GS.TS Lê Danh Tuyên: Dinh dưỡng đúng và đủ, giúp chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Cập nhật: 5/5/2022 - Lượt xem: 6129

Theo GS.TS Lê Danh Tuyên- Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Tình trạng suy dưỡng ở trẻ em có mối liên quan tới việc thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và hô hấp, dẫn tới số ngày nghỉ học tăng lên, ảnh hưởng tới tăng trưởng và học tập.

Sáng 5/5/2022, Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 2022 với chủ đề "KHỎE TIÊU HÓA – KHỎE HƠN MỖI NGÀY" đã chính thức được phát động bởi  Báo Sức khỏe & Đời sống và Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Chương trình có sự đồng hành của Vinamilk và đồng hành truyền thông của Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital).

Thông tin tại chương trình cho biết, tại Việt Nam, có tới 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và đáng lo ngại hơn khi những trường hợp mắc bệnh này đang có sự gia tăng đáng báo động.

"Bệnh là từ miệng vào"

Chia sẻ tại buổi họp báo, GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nêu rõ: Từ xa xưa, thông qua những quan sát sinh hoạt hàng ngày ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm rất quan trọng "Bệnh là từ miệng vào". Cho tới ngày nay, nhận xét này vẫn có ý nghĩa xét từ góc độ khoa học.

Có rất nhiều yếu tố đóng góp vào sức khỏe của hệ miễn dịch. Bên cạnh những yếu tố khách quan khó có thể thay đổi như tuổi, giới, bộ gen, môi trường sống, thì cũng có những yếu tố chủ quan như dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, mức độ vận động… Trong đó vai trò của dinh dưỡng là đặc biệt nổi bật.

"Nếu coi hệ miễn dịch như một thành trì thì dinh dưỡng chính là nguyên liệu xây nên thành trì đó thông qua các đa chất gồm protein, lipid, carbon hydrat là các viên gạch tạo nên thành phần hệ miễn dịch như kháng thể, cytokine, thụ thể.... "- Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Lê Danh Tuyên nói.

Bên cạnh đó, các vitamin và khoáng chất là những mắt xích mấu chốt và các chất truyền tin giữ cho hàng rào luôn kết nối vững vàng. Hơn nữa, không kém phần quan trọng, dinh dưỡng cũng cung cấp nguồn năng lượng không thể thiếu để hệ miễn dịch vận hành trơn tru, sẵn sàng được kích hoạt một cách hiệu quả khi có tác nhân có hại xâm nhập.

Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ và tạo nên vòng xoắn bệnh lý

Viện trưởng Lê Danh Tuyên cũng chia sẻ, hiện nay, suy dinh dưỡng vẫn đang còn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Theo kết quả điều tra về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, tỉ lệ trẻ em SDD thể nhẹ cân ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, 14,1% năm 2015 đối với thể nhẹ cân, tuy nhiên tỷ lệ SDD thấp còi chung toàn quốc vẫn ở mức 24,6% năm 2015, xếp vào hàng các quốc gia có tỷ lệ thấp còi cao, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2009 – 2010 và 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng và các nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất là khẩu phần ăn trẻ em dưới 5 tuổi còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng.

"Các nghiên cứu trên thế giới cũng như nhiều nghiên cứu tại Viện Dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy tình trạng suy dưỡng ở trẻ em có mối liên quan tới khả năng thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và hô hấp, dẫn tới số ngày nghỉ học tăng lên, ảnh hưởng tới tăng trưởng và học tập của trẻ. Trên thực tế, các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiêu hóa và tình trạng suy dinh dưỡng có mối liên hệ qua lại"- GS.TS Lê Danh Tuyên nói.

Ở trẻ nhỏ hơn, các bệnh nhiễm trùng (gồm nhiễm vi khuẩn, vi rút và ký sinh vật) đều có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và ngược lại, suy dinh dưỡng khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và vòng xoắn bệnh lý này cứ thế tiếp diễn nếu không có can thiệp hoặc xử trí phù hợp. Nhiễm trùng, đặc biệt là tiêu chảy ảnh hưởng rất trầm trọng đến tình trạng dinh dưỡng của đứa trẻ. Nhiễm trùng dẫn đến các tổn thương đường tiêu hóa do đó làm giảm hấp thu, đặc biệt các vi chất, làm cho kháng nguyên và các vi khuẩn đi qua nhiều hơn.

Theo ông Tuyên, nhiễm trùng làm tăng hao hụt các chất dinh dưỡng, trẻ ăn kém hơn do giảm ngon miệng. Người ta ước đoán rằng nhiễm trùng ảnh hưởng đến 30% sự giảm chiều cao ở trẻ. Tỷ lệ suy dinh dưỡng có thể dao động theo mùa và thường cao trong những mùa có các bệnh nhiễm khuẩn lưu hành ở mức cao (tiêu chảy, viêm hô hấp, sốt rét, sởi và các bệnh ký sinh trùng đường ruột).

Suy dinh dưỡng trẻ em sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề về sức khỏe cũng như trí tuệ dẫn đến giảm khả năng học tập và lao động của của trẻ khi đến tuổi trưởng thành. Những trẻ bị suy dinh dưỡng dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn những trẻ bình thường và khi mắc bệnh thì thường nặng hơn và lâu bình phục hơn. Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ và tạo nên vòng xoắn bệnh lý.

Dinh dưỡng đúng và đủ, giúp chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch, giúp phòng tránh bệnh tật

Các can thiệp về dinh dưỡng, cụ thể là bổ sung vi chất phối hợp probiotic, prebiotic được báo cáo là có cải thiện và nâng cao miễn dịch, giảm tình trạng nhiễm khuẩn tiêu hóa và hô hấp trên trẻ em. Trên phương diện tổng thể, khi tình trạng dinh dưỡng được cải thiện thông qua bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, các vấn đề về sức khỏe cũng theo đó được nâng cao.

"Nói một cách khác, cơ thể cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ dẫn tới có đủ dự trữ dinh dưỡng. Dự trữ này sẽ được huy động để thực hiện các chức năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.

Gần đây, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, các nghiên cứu cho thấy những vấn đề về dinh dưỡng bao gồm cả suy dinh dưỡng và béo phì đều tăng khả năng diễn biến xấu trên bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ngoài ra, các thiếu hụt vi chất như vitamin D, kẽm, selen cũng làm suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ tử vong trên bệnh nhân COVID-19"- GS.TS Lê Danh Tuyên nhấn mạnh.

Như vậy, việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cả đa lượng và vi lượng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và củng cố hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể.

Bên cạnh đó, các bổ sung khác về dinh dưỡng như lợi khuẩn probiotic, các prebiotic nuôi dưỡng hệ vi khuẩn ruột cũng như các chất chống oxy hóa tự nhiên dạng polyphenol thực vật thông qua chế độ ăn đa dạng, nhiều rau củ quả cũng giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bảo vệ sức khỏe lâu dài.

Thái Bình - Báo Sức khỏe & đời sống