Tóm tắt: Tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020 cùng với đó là gần 1/3 trẻ em tiêu thụ nước ngọt thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày. Các nhiên cứu ở trẻ em và vị thành niên đều cho thấy mối quan hệ thuận chiều giữa việc tiêu thụ các loại đồ uống có đường với việc gia tăng hàm lượng mỡ cơ thể hay tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em. Việc tiêu thụ nhiều và thường xuyên đồ uống có đường khiến cho trẻ có nguy cơ bị thừa cân, béo phì cao hơn đáng kể so với những trẻ không uống. Nhà nước cần có các hành động kịp thời, nhất là các chính sách vĩ mô nhằm hạn chế những ảnh hưởng của đồ uống có đường đối với sức khỏe, đặc biệt là các chính sách về tài chính được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường như đánh thuế đồ uống có đường.
Từ khóa: Đồ uống có đường, béo phì, sức khỏe, trẻ em.
Abstract: The rate ofchildren with overweight and obesity in Vietnam has doubled from 8.5% in 2010 to 19.0% in 2020, along with nearly one-third of children consuming sugar-sweetened beverages regularly at least once a day. The researchto children and adolescents has revealed a closed connection between high consumption of sugar-sweetened beverages and increase inmuscle fat or obesity in the children. High and regular consumption of sugar-sweetened beverages puts children at significantly higher risk of being overweight or obese than those who donot consume sugar-sweetened beverages. The Government needs to take timely actions, especially macro policies to limit the effects of sugar-sweetened beverages on health, especially the financial policies recommended by the World Health Organization (WHO) to reduce the consumption of sugar-sweetened beverages such as taxation to thesugar-sweetened beverages.
Keywords:Sugar-sweetened beverages; obesity; health; children.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Thực trạng tiêu thụ đồ uống có đường và tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ em Việt Nam
Hiện nay, ở các nước có thu nhập thấp và trung bình,tình trạng thừa cân và béo phì đang gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở các khu vực thành thị [1]. Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân và béo phì đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Theo kết quả từ Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2020, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng [2]. Đáng lưu ý, tỷ lệ này đang rất cao ở khu vực thành thị với 26,8%, tiếp đến nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9% [3]. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2014-2015, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em nội thành tại thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%[4]. Cùng với đó, theo báo cáo thường niên của cơ quan giám sát thị trường tiêu thụ đồ uống có đường (ĐUCĐ) quốc tế,(euromonitor) mức tiêu thụ ĐUCĐ nói chung ở Việt Nam cũng đã gia tăng nhanh, gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và đặc biệt đã tăng lên 50,7 lít/người vào năm 2018 [5]. Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh năm 2013 cho thấy, tỷ lệ học sinh Việt Nam từ13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên (ít nhất 1 lần/ngày) là 31,1% (ở nam học sinh là 35,1%, nữ học sinh là 27,6%)[6]. Tỷ lệ này tăng thành 33,9% chung, 37,9% nam và 30,4% nữ vào năm 2019 [7].
Việt Nam hiện nay chưa có số liệu về lượng tiêu thụ ĐUCĐ cụ thể ở trẻ em. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy tiêu thụ ĐUCĐ ở trẻ em nhiều hơn so với người trưởng thành. Ở Hoa Kỳ, năng lượng từ đường (mà gần một nửa là từ ĐUCĐ) chiếm 17% tổng năng lượng ăn vào ở trẻ em và vị thành niên [8]. Kết quả điều tra ở Hoa Kỳ năm 2013-2014 cho thấy, 60,7% trẻ em và 50,5% người lớn sử dụng ĐUCĐ; năng lượng ăn vào từ ĐUCĐ ở trẻ em là 137,6 calo và người lớn là 132,5 calo [9]. Nghiên cứu ở Úc cho thấy, nhóm trẻ em tiêu thụ nhiều ĐUCĐ hơn so với người lớn [10]. Căn nguyên gây nên bệnh béo phì rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng tiêu thụ đường tự do, đặc biệt là từ ĐUCĐ [11], [12], [13]. Việc giảm tiêu thụ ĐUCĐ đã được chứng minh là giảm tăng cân ở trẻ em, đặc biệt ở những người đã thừa cân [14], [15], [16].
