Sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giàu đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất quan trọng cần thiết cho sức khỏe. Phụ nữ có thai và trẻ nhỏ, những đối tượng có nhu cầu các chất dinh dưỡng cao hơn cho quá trình tăng trưởng và phát triển, sữa và chế phẩm của sữa được coi là một trong những thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng như chất đạm, chất béo, canxi, vitamin D, sắt, kẽm… giúp bà mẹ có tình trạng dinh dưỡng tốt, cung cấp đủ dưỡng chất cho thai nhi, và trẻ nhỏ tăng trưởng tốt cả thể chất và trí tuệ. Sữa là một trong những thực phẩm được ưu tiên bổ sung cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ trong bữa ăn hàng ngày, cũng là một thực phẩm thường tiêu thụ do dễ sử dụng và có nhiều lựa chọn.
Tuy nhiên do tính đa dạng, nhu cầu cao của sản phẩm sữa cũng như lợi nhuận mang lại, các sản phẩm sữa trở thành loại thực phẩm có nguy cơ cao bị làm giả. Trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều loại sữa cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai không đạt chuẩn do không đảm bảo được các tiêu chuẩn về vi sinh, thành phần dinh dưỡng như:
- Sữa bị nhiễm khuẩn: Chứa vi khuẩn gây bệnh (như E.coli, Salmonella, Listeria...), nấm men, nấm mốc ...
- Sữa không đủ các chất dinh dưỡng, hàm lượng các chất dinh dưỡng như đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất thấp hơn 70% so với công bố trên nhãn sản phẩm.
- Sữa có chứa các chất cấm không được phép sử dụng như Melamine....
Phụ nữ có thai và trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, dễ có nguy cơ dị ứng, mắc bệnh và thiếu hụt dinh dưỡng nếu tiêu thụ những thực phẩm kém chất lượng và mất an toàn. Nếu tiêu thụ sữa không đạt chuẩn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, sức khỏe của mẹ và bé.
Hậu quả đối với phụ nữ có thai
- Rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm: Sữa là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nên sữa cũng dễ bị nhiễm khuẩn hơn đối với nhiều loại vi khuẩn như E.coli, Salmonella, Clostridium, Listeria… Đây là những tác nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp, mất nước, giảm cân ở bà mẹ. Vi khuẩn trong sữa ví dụ Listeria có thể qua nhau thai gây ảnh hưởng đến tình trạng của thai nhi, như nguy cơ dọa sảy, thai lưu trong 3 tháng đầu, hoặc nguy cơ thai nhi chậm phát triển, sinh non trong 3 tháng cuối thai kỳ.
- Thiếu hụt các chất dinh dưỡng: Một trong những chỉ tiêu quan trọng của sữa là hàm lượng đạm (protein). Sữa kém chất lượng thường không cung cấp đủ protein so với nhu cầu của cơ thể. Với phụ nữ mang thai, nhu cầu protein thường tăng cao hơn so với trước khi mang thai; cơ thể người mẹ cần cung cấp thêm 5 gam protein/một ngày (giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ) và 25 gam protein/ một ngày (giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ). Khi sử dụng những loại sữa kém chất lượng sẽ gây ra thiếu hụt lượng đạm nhất định, trong khi bản thân người mẹ vẫn tin tưởng mình được cung cấp đủ. Ngoài thiếu hụt đạm, khi sử dụng sữa kém chất lượng gây ra thiếu hụt canxi và các vi chất quan trọng khác dẫn đến mẹ tăng nguy cơ loãng xương, thai nhi chậm phát triển trong tử cung, nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai,...
- Nhiễm hóa chất độc hại: Sữa không đạt chuẩn nếu có chứa lượng kim loại nặng (chì, thủy ngân...) gây nhiễm độc ở mẹ, làm tăng nguy cơ con bị chậm phát triển, đẻ non, dị tật thai nhi…
Hậu quả đối với trẻ nhỏ
- Rối loạn tiêu hóