là nguồn cung cấp năng lượng chính trong bữa ăn và giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo như A, D, E, K

-               Không cho trẻ ăn các loại rau củ hoặc ăn quá nhiều rau củ: chỉ lấy nước luộc rau để quấy bột cho trẻ làm trẻ thiếu vitamin chất xơ hoặc cho ăn quá nhiều rau củ gây quá thừa chất xơ nhưng năng lượng khẩu phần thấp vì rau củ cung cấp rất ít năng lượng.

MẪU THỰC ĐƠN CHO TRẺ THEO THÁNG TUỔI

Mẫu thực đơn cho trẻ 6 - 8 tháng tuổi:

         Bú mẹ: 600ml/ngày (nếu không có sữa mẹ thì dùng sữa công thức theo lứa tuổi của trẻ), ăn 1-2 bữa bột/ ngày (sau 6 tháng cần duy trì ngày 2 bữa bột).

Lượng thực phẩm trong 1 ngày:

-      Bột gạo tẻ: 20-30gr

-      Thịt, cá, tôm, trứng: 20-30gr/ngày (nên đa dạng các loại)

-      Dầu mỡ cho khi nấu: 6-10ml (không tính dầu mỡ có sẵn trong thực phẩm)

-      Rau xanh: 20gr (nên đa dạng các loại)

-      Sữa: 600-700 ml (sữa mẹ, chỉ dùng sữa công thức khi không đủ sữa mẹ)

-      Quả chín: 50-100gr

6h:

Bú mẹ hoặc sữa công thức 150ml

8 h:

Bột thịt rau: 150-200ml

Bột gạo tẻ: 10-15g (2-3 thìa cà phê)

Thịt nạc thăn: 15-20g: (1,5- 2 thìa cà phê)

Dầu (mỡ): 3-5ml (2/3-1 thìa cà phê)

Rau xanh: 5-10g (1-2 thìa cà phê) (rau ngót, rai cải..)

10h:

Nước quả: 50ml ví dụ nước cam ép:

Cam 100gr: ½ quả

Đường: 5gr (nếu cần)

11h:

Bú mẹ hoặc sữa công thức 150ml

14h:

Bột trứng gà: 150-200ml

Bột gạo tẻ: 10-15g (2-3 thìa cà phê)

Trứng gà ta: 1/2 quả

Dầu (mỡ): 3-5ml (2/3-1 thìa cà phê)

Rau xanh: 5-10g (1-2 thìa cà phê) (rau ngót, rai cải..)

16h:

Nước quả: 50ml ví dụ chuối (đu đủ, xoài...) sữa chua xay:

Chuối tiêu: ½ quả

Sữa chua: 100ml

18h:

Bú mẹ hoặc sữa công thức 150ml

21h:

Bú mẹ hoặc sữa công thức 150ml

Mẫu thực đơn cho trẻ 9 - 11 tháng tuổi:

         Bú mẹ: 500-600ml/ngày, ăn 2-3 bữa bột/ ngày.

         Lượng thực phẩm trong 1 ngày:

-       Gạo tẻ:  40-60 g

-       Thịt ( cá, tôm) : 50g, trứng 1 tuần 3 – 4 quả

-       Dầu mỡ cho thêm khi nấu: 10-15g (không tính  dầu mỡ có sẵn trong thực phẩm)

-       Rau xanh : 40 – 50g   Quả chín : 100 – 120g

 

Thực đơn tham khảo

6h:

Bú mẹ hoặc sữa công thức 150ml

8 h:

Bột thịt rau: 150-200ml

Bột gạo tẻ: 15-20g (4 thìa cà phê)

Thịt nạc thăn: 15-20g: (2 thìa cà phê)

Dầu (mỡ): 5ml (1 thìa cà phê)

Rau xanh: 20g (4 thìa cà phê) (rau ngót, rai cải..)

10h:

Nước quả: 50ml ví dụ nước cam ép:

Cam 100gr: ½ quả

Đường: 5gr (nếu cần)

11h:

Bú mẹ hoặc sữa công thức 150ml

14h:

Bột cá rau cải xanh: 150ml

Bột gạo tẻ: 20g (4 thìa cà phê)

Cá quả: 15-20gr

Dầu (mỡ): 5ml (1 thìa cà phê)

Rau cải xanh: 20g (4 thìa cà phê) (rau ngót, rai cải..)

16h:

Nước quả: 50ml ví dụ đu đủ (chuối, xoài...) sữa chua xay:

Đu đủ: 50gr

Sữa chua: 100ml

18h:

Bú mẹ hoặc sữa công thức 150ml hoặc 1 bữa bột/cháo nếu trẻ ăn kém và chậm cân.

21h:

Bú mẹ hoặc sữa công thức 150ml

 
Ts. Bs. Phan Bích Nga - Viện Dinh dưỡng