2. Lý do đồ uống có đường gây tăng cân, thừa cân và béo phì
Theo WHO, ĐUCĐ là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, gồm có nước ngọt không chứa cồn (có ga hoặc không có ga), nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ (dưới dạng đồ uống, chất cô đặc dạng lỏng và bột), nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao, trà pha sẵn uống liền, cà phê pha sẵn uống liền và đồ uống sữa có pha chế hương liệu (flavoured milk drinks)[17],[18]. Trong định nghĩa này, đường tự do là các đường đơn (như glucose, fructose) và đường đôi (sucrose hoặc đường ăn) được thêm vào thực phẩm (bởi nhà sản xuất, người chế biến hoặc người tiêu dùng) và đường tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (có trong mật ong, xi-rô, nước ép hoa quả và nước hoa quả cô đặc).
Một trong những loại đường phổ biến được nhà sản xuất cho vào các loại ĐUCĐ là fructose. Đường fructose sẽ làm tăng quá trình sinh nhiệt, tăng triglyceride, kích thích tiêu thụ oxy nhiều hơn so với glucose, nhưng lại tạo ra các kích thích insulin nhỏ hơn rất nhiều so với glucose, làm cản trở quá trình chuyển hóa glucose, gây tăng tích tụ mỡ ở cơ thể và tình trạng thừa cân béo phí [19], [20], [21]. Chính vì vậy, phần lớn các nghiên cứu về vấn đề này đều tìm thấy mối liên quan thuận chiều giữa việc tiêu thụ các loại ĐUCĐ với hàm lượng mỡ cơ thể hay tình trạng béo phì [22].
Hơn nữa, do ĐUCĐ là dạng lỏng nên được cơ thể dung nạp một cách nhanh chóng khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ giống như cách cơ thể phản ứng theo cơ chế điều khiển ngược của cơ thể với lượng calo từ thức ăn dạng đặc [23], [24]. Điều này có thể khiến một người tiếp tục ăn ngay cả khi đã uống ĐUCĐ với hàm lượng calo cao. Do đó, nếu không giảm năng lượng ăn vào từ các nguồn thực phẩm khác thì lượng calo dư thừa từ ĐUCĐ này sẽ góp phần gây ra thừa cân và béo phì, bởi chúng dễ dàng chuyển hóa thành chất béo trong cơ thể và được lưu trữ trong các mô khác nhau [25],[26]. Kết quả là một người trưởng thành ăn uống bình thường nhưng lại uống thêm mỗi ngày một lon nước sodacó đường (350mlcung cấp 150 kcal và 40-50g đường) có thể gây tăng 6,75kg trọng lượng cơ thể, nếu sử dụng liên tục trong vòng 1 năm [27].
Bên cạnh đó, ĐUCĐ bất kể là được tạo ngọt bằng đường hay chất tạo ngọt nhân tạo (đường hóa học) đều kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate và làm gia tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no[28],[29]. Chính vì vậy,khi một người tiêu thụ ĐUCĐ lâu ngày, “ngưỡng ngọt” của người đó tăng dần lên, khiến cho họ có xu hướng ăn các thực phẩm khác ngọt hơn bình thường[30],[31]. Việc tăng tiêu thụ đường và ĐUCĐ dẫn đến việc tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì.
3. Mối liên hệ giữa đồ uống có đường vời thừa cân và béo phì ở trẻ em
Đường được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm trái cây và sữa vì vậy, việc bổ sung đường vào các sản phẩm thực phẩm sẽ làm tăng tổng hàm lượng năng lượng của sản phẩm. Việc tiêu thụ ĐUCĐ được cho là một yếu tố góp phần vào mức độ gia tăng tỷ lệ thừa cân, bệnh béo phì ở trẻ em đang được ghi nhận ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có mối liên hệ đáng kể giữa việc tiêu thụ ĐUCĐ và tăng cân ở trẻ em[32],[33],[34].
