Chế độ ăn phục hồi cho trẻ bị suy dinh dưỡng

Cập nhật: 9/30/2024 - Lượt xem: 93

Phần lớn các bậc phụ huynh có con bị suy dinh dưỡng đều muốn cần liều “thần dược” để điều trị nhanh chóng. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng là do trẻ đã có một chế độ dinh dưỡng không đủ cả về chất lượng và số lượng trong thời gian dài. Vì vậy, để khắc phục và điều trị “tận gốc” nhằm phục hồi cho trẻ suy dinh dưỡng, thì bên cạnh việc điều trị bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ, các bậc phụ huynh phải thực hiện để trẻ có chế độ ăn uống hợp lý. 

Dinh dưỡng giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe cũng như sự phát triển nền tảng về thể chất và trí tuệ. Việc thực hiện chế độ ăn uống cung cấp đủ năng lượng, đủ các chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng theo nhu cầu cơ thể sẽ giúp trẻ nhanh chóng cải thiện được tình trạng dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe. 

Phương pháp điều trị đối với trẻ bị suy dinh dưỡng phụ thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng. Để trẻ suy dinh dưỡng cải thiện sớm tình trạng, bắt kịp đà tăng trưởng, trong quá trình chăm sóc trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý:

- Cải thiện chế độ ăn uống: Việc cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng là rất quan trọng để điều trị suy dinh dưỡng. Bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu protein, chất béo, vitamin và khoáng chất là cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến việc giảm bớt các loại thực phẩm không cần thiết hoặc chứa ít dinh dưỡng như đồ chiên, đồ ngọt, nước ngọt và các loại thực phẩm chế biến sẵn.

- Cung cấp bổ sung dinh dưỡng: Trong những trường hợp nghiêm trọng, trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng bằng các sản phẩm dinh dưỡng được bác sĩ chỉ định như sữa đặc, bột dinh dưỡng và các loại thực phẩm bổ sung đặc biệt.

- Điều trị bệnh lý liên quan: Nếu suy dinh dưỡng là do bệnh lý liên quan, điều trị bệnh lý là cần thiết để điều trị suy dinh dưỡng. Ví dụ, nếu suy dinh dưỡng do tiêu chảy, điều trị tiêu chảy là cần thiết.

- Tăng cường hấp thụ dinh dưỡng bằng thuốc: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc tăng cường hấp thu dinh dưỡng để trẻ có thể ăn uống tốt hơn.

- Theo dõi sát sao và định kỳ khám bệnh: Theo dõi sát sao sự tăng trưởng và phát triển của trẻ là rất quan trọng để kiểm soát suy dinh dưỡng và các biến chứng liên quan.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho phù hợp với trẻ:

Trẻ suy dinh dưỡng thường kém ăn, hay bị rối loạn tiêu hoá hoặc mắc bệnh. Vì vậy phải cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để đảm bảo số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ, đồng thời cung cấp năng lượng nhiều hơn so với trẻ bình thường.

Cụ thể, đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần tăng cường cho trẻ bú mẹ, trẻ lười bú nên vắt sữa mẹ đổ thìa, nếu không đủ sữa mẹ cho ăn sữa công thức cao năng lượng theo sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng (1ml sữa cung cấp 1 kcalo).

- Đối với trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi, ngoài bú mẹ cần ăn thêm 2 - 3 bữa ăn dặm, nếu không đủ sữa mẹ cho ăn sữa công thức cao năng lượng. Mỗi ngày trẻ nên uống 400 - 500ml sữa nếu không có sữa mẹ thì dùng sữa cao năng lượng.

- Đối với trẻ từ 1 - 2 tuổi, ngoài bú mẹ cần ăn thêm 4 bữa/ngày, mỗi ngày uống 400 - 500ml sữa nếu không có sữa mẹ dùng sữa cao năng lượng.

- Đối với trẻ từ 3 - 5 tuổi cần ăn 5 - 6 bữa/ngày và 500ml sữa.

Về chế độ ăn, ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho trẻ ăn thêm hoa quả chín vào các bữa phụ xen kẽ các bữa chính.
 Ngoài ra, một số trẻ có chế độ ăn thiếu năng lượng do bị ăn kiêng. Vì vậy, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nên cho dầu mỡ quấy vào bột cháo hoặc cho dầu mỡ vào nước canh, rau xào nấu để tăng đậm độ năng lượng trong bữa ăn của trẻ. Ngoài ra, có thể dùng phương pháp hóa lỏng thức ăn bằng enzyme trong các hạt nảy mầm (giá đỗ, mạch nha) để tăng đậm độ năng lượng trong bữa ăn, giảm số lượng ăn trong 1 bữa.

Với trẻ trên 6 tháng nên cho ăn thêm sữa chua với lượng vừa phải (từ 1/2 đến 1 hộp) mỗi ngày sau bữa ăn chính đều đặn. Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.

Trẻ suy dinh dưỡng hệ thống miễn dịch bị suy giảm, đáp ứng miễn dịch kém nên sức đề kháng, khả năng chống đỡ với vi khuẩn, vi rút thấp nên dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn hô hấp (viêm tai giữa, viêm họng, viêm phổi,…),…Ngoài ra, trẻ còn bị thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A, vitamin C, sắt, kẽm… làm giảm chức năng bảo vệ nên dễ bị tổn thương da và niêm mạc. Việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất, cả các chất đa lượng (như chất đạm, chất béo, chất bột đường…) và các vi chất dinh dưỡng (vitamin A, vitamin C, vitamin B1…, canxi, sắt, kẽm…) giúp cho trẻ bị suy dinh dưỡng bắt kịp đà tăng trưởng. Từ đó, cải thiện chiều cao và cân nặng cho trẻ. Cần bổ sung các vitamin và khoáng chất như:

- Canxi: giúp xương răng của trẻ chắc khỏe, tăng trưởng về chiều cao, hạn chế thấp còi, còi xương, xương yếu. Một số thực phẩm giàu canxi: các loại sữa, phô mai, các sản phẩm từ sữa, rau có màu xanh đậm, sản phẩm từ đậu tương, cá,… 

- Kẽm: tăng cường khả năng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, tăng cảm giác ăn ngon miệng, đồng thời kích thích trẻ ăn ngon. Kẽm cũng hỗ trợ trẻ tăng trưởng nhanh về chiều cao, ngăn ngừa rối loạn phát triển. Một số thực phẩm giàu kẽm: thịt bò, sò, ngũ cốc nguyên hạt, hải sản,….

- Vitamin D: giúp cơ thể tăng cường hấp thu canxi làm cho xương chắc khỏe và tăng trưởng tốt hơn. Bên cạnh việc cho trẻ vận động ngoài, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì các bậc phụ huynh nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D như dầu gan cá, các loại cá, nhất là ở các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá trích,…), lòng đỏ trứng gà. 

- Vitamin A: có vai trò tạo sắc tố võng mạc, tăng cường thị lực và giúp cơ thể chống oxy hóa tốt hơn. Các thực phẩm giàu vitamin A: dầu gan cá, cà chua, cà rốt, bí đỏ, ớt chuông, đu đủ, khoai lang,… 

- Sắt: bổ sung sắt để cơ thể trẻ có đủ lượng máu nuôi cơ thể, tránh xảy ra tình trạng thiếu máu. Một số thực phẩm giàu sắt: gan động vật, thịt đỏ, hải sản, thịt gà, rau xanh, trứng, các loại đậu, hạt, ngũ cốc nguyên hạt,…  

ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm GDTTDD - Viện Dinh dưỡng