Chúng ta vừa mất một làng rau gia vị có từ mấy trăm năm, là
di sản quý của cha ông để lại. Ngọn rau húng Láng đã lặn vào các móng nhà cao tầng.
Những tía tô, kinh giới, rau mùi đã lạc loài sang nhiều miền quê khác nên có phôi
pha hương vị mất phần nào. Lắm lúc ta ngơ ngẩn nhớ như nhớ một hơi thu phảng phất
trong hoài mộng. May thay, chúng ta Hà Nội vẫn đang còn một loài cây gia vị khá
quý giá, cây cao vượt ba tầng nhà chứ không là là mặt ruộng. Thực chất nó là cây
bóng mát nhưng tài hoa khéo léo của người Hà Nội, thành nỗi bâng khuâng của nhiều
người khi mùa sang chuyển tiếp. Đó là cây sấu xum xuê tròn tán, lá xanh biếc chỉ
rụng khi lá non lá mọc ra cùng những cành hoa li ti trắng muốt và thơm nhẹ như
không.
Khi những tiếng ve đầu tiên như dàn nhạc vĩ cầm cất lên nỉ
non trong màu diệp lục tràn xanh thành phố, là lúc mùa hè bắt đầu, người đã phần
nào uể oải mỗi chiều hôm, chỉ muốn uống hơn muốn ăn, bát nước rau muống luộc
xanh như nước hồ Hoàn Kiếm, nếu có giọt chanh tươi, nó chuyển sang hồng như ráng
chiều lơ đãng, đi làm về, mở chiếc lồng bàn, bắt gặp bát canh như một phần thưởng
đầy thích thú: Món canh sấu đầu mùa.
Những quả sấu non như nốt nhạc xanh trên đầu cành đã vào mâm
cơm, nó nằm chìm sâu trong đáy bát (tưởng nhớ con thuyền chàng Trương Chi chìm
sâu trong lòng sông vì ngơ ngẩn si tình). Một chút thịt nạc cho mùi canh hương
vị , mấy cọng hành hoa thái nhỏ như hạt cốm lưu ly nổi chìm ẩn hiện, không thể
cầm lòng, thế nào cũng phải múc ngay một thìa mà húp nếm..
Vị ngọt thanh, mùi thơm hương quả, chát chua, dìu dịu đầy
mê hoặc, màu nước canh trong mờ như ảo hoá, nó hình như long lanh ngay trong
con mắt người, nó hấp dẫn vì chất bình dân nhưng quý giá đặc biệt, nó là Hà Nội
sành ăn và khéo léo. Món canh sấu đầu mùa ấy đã quen thuộc từ rất lâu với mọi
người Hà Nội như ngọn rau muống luộc xanh rờn, như miếng đậu phụ làng Mơ vàng rộm,
như cọng dưa cải củ hăng hăng như có chút nước sặc vào mũi cay cay.
Canh sấu không cần chan vào bát cơm. Cứ gắp đậu gắp dưa mà
ăn khô, qua vài miếng mới húp một thìa canh chua chua dìu dịu để thẩm thấu hương
vị mùa hè đã đến mà xua đi cái uể oải nấu nung làm ẩm lưng áo chiều về...
Phố Trần Hưng Đạo, phố Trần Phú, đường Ngô Quyền...có những
hàng cây sấu đã cổ thụ, là tấm áo xanh cho chàng Tư Mã Hà Nội ( thoát ý từ câu
thơ trong bài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị “Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh”. Hình
như không có thành phố nào có những hàng cây sấu đẹp như Hà Nội, mà quả sấu
xanh (và cả sấu chín nữa) là món quà đặc biệt của đất trời tặng con người, và hình
như cũng ít nơi nào lại có những bà nội trợ biến thứ rẻ tiền nhất này (đi xin cũng
được một vốc quả xanh) thành món thanh quý cao lương, hấp dẫn cái lưỡi tinh sành
như Hà Nội. Gọi món này là đặc sản cũng không có gì quá đáng.