Một phân tích tổng hợp kết quả từ 88 nghiên cứu quốc tế cho thấy, mối liên hệ thuận chiều giữa việc sử dụng nước ngọt với việc tăng năng lượng và trọng lượng cơ thể [35]. Các nghiên cứu ở trẻ em và người lớn đã chỉ ra rằng, ở những người thừa cân, việc giảm tiêu thụ ĐUCĐ có thể giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn[36],[37]. Một phân tích tổng hợp từ 22 nghiên cứu nguy cơ béo phì ở trẻ tiêu thụ nhiều ≥1 khẩu phần ĐUCĐ (khoảng 236ml) hàng ngày thì nguy cơ có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao nhiều hơn 1,55 lần so với nhóm không uống [38]. Nghiên cứu thử nghiệm trên quy mô lớn ở nhóm thanh thiếu niên đã cho thấy việc tiêu thụ ĐUCĐ góp phần mạnh mẽ hơn vào việc tăng cân nặng [39]. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chứng minh được rằng, việc tiêu thụ nhiều ĐUCĐ có thể đẩy nhanh quá trình tiến triển của béo phì ở những người có tiền sử gia đình hoặc có các gen quy định béo phì[40].[41],[42],[43],[44],[45]. Kết quả từ nghiên cứu mang tên Lớn lên Ngày nay (Growing Up Today-GUT) theo dõi trên 10.000 trẻ cho thấy, ở trẻ em gái, việc tiêu thụ ĐUCĐ có liên quan đến việc tăng cân [46]. Nghiên cứu Các cuộc Khảo sát vềdinh dưỡng và sức khỏe I, II và III – gọi tắt là NHANES (National Health and Nutrition Examination Surveys) cho thấy, việc tiêu thụ nước ngọt đóng góp một tỷ lệ năng lượng cao hơn ở những đối tượng có cân nặng bình thường ở mỗi nhóm tuổi và giới tính [47]. Nghiên cứu theo dõi 11654 trẻ em trong 3 năm cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa tiêu thụ soda và tăng cân ở cả trẻ gái và trẻ trai. Tiêu thụ 236 ml soda hàng ngày khiến BMI trẻ trai tăng 4% trong năm tiếp theo; tiêu thụ soda nhiều hơn 472ml/ngày sẽ khiến BMI trẻ trai tăng 14% và trẻ gái tăng 10% [48].
Với nhóm tuổi dưới 5 tuổi, các nghiên cứu đã cho thấy việc tiêu thụ thường xuyênĐUCĐ có mối liên hệ chặt chẽ với thừa cân và béo phì ở lứa tuổi lớn hơn. Nghiên cứu ở gần 2000 trẻ em trong độ tuổi từ 2,5-4,5 ở Québec, Canadađã cho thấy tiêu thụ ĐUCĐ trong các bữa ăn làm tăng gấp đôi tỷ lệ thừa cân [49]. Một nghiên cứu Cohort ở hơn 9000 trẻ em trong độ tuổi từ 2-5 ở Hoa Kỳ cho thấy những trẻ tiêu thụ ≥ 236 ml ĐUCĐ hàng ngày sẽ có sự thay đổi lớn về chỉ số z BMI (Chỉ số khối cơ thể theo z-score là chỉ số chung để phân loại thừa cân, béo phì ở trẻ em) và tiềm năng trở thành thừa cân béo phì trong 2 năm tiếp theo [50]. Nghiên cứu này cũng cho thấy trẻ em 5 tuổi uống nhiều ĐUCĐ thường xuyên cũng có tỷ lệ thừa cân béo phì cao hơn 1,43 lần so với nhóm không uống.
Trẻ em ở những nhóm tuổi lớn hơn, các nghiên cứu cũng cho thấy việc tăng tiêu thụ ĐUCĐ có tỷ lệ thuận với tăng chỉ số BMI. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy, lượng tiêu thụ ĐUCĐ là yếu tố đóng góp lớn nhất vào tổng năng lượng ănvào và góp phần làm trẻ tăng cân [51]. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy trẻ em uống 355ml (khoảng 1 lon) soda mỗi ngày, tỷ lệ mắc bệnh béo phì tăng lên 60% trong suốt 1 năm rưỡi theo dõi [52]. Nghiên cứu tại Hy Lạp ở trẻ từ 7-15 tuổi cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên tiêu thụ ĐUCĐ có nguy cơ bị béo phì cao hơn 2,57 lần so với những trẻ em và thanh thiếu niên không tiêu thụ loại đồ uống này [53]. Hơn nữa việc tiêu thụ các loại ĐUCĐ có nhiều năng lượng rỗng nhưng lại không có lợi ích về dinh dưỡng này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ [54].
Có thể thấy, nhiều bằng chứng khoa học đã chỉ ra mối liên hệ thuận chiều giữa việc sử dụng ĐUCĐ và thừa cân, béo phì. Trong khi đó, thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ chính của một số bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch và một số loại ung thư [55], [56], [57]. Chính vì vậy, WHO đã đưa ra khuyến cáo với cả người lớn và trẻ em, lượng đường tự do tiêu thụ hàng ngày ở mức <10% tổng năng lượng nạp vào, và tốt nhất là <5% (khoảng 25g hoặc 6 muỗng cà phê) để có lợi hơn cho sức khỏe [58]. Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo rằng trẻ em từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 6 muỗng cà phê (25 gam) mỗi ngày tức dưới 5% tổng năng lượng nạp vào và ĐUCĐ nên được giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường [59].
4. Khuyến nghị các chính sách nhằm giảm thiểu tiêu thụ đồ uống có đường
Nhằm hạn chế những ảnh hưởng của ĐUCĐ với sức khỏe đặc biệt là của những nhóm đối tượng yếu thế trong đó có trẻ em, rất nhiều quốc gia đã có những chính sách chặt chẽ nhằm giảm tiếp thị ĐUCĐ đối với trẻ em như:
Các chính sách về tài chính nhằm giảm tiêu thụ ĐUCĐ đặc biệt là đánh thuế ĐUCĐ. Các can thiệp về giá có thể ảnh hưởng tới hành vi tiêu thụ các sản phẩm nói chung và việc tiêu thụ ĐUCĐ nói riêng [60]. WHO đã khuyến nghị trong Kế hoạch hành động toàn cầu về phòng chống và kiểm soát bệnh không lây nhiễm 2013-2020 rằng các chính sách để phòng chống béo phì nên bao gồm cả các công cụ về kinh tế, công cụ thuế, và trợ cấp để nâng cao khả năng chi trả đối với các sản phẩm lành mạnh cũng như hạn chế tiêu thụ các sản phẩm không lành mạnh [61]. Trong Báo cáo của Ủy ban Toàn cầu về Phòng chống Béo phì (Ending Childhood Obesity Commission) của WHO đã nhấn mạnh lại các khuyến nghị về tăng mức thuế đối với ĐUCĐ. Ủy ban cũng tuyên bố rõ rằng, có đầy đủ các bằng chứng và cơ sở hợp lý để thực hiện đánh thuế ĐUCĐ [62]. Hơn nữa, kinh nghiệm về tác động vào chính sách thuế thuốc lá đã chứng minh lợi ích của việc tăng giá đối với việc thay đổi hành vi mua sắm và nâng cao sức khỏe cộng đồng, bên cạnh đó thuế cũng tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách [63].
Để minh bạch và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin về dinh dưỡng cho người dân khi lựa chọn các sản phẩm thực phẩm nói chung và đồ uống nói riêng, Nhà nước cần có các quy định về công bố thành phần dinh dưỡng bắt buộc trong đó có công bố hàm lượng đườngđối với các sản phẩm đồ uống để từ đó người dân có thể đưa ra các lựa chọn phù hợp và lành mạnh. Song song với việc truyền thông nâng cao nhận thức, các chính sách nhằm minh bạch thông tin về thành phần dinh dưỡng sẽ giúp người dân thay đổi hành vi tiêu dùng.
Siết chặt các chính sách nhằm kiểm soát tiếp thị ĐUCĐ cho trẻ em. Nghiên cứu ở Úc cho thấy, quảng cáo truyền hình cho trẻ em là một yếu tố đóng góp lớn vào việc tiếp xúc của trẻ với các hoạt động quảng cáo, tiếp thị ĐUCĐ [64].Chính vì vậy, WHO đã khuyến nghị các quốc gia thành viên thực hiện các chính sách tích cực để giảm mức độ phơi nhiễm/tiếp xúc của trẻ với các sản phẩm thực phẩm không lành mạnh [65]. Việc nâng cao các quy định/chính sách để giảm thiểu việc tiếp thị sản phẩm ĐUCĐ với trẻ em như: giới hạn thời điểm quảng cáo, kênh quảng cáo; các hình thức tài trợ, khuyến mại bằng các sản phẩm ĐUCĐ;… sẽ giúp hạn chế trẻ phơi nhiễm với những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Chính sách nhằm giảm tính sẵn có của ĐUCĐ trong trường học và các khu vực cho trẻ em. Sự sẵn có của ĐUCĐ trong trường học hay trong bữa ăn học đường có thể hình thành nên thói quen tiêu dùng ở trẻ. Nhà nước cần có các quy định chính sách về việc hạn chế/cấm bày bán ĐUCĐ trong trường học, các khu vui chơi, khu vực dành cho trẻ em hoặc ở các sự kiện cho trẻ em (như các sự kiện của trường học, lễ hội trung thu,…). Song song với việc không bày bán ĐUCĐ, cần phải tăng cường các loại đồ uống thay thế lành mạnh hơn như nước ép hoa quả, sữa không đường, nước lọc...
Thực hiện các chương trình tiếp thị xã hội, truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao hiểu biết của người dân, đặc biệt là người chăm sóc trẻ về tác hại của ĐUCĐ. Bởi lẽ, các nghiên cứu cho thấy, các can thiệp để thúc đẩy thay đổi hành vi nhằm giảm thừa cân béo phì đặc biệt là ở trẻ em sẽ đạt hiệu quả tốt nhất nếu can thiệp cho cả cộng đồng;đồng thời, các nghiên cứu cũng cho thấy môi trường gia đình và cộng đồng có ảnh hưởng đáng kể đến việc tiêu thụ ĐUCĐ ở trẻ em [66].
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần có các hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho học sinh để định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng ĐUCĐ ở trẻ cũng như khuyến khích trẻ tiêu thụ các sản phẩm lành mạnh. Các chương trình giáo dục dinh dưỡng dành riêng cho trẻ em cũng cần được xây dựng để nâng cao nhận thức của trẻ về: tác hại của ĐUCĐ với sức khỏe, các lựa chọn đồ uống thay thế lành mạnh hơn ĐUCĐ.
Tóm lại, trước thực trạng gia tăng nhanh chóng tỷ lệ trẻ bị thừa cân béo phì ở Việt Nam, đặc biệt là ở trẻ ở tuổi học đường, thiết nghĩ kinh nghiệm và các giải pháp về phòng ngừa tình trạng thừa cân béo phì đang được WHO khuyến cáo, và đang được nhiều nước áp dụng cần phải được Chính phủ xem xét một cách nghiêm túc và áp dụng sớm ở Việt Nam. Đặc biệt là giải pháp về điều chỉnh chính sách thuế với ĐUCĐ./.
[1] Swinburn BA, Sacks G, Hall KD, McPherson K, Finegood DT, Moodie ML, Gortmaker SL. The global obesity pandemic: shaped by global drivers and local environments. Lancet. 2011; 378(9793):804-14.
[2] Bộ Y tế Việt Nam 2020. https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-cong-bo-ket-qua-tong-ieu-tra-dinh-duong-nam-2019-2020.
[3] https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-cong-bo-ket-qua-tong-ieu-tra-dinh-duong-nam-2019-2020.
[4] http://viendinhduong.vn/vi/tin-tuc---su-kien-noi-bat/phong-chong-thua-can---beo-phi-o-tre-nho.html.
[5] Euromonitor, Đồ uống giải khát ở Việt Nam 2018,http://www.euromonitor.com/soft-drinks-in-vietnam/report.
[6]https://vncdc.gov.vn/cac-khuyen-nghi-cua-to-chuc-y-te-the-gioi-de-kiem-soat-tieu-thi-do-uong-co-duong-nham-phong-chong-benh-khong-lay-nhiem-tai-viet-nam-nd13438.html.
[7] WHO. Viet Nam Global School-based Student Health Survey Report 2019. In press.
[8] Powell ES, Smith-Taillie LP, Popkin BM. Added sugars intake across the distribution of US children and adult consumers: 1977-2012. J Acad Nutr Diet. 2016;116(10):1543–1550.e.
[9] Marriott, B. P., Hunt, K. J., Malek, A. M., & Newman, J. C. Trends in Intake of Energy and Total Sugar from Sugar-Sweetened Beverages in the United States among Children and Adults, NHANES 2003-2016. Nutrients, 11(9), 2004. https://doi.org/10.3390/nu11092004.
[10] Lei L, Rangan A, Flood V and Louie J, “Dietary intake and food sources of added sugar in the Australian population” British Journal of Nutrition. 2016, 115, 868-877.
[11] Malik VS, Pan A, Willett WC, Hu FB. Sugar-sweetened beverages and weight gain in children and adults: a systematic review and meta-analysis. American Journal of Clinical Nutrition. 2013; 98(4):1084-102.
[12] Mattes RD, Shikany JM, Kaiser KA, Allison DB. Nutritively sweetened beverage consumption and body weight: a systematic review and meta-analysis of randomized experiments. Obesity Reviews. 2011; 12(5):346-65.
[13] Te Morenga L, Mallard S, Mann J. Dietary sugars and body weight: systematic review and meta-analyses of randomised controlled trials and cohort studies. BMJ. 2013; 346:e7492.
[14] Malik VS, Pan A, Willett WC, Hu FB. Sugar-sweetened beverages and weight gain in children and adults: a systematic review and meta-analysis. American Journal of Clinical Nutrition. 2013; 98(4):1084-102.
[15] Ebbeling CB, Feldman HA, Chomitz VR, Antonelli TA, Gortmaker SL, Osganian SK, Ludwig DS. A randomized trial of sugar-sweetened beverages and adolescent body weight. New England Journal of Medicine. 2012; 367(15):1407-16.
[16] De Ruyter JC, Olthof MR, Seidell JC, Katan MB. A trial of sugar-free or sugar-sweetened beverages and body weight in children. N Engl J Med. 2012 Oct 11; 367(15):1397-406.
[17] WHO 2017. Taxes on Sugary Drinks: Why Do It? World Health Organization. [(accessed on 6 June 2021)];2017 Available online: https://apps.who.int/iris/handle/10665/260253.
[18] WHO 2020. Assessing national capacity for the prevention and control of noncommunicable disease: report of the 2019 global survey. Geneva: World Health Organization; 2020. Licence: CC BY-NC-SA 3.0 IGO.
[19] Bray, G.A. Soft drinks and obesity: the evidence. CMR Journal. 2009;2(2):10-14.
[20] Bunting, H., A. Baggett, and J. Grigor. Adolescent and young adult perceptions of caffeinated energy drinks. A qualitative approach. Appetite. 2013; 65:132-138.
[21] Rath, M. Energy drinks: what is all the hype? The dangers of energy drink consumption. Journal of the American Academy of Nurse Practitioners. 2012; 24(2):70-76.
[22] Whitlock, G., et al. Prospective Studies Collaboration: Body-mass index and cause-specific mortality in 900 000 adults: collaborative analyses of 57 prospective studies. Lancet. 2009; 373(9669):1083-1096.
[23] Pan A, Hu FB. Effects of carbohydrates on satiety: differences between liquid and solid food. Current Opinion in Clinical Nutrition and Metabolic Care. 2011; 14(4):385-90.
[24] Bachman CM, Baranowski T, Nicklas TA. Is there an association between sweetened beverages and adiposity? Nutrition Reviews. 2006; 64(4):153–174.
[25]Malik, V.S., et al. Sugar-sweetened beverages, obesity, type 2 diabetes mellitus, and cardiovascular disease risk. Circulation. 2010; 121(11):1356-1364.
[26] Vartanian, L.R., M.B. Schwartz, and K.D. Brownell. Effects of soft drink consumption on nutrition and health: a systematic review and meta-analysis. American journal of public health. 2007; 97(4):667-675.
[27] Apovian, C.M. Sugar-sweetened soft drinks, obesity, and type 2 diabetes. Jama. 2004; 292(8):978-979.
