Thực hiện dinh dưỡng hợp lý vì một Việt Nam khỏe mạnh, phát triển toàn diện (Hưởng ứng Tuần lễ DD và PT năm 2022))

Cập nhật: 10/31/2022 - Lượt xem: 7140

[VOV2] - Theo Tổ chức y tế thế giới, 70% bệnh tật hiện nay đều liên quan đến việc thiếu và mất cân đối chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.

 

Xã hội hiện đại, kinh tế ngày càng phát triển, nhưng tình trạng mấy cân bằng dinh dưỡng ngay từ những bữa ăn hàng ngày đang có xu hướng tăng.

Chưa kịp ngồi vào bàn ăn, 2 đứa trẻ con nhà anh Lý Văn Sáng, thị trấn Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã xuýt xoa vì cơm hôm nay có tận 2 món thịt: thịt luộc và thịt nướng. Lý Thanh Bình, cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn của anh Sáng dĩ nhiên chỉ coi thịt là món khoái khẩu, còn rau thì bị cu cậu loại ra khỏi tầm ngắm.

Như bao gia đình, chị Nguyễn Thị Ánh – vợ anh Sáng luôn là người chăm lo bữa ăn cho cả nhà. Chị có thói quen đi chợ vào lúc sáng sớm để chọn thực phẩm tươi mới nhất cho cả ngày và chiều lòng cả nhà, thực đơn bao giờ cũng là thịt. Chị Ánh kể: "Trong mâm cơm, bao giờ thịt cũng ăn hết trước cá. Đứa con thứ 2 cứ chỉ ăn vã thịt, hôm nào ít thức ăn mới ăn rau".

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: thịt chiếm 40% trong tổng chi tiêu của các gia đình cho thực phẩm. Và nhóm đối tượng “trung thành” với nhóm thực phẩm này là trẻ em.

PGS.TS. BS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng cho biết: khẩu phần ăn của người Việt đã có sự thay đổi đáng kể so với 10 năm trước đây. Cụ thể, tổng năng lượng khẩu phần trung bình của người Việt đã đáp ứng đủ so với khuyến nghị và cơ cấu năng lượng giữa các chất như protid, gluxit, lipid, vitamin, muối khoáng ở trong khẩu phần gần đáp ứng được so với nhu cầu khuyến nghị dinh dưỡng của người Việt Nam.

Thực hiện dinh dưỡng hợp lý vì một Việt Nam khỏe mạnh, phát triển toàn diện

Tuy nhiên, phân tích số liệu theo khu vực từng vùng miền thì có một sự chênh lệch đáng kể. Nếu như ở các khu vực khó khăn, khẩu phần ăn chưa đáp ứng đủ về năng lượng thì thiếu tính cân đối giữa các chất sinh năng lượng là tình trạng ở các khu vực thành thị hiện nay.

Sự mất cân đối này tất nhiên sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. PGS.TS. BS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng nhấn mạnh, "việc mất cân đối và thiếu tính hợp lý, thiếu tính đa dạng cũng như không đảm bảo sự lành mạnh trong bữa ăn và khẩu phần ăn của chúng ta có thể làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng".

Vì thế, hưởng ứng Ngày Lương thực thế giới do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) phát động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể người dân về dinh dưỡng hợp lý, Bộ Y tế đưa ra thông điệp truyền thông cụ thể như sau:

1. Sử dụng đa dạng, phối hợp các loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm theo mùa sẵn có tại địa phương;

2. Tăng cường tiêu thụ các loại rau, củ, trái cây; các thực phẩm giàu chất xơ, giàu vi chất dinh dưỡng;

3. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường ngọt, muối, chất béo; tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi để góp phần phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm;

4. Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tối ưu trong 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện cả tầm vóc và trí tuệ;

5. Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm; đọc kỹ nhãn mác và các thông tin dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm trước khi mua và sử dụng.

Mọi người đều có quyền bình đẳng để có được bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh!