Ngày Tết, gia đình nào cũng chuẩn bị rất nhiều đồ ăn thức uống giàu năng lượng như bánh kẹo, nước ngọt, bánh chưng, bánh tét, đồ ăn chiên rán, đồ chế biến sẵn, cùng với việc di chuyển nhiều, giờ giấc sinh hoạt đảo lộn làm cho các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng vì con trẻ có thể ăn quá nhiều hoặc chưa đủ lượng thức ăn cần thiết. Trong khi đó, hầu như trẻ nào cũng chỉ thích bánh kẹo, các loại đồ uống ngọt, hoặc có ga. Thực tế, sau mỗi dịp Tết, trẻ đến khám tại khoa Khám trẻ em - Viện Dinh dưỡng thường rơi vào tình trạng thừa cân béo phì do ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ uống có ga hoặc sụt cân, suy dinh dưỡng do ăn uống lung tung gây rối loạn tiêu hóa hay ăn ít rau quả gây táo bón Vậy làm thế nào để cân bằng dinh dưỡng cho bé trong những ngày Tết mà vẫn có đủ thời gian cho các cuộc thăm thú và giao lưu với mọi người?
Cha mẹ nên làm gì để đảm bảo bữa ăn ngày tết của trẻ đủ dinh dưỡng.
- Các bậc cha mẹ nên cố gắng giữ cho giờ giấc sinh hoạt của trẻ đều đặn, đừng quá chênh lệch so với bình thường, không để trẻ mất bữa. Nên duy trì cho trẻ ngày 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ. Nếu đến bữa ăn của trẻ mà không chuẩn bị kịp đồ ăn thì cho trẻ ăn các món ăn nhẹ thay bữa như bánh flan, uống sữa và các chế phẩm từ sữa, trái cây, các loại hạt, trái cây sấy, ngũ cốc… hoặc có thể cho trẻ ăn trước khi đi chơi, đi chúc tết.
- Cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi, dễ hấp thu và đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn, đó là: nhóm bột đường (cơm, cháo, phở, bún, miến, bánh mỳ….), nhóm chất đạm (thịt, cá trứng, sữa và các chế phẩm sữa…), nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và nhóm vitamin và khoáng chất (rau củ, trái cây…). Đặc biệt nên chú ý bổ sung đủ rau xanh trong các bữa ăn ngày Tết cho cả gia đình hoặc có thể thay thế bằng quả chín trong trường hợp không tiện chế biến.
- Đảm bảo các món ăn của trẻ phải được nấu mới, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và tăng cảm giác ngon miệng.
- Cố gắng thay đổi món ăn, đa dạng thực phẩm và cách chế biến cho trẻ.
- Tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, uống nước ngọt… . Việc sử dụng các thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, có nguy cơ tăng cân ở trẻ thừa cân béo phì, với một số trẻ khác lại làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, có thể là nguyên nhân gây nên trẻ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.
- Chú ý cho trẻ uống đủ nước, có thể là nước lọc, nước hoa quả ép, hạn chế nước ngọt và đồ uống có ga, đồ uống có tính kích thích như trà, café và không dùng đồ uống có cồn.
Bố mẹ cần chuẩn bị thực phẩm gì cho trẻ ngày Tết
Ngày Tết, hầu như các gia đình đều chuẩn bị rất nhiều đồ ăn chế biến sẵn như bánh chưng, bánh tét, giò chả, nem rán, đồ chế biến sẵn…. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ thì những thức ăn đó lại không phù hợp lắm, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Vậy khi nhà có trẻ nhỏ các mẹ cần chuẩn bị gì để dễ dàng chế biến thức ăn cho con khi ngày Tết bận rộn?
- Cháo là món ăn dễ thực hiện và phù hợp với nhiều lứa tuổi. Để dễ dàng chuẩn bị đồ ăn cho trẻ, cha mẹ có thể nấu sẵn cháo trắng rồi cho thêm thức ăn khi đến bữa ăn. Cháo trắng sẽ bảo quản được lâu hơn và dễ biến đổi đa dạng hơn so với cháo được nấu sẵn với thức ăn. Với trẻ ở lứa tuổi ăn dặm dưới 1 tuổi, ba mẹ chỉ cần 1 bình cháo trắng nấu đặc, một máy xay cầm tay, thêm thịt, cá, trứng, rau củ tươi, dầu mỡ sẵn có là mẹ có thể chế biến cho con được bữa ăn dặm rất cơ động ngay cả khi đưa con đi thăm thú họ hàng. Trẻ lớn thì cháo cũng là món ăn giàu dinh dưỡng, dễ chế biến và cơ động, không tốn quá nhiều thời gian.
- Bún, phở, súp cũng là món ăn dễ làm và giàu dinh dưỡng cho trẻ. Các bố mẹ có thể mua sẵn xương để làm nước dùng, dự trữ 1 chút bún phở khô để bất cứ khi nào con trẻ ngán với bánh chưng, giò chả là mẹ có thể trổ tài nội trợ cho con và gia đình được thưởng thức những bát bún phở nóng hổi và giàu dinh dưỡng, phù hợp với nhiều lứa tuổi mà không tốn quá nhiều thời gian nấu nướng.
- Sữa và chế phẩm sữa: đây là loại thực phẩm phù hợp với trẻ nhiều lứa tuổi, có thể mua để dùng khi trẻ ở nhà và mang đi chơi. Nếu đến bữa ăn mà không tiện chế biến thức ăn cho trẻ thì sữa và chế phẩm sữa như một cứu cánh rất hữu dụng. Các mẹ có thể sử dụng sữa như bữa ăn phụ hoặc có thể dùng sữa với bánh flan, ngũ cốc, các loại hạt hoặc quả sấy khô thay cho bữa chính.
- Các loại rau củ quả tươi. Rau củ tươi rất cần cho bữa ăn của trẻ, giúp trẻ tránh táo bón và bổ sung thêm các vitamin. Các loại quả chín có thể ăn hoặc ép lấy nước, mang đi cùng rất dễ dàng nếu phải di chuyển nhiều. Một số loại quả có thể dùng cùng với chế phẩm sữa như một bữa ăn thay thế rất tiện dụng như táo, chuối, xoài… hoặc có thể dùng cùng chế phẩm sữa cho bữa phụ như dâu tây, cherry…
- Các loại hạt như hạnh nhân, óc có, hạt điều. macca có sẵn trên các bàn tiếp khách cúa các gia đình cũng có thể trở thành nguyên liệu cho các bữa ăn giàu dinh dưỡng mà không cần qua chế biến cho trẻ khi kết hợp chúng với các chế phẩm sữa.
- Các loại hoa quả sấy khô như nho khô, xoài sấy, chuối, mít sấy… rất giàu năng lượng. Khi cần, có thể dùng cùng với sữa hoặc chế phẩm sữa là trẻ đã có một bữa ăn thay thế tương đối cân bằng dinh dưỡng.
- Bánh flan là loại bánh dễ ăn, giàu năng lượng có thể phù hợp với trẻ nhiều lứa tuổi và cũng rất đa dạng chủng loại cho các bé lựa chọn, dễ mang theo và dự trữ đối với bố mẹ. Có thể sử dụng cùng với sữa thay thế cho bữa ăn chính cho trẻ. Vì vậy việc dự phòng một ít bánh flan trong ngày Tết là lựa chọn đáng quan tâm của các bố mẹ có con nhỏ.
Tết là dịp để gia đình nghỉ ngơi nhưng đồng thời cũng là dịp mọi người có thể “phá vỡ” những nguyên tắc ngày thường, đặc biệt là về chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, trẻ con luôn cần đảm bảo dinh dưỡng để khỏe mạnh, phát triển và tận hưởng một mùa xuân vui tươi cùng gia đình. Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trong dịp Tết cho cả gia đình, nhất là gia đình có trẻ nhỏ luôn là một điều đau đầu với các bà nội trợ. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp cho các mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị thực phẩm cho các bé trong ngày tết một cách hiệu quả.
BS. Trịnh Thị Huyền - Viện Dinh dưỡng