[28] Cassady, B.A., R.V. Considine, and R.D. Mattes. Beverage consumption, appetite, and energy intake: what did you expect? AJCN. 2012; 95(3):587-593.
[29] Pan, A. and F.B. Hu. Effects of carbohydrates on satiety: differences between liquid and solid food. Current Opinion in Clinical Nutrition & Metabolic Care. 2011; 14(4):385-390.
[30] Cassady, B.A., R.V. Considine, and R.D. Mattes. Beverage consumption, appetite, and energy intake: what did you expect? AJCN. 2012; 95(3):587-593.
[31] Pan, A. and F.B. Hu. Effects of carbohydrates on satiety: differences between liquid and solid food. Current Opinion in Clinical Nutrition & Metabolic Care. 2011; 14(4):385-390.
[32] Malik VS, Willett WC, Hu FB. Sugar-sweetened beverages and BMI in children and adolescents: reanalyses of a meta-analysis. The American journal of clinical nutrition. 2009 Jan 1;89(1):438-9
[33] Te Morenga L, Mallard S, Mann J. Dietary sugars and body weight: systematic review and meta-analyses of randomised controlled trials and cohort studies. BMJ. 2013; 346:e7492.
[34] Malik VS, Pan A, Willett WC, Hu FB. Sugar-sweetened beverages and weight gain in children and adults: a systematic review and meta-analysis. American Journal of Clinical Nutrition. 2013; 98(4):1084-102.
[35] Vartanian LR, Schwartz MB, Brownell KD. Effects of soft drink consumption on nutrition and health: a systematic review and meta-analysis. American journal of public health. 2007 Apr; 97(4):667-75.
[36] Chen L, Appel LJ, Loria C, Lin PH, Champagne CM, Elmer PJ, Ard JD, Mitchell D, Batch BC, Svetkey LP, Caballero B. Reduction in consumption of sugar-sweetened beverages is associated with weight loss: the PREMIER trial. The American journal of clinical nutrition. 2009 Apr 1; 89(5):1299-306.
[37] Ebbeling CB, Feldman HA, Osganian SK, Chomitz VR, Ellenbogen SJ, Ludwig DS. Effects of decreasing sugar-sweetened beverage consumption on body weight in adolescents: a randomized, controlled pilot study. Pediatrics. 2006 Mar 1; 117(3):673-80.
[38] Te Morenga L, Mallard S, Mann J. 2013. Dietary sugars and body weight: systematic review and metaanalyses of randomised controlled trials and cohort studies. BMJ 346:e7492.
[39] Ebbeling CB, Feldman HA, Osganian SK, Chomitz VR, Ellenbogen SJ, Ludwig DS. 2006. Effects of decreasing sugar-sweetened beverage consumption on body weight in adolescents: a randomized, controlled pilot study. Pediatrics 117: 673–80.
[40] Brunkwall, L, et al. Sugar-sweetened beverage consumption and genetic predisposition to obesity in 2 Swedish cohorts. The American Journal of Clinical Nutrition. 2016; 104(3):809-815.
[41] Berkey CS, Rockett HR, Field AE, Gillman MW, Colditz GA, Sugar-added beverages and adolescent weight change. Obes Res. 2004; May; 12(5):778-88.
[42] Ariza AJ, Chen EH, Binns HJ, Christoffel KK. Risk factors for overweight in five- to six-year-old Hispanic-American children: a pilot study.J Urban Health. 2004 Mar; 81(1):150-61.
[43] Giammattei J, Blix G, Marshak HH, Wollitzer AO, Pettitt DJ. Television watching and soft drink consumption: associations with obesity in 11- to 13-year-old schoolchildren. Arch Pediatr Adolesc Med. 2003 Sep; 157(9):882-6.
[44]Gillis LJ, Bar-Or O. Food away from home, sugar-sweetened drink consumption and juvenile obesity. J Am Coll Nutr. 2003 Dec; 22(6):539-45.
[45] Nicklas TA, Yang SJ, Baranowski T, Zakeri I, Berenson G. Eating patterns and obesity in children. The Bogalusa Heart Study. Am J Prev Med. 2003 Jul; 25(1):9-16.
[46] Berkey CS, Rockett HR, Field AE, Gillman MW, Colditz GA. Sugar-added beverages and adolescent weight change., Obes Res. 2004 May; 12(5):778-88.
