Năm 2010, Hiệp hội châu Âu đã phát động xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ của FP7 (Seventh Framework Programme) nhằm góp phần vào các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Một trong những phát động đó là dự án mang ký hiệu KBBE.2011.2.2-04: “Thay đổi kỹ thuật can thiệp về vi chất dinh dưỡng, tập trung chủ yếu vào vùng Nam và Đông Nam châu Á”.
Viện nghiên cứu vì sự phát triển (IRD) Pháp cùng với khoa Dinh dưỡng người, Trường Đại học tổng hợp Copenhagen, Đan Mạch đã thành lập một nhóm nghiên cứu gồm 5 cơ sở nghiên cứu từ châu Âu (Cộng hòa Pháp, Đan Mạch, Vương Quốc Anh, và 1 Trường Đại học thuộc Hà Lan) và 6 Viện nghiên cứu, Trường, cơ quan của chính phủ thuộc 5 quốc gia khu vực Đông Nam châu Á bao gồm Việt Nam (1), Lào(1), Thái Lan (1), Indonesia (1) và Campuchia (2). Nhóm nghiên cứu này đã xây dựng đề cương có tên là “Sustainable Micronutrient Interventions to controL deficiencies and Improve Nutritional status and General health in South East Asia” viết tắt là SMILING: "Các can thiệp bền vững phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người dân châu Á". Dự án này đã được Ủy ban châu Âu (EC) phê duyệt và tài trợ từ 01/02/2012. Thời gian thực hiện dự án: 24 tháng tính từ quý 1/2012. Viện Nghiên cứu và phát triển (IRD, Pháp) là đơn vị điều phối dự án.
Mục tiêu chung của dự án: sau 2 năm thực hiện dự án (2012-2014), mỗi nước Đông Nam Á nêu trên (trong đó có Việt nam) sẽ đưa ra được một danh sách các chiến lược ưu tiên về phòng chống thiếu vi chất ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ có tính khả thi, có ý nghĩa thực tiễn, bền vững được lồng ghép với các can thiệp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của nhân dân và mang tính đặc thù của mỗi nước. Mỗi chiến lược sẽ chỉ ra mức độ ủng hộ của các nhà lãnh đạo, các biện pháp về nhân lực, hành chính và tài chính được đầu tư cũng như các kết quả mong đợi. Các kết quả này sẽ được thông báo đến các nhà làm chính sách không chỉ nhằm cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng của phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ mà còn đối với sức khỏe của người dân nói chung, mang lại lợi ích ngắn hạn và dài hạn, sự phát triển về xã hội, ngôn ngữ, nhận thức và vận động cũng như các chi phí hiệu quả. Bên cạnh mục tiêu này, dự án là cơ sở để xây dựng bản hướng dẫn những can thiệp hiệu quả dựa trên bằng chứng và phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia.
Mục tiêu cụ thể của dự án:
- Xem xét những kiến thức mới nhất về nhu cầu vi chất dinh dưỡng của phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ và trẻ nhỏ, các nghiên cứu, các can thiệp thí điểm và diện rộng được tiến hành ở qui mô quốc tế, địa phương của 5 quốc gia Đông nam Á để phòng chống thiếu dinh dưỡng ở những nhóm đối tượng nguy cơ cao.
- Xác định tình trạng dinh dưỡng và chính sách can thiệp ở mỗi quốc gia.
- Thống kê các can thiệp hiện đang được tiến hành ở 5 quốc gia Nam Đông Nam Á đã được chọn, xác định những yếu tố thuận lợi và thách thức, các mặt hạn chế và những thiếu hụt ảnh hưởng đến sự thất bại hay thành công của mục tiêu.
- Áp dụng những kiến thức và kỹ thuật mới để hỗ trợ thực hiện các can thiệp dựa trên thực phẩm sẵn có ở địa phương đặc biệt là ở những vùng nghèo nhất.
- Xây dựng chiến lược khả thi nhất, thích hợp và dễ vận hành nhất (xếp loại dựa trên cách tiếp cận từ việc bổ sung vi chất dinh dưỡng đến các giải pháp dựa vào thực phẩm và những biện pháp phi dinh dưỡng) cũng như sự lồng ghép, phạm vi thời gian cho việc triển khai chiến lược và những hỗ trợ cần thiết về tài chính, con người , chính trị để thực hiện có hiệu quả.
- Tìm hiểu nhận thức cũng như quan điểm của các nhà lãnh đạo trong và ngoài ngành dinh dưỡng đối với các chiến lược đã chọn bằng cách sử dụng phương pháp khoanh vùng đa tiêu chí để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp.
- Tham khảo ý kiến và phổ biến rộng rãi kết quả đầu ra nhằm đạt được cam kết chính trị ở mức độ cao nhất với sự tham gia của các tổ chức trong lĩnh vực nhà nước, tư nhân, cộng đồng, gia đình, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế.
- Xây dựng một chương trình nghị sự với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và nhà tài trợ để trình bày những mô hình chiến lược can thiệp ưu tiên về dinh dưỡng ở 5 quốc gia thành viên cũng như yêu cầu về tài chính và nguồn lực ở khu vực và quốc tế.
Nội dung, nhiệm vụ của dự án bao gồm các hợp phần chính sau:
- Thống kê số liệu về thực trạng dinh dưỡng và các can thiệp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng hiện có
- Cập nhật cơ sở dữ liệu về bảng thành phần thực phẩm của mỗi quốc gia đó là về các vi chất dinh dưỡng
- Sử dụng giải pháp mới đó là xây dựng một mô hình lồng ghép các công cụ dựa vào toán học hỗ trợ chính sách dinh dưỡng và các hoạt động của chương trình can thiệp và xây dựng hướng dẫn chế độ ăn dựa vào thực phẩm.
- Dành ưu tiên cho các chiến lược phù hợp nhất: Đánh giá tất cả các can thiệp khả thi đã được dùng để cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng của phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ em ở 5 nước Đông Nam Á, xây dựng một danh sách các can thiệp ưu tiên, cấp bách nhất ở mỗi nước mang tính đặc thù và lựa chọn các can thiệp có hiệu quả và phổ biến nhất đối với tất cả các nước và khả thi ở cấp vùng và cấp quốc tế. Danh mục các can thiệp này sẽ được thảo luận tại hội thảo giữa kỳ dự án.
- Lựa chọn các chiến lược tốt nhất, phân tích quan điểm/ý kiến của các bên liên quan
- Lồng ghép các can thiệp ưu tiên vào Chính sách quốc gia
Trong kế hoạch của dự án, bên cạnh nhiệm vụ hoàn thành các hợp phần chính của dự án, Viện Dinh dưỡng Việt Nam đã được phân công hỗ trợ trường Đại học WAGENINGEN, Hà Lan tổ chức lớp tập huấn: ”Thống nhất biên soạn cơ sở dữ liệu về bảng thành phần thức ăn của 5 nước Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia và Việt Nam)” tại Hà Nội từ 16-27/4/2012.