Tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới

Cập nhật: 1/27/2018 - Lượt xem: 10451
Để thực hiện được các chỉ tiêu về dinh dưỡng đến năm 2025 và đến năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ngày 21/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 46/CT - TTg về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.

Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể, bữa ăn của người dân được bảo đảm hơn về số lượng và chất lượng. Việt Nam đã thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở trẻ em sớm hơn dự định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao, chiếm tới 24,6%; tỷ lệ thừa cân - béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện; chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, ăn mặn, ăn ít rau và trái cây, thiếu vận động thể lực làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm. Tầm vóc của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều nước trong khu vực. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh, cho người lao động, người bệnh và người cao tuổi chưa được quan tâm đầy đủ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam lần thứ 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 Dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam lần thứ 2.

Kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 còn nhiều hạn chế, mới tập trung chủ yếu vào phòng, chống suy dinh dưỡng, nhiều chỉ tiêu quan trọng khác chưa đạt.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người dân của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền và đa số nhân dân còn chưa đầy đủ; nhiều bộ, ngành và địa phương chưa thật sự quan tâm đầu tư cho công tác dinh dưỡng; công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện các mục tiêu về dinh dưỡng chưa đạt hiệu quả cao.

Để thực hiện được các chỉ tiêu về dinh dưỡng của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Bộ Y tế cần chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ như sau:

a) Chủ trì triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về dinh dưỡng theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó tập trung xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù, sử dụng nguồn thực phẩm tại địa phương và phù hợp với khẩu vị theo vùng, miền; tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì, dinh dưỡng để dự phòng và điều trị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, các bệnh không lây nhiễm khác và dinh dưỡng cho người cao tuổi;

b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về dinh dưỡng trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành;

c) Chủ trì, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 226/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng cho giai đoạn tiếp theo và các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan nhằm giải quyết được các vấn đề dinh dưỡng trong tình hình mới và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết;

d) Chủ trì, tổ chức thực hiện các cam kết của Việt Nam theo Tuyên bố chung của Lãnh đạo các quốc gia ASEAN ngày 13/11/2017 về chấm dứt các thể suy dinh dưỡng;

đ) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về dinh dưỡng và vận động thể lực phù hợp với từng lứa tuổi, nhóm đối tượng;

e) Tăng cường công tác phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả các hoạt động dinh dưỡng ở từng địa phương. Chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tập trung đẩy mạnh chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học và dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình nhằm sớm chấm dứt các thể suy dinh dưỡng, tăng cường phòng chống các rối loạn chuyển hóa, các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng.

Thủ tướng cũng giao trách nhiệm cho địa phương và các bộ ngành liên quan như Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới. Đồng thời các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh/thành, các cơ quan, đơn vị và tổ chức có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị này.

Định kỳ hàng năm, Bộ Y tế chủ trì tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: BS. Tiến Thành - suckhoedoisong.vn