[47] Troiano RP, Briefel RR, Carroll MD, Bialostosky K. Energy and fat intakes of children and adolescents in the united states: data from the national health and nutrition examination surveys.Am J Clin Nutr. 2000 Nov; 72(5 Suppl):1343S-1353S.
[48] Berkey CS, Rockett HR, Field AE, Gillman MW, Colditz GA. Sugar-added beverages and adolescent weight change. Obes Res. 2004;12:778–88.
[49] Dubois L, Farmer A, Girard M, Peterson K. Regular sugar-sweetened beverage consumption between meals increases risk of overweight among preschool-aged children. J. Am. Diet. Assoc. 2007; 107: 924–34.
[50] DeBoer MD, Scharf RJ, Demmer RT. Sugar-sweetened beverages and weight gain in 2- to 5-year-old children. Pediatrics. 2013; 132: 413–20.
[51] Wang YC, Bleich SN, Gortmaker SL. Increasing caloric contribution from sugar-sweetened beverages and 100% fruit juices among US children and adolescents, 1988-2004.Pediatrics. 2008 Jun; 121(6):e1604-14.
[52] Ludwig DS, Peterson KE, Gortmaker SL. Relation between consumption of sugar-sweetened drinks and childhood obesity: a prospective, observational analysis. The Lancet. 2001 Feb 17;357(9255):505-8.
[53] Papandreou, D., Andreou, E., Heraclides, A., & Rousso, I. Is beverage intake related to overweight and obesity in school children?. Hippokratia, 2013; 17(1), 42–46.
[54] Briefel RR, Wilson A, Gleason PM. Consumption of low-nutrient, energy-dense foods and beverages at school, home, and other locations among school lunch participants and nonparticipants. J Am Diet Assoc. 2009 Feb; 109(2 Suppl):S79-90.
[55] Key TJ, Schatzkin A, Willett WC, Allen NE, Spencer EA, Travis RC. Diet, nutrition and the prevention of cancer. Public Health Nutrition. 2004; 7(1A):187-200.
[56] Srinath Reddy K, Katan MB. Diet, nutrition and the prevention of hypertension and cardiovascular diseases. Public Health Nutrition. 2004; 7(1A):167-86.
[57] Steyn NP, Mann J, Bennett PH, Temple N, Zimmet P, Tuomilehto J et al. Diet, nutrition and the prevention of type 2 diabetes. Public Health Nutrition. 2004; 7(1A):147-65.
[58] https://www.who.int/publications/i/item/9789241549028 và https://www.who.int/news/item/04-03-2015-who-calls-on-countries-to-reduce-sugars-intake-among-adults-and-children.
[59] Vos MB, et al. Added Sugars and Cardiovascular Disease Risk in Children. Circulation. 2016; CIR.0000000000000439, published online before print August 22, 2016.
[60] Chaloupka FJ et al , Wang Y C, Powell LM, Andreyeva T, chriqui JF, Rimkus L.Estimating the potential impact of sugar-sweetened and other beverage excise taxes in Illinios Cook County Department of Health, ed, 2011.
[61] WHO, Global Action Plan for the Prevention and Control of Noncommunicable Diseases 2013-2020.
[62] World Health Organization, 2016, Report of the Commission on Ending Childhood Obesity, Geneva Switzerland.
[63] Andreyeva T, Chaloupka FJ, Brownell KD. Estimating the potential of taxes on sugar-sweetened beverages to reduce consumption and generate revenue. Prev Med 2011; 52(6): 413-416.
[64] Mills C, Martin J, Antonopoulos N, End the Charade! The ongoing failure to protect children from unhealthy food marketing. Obesity Policy Coalition, Melbourne, 2015, available at http://www.opc.org.au/paper.aspx?ID=endthecharade&Type=submi ssions#.Vyqii7fVyUk.
[65] World Health Organization, 2010 Set of recommendations on the marketing of food and non-alcoholic beverages to children.
[66] Swinburn et al. ‘The global obesity pandemic: shaped by global drivers and local environments’. The Lancet at 804. 2011; 378(9793).
(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 02+03 (450+451), tháng 02/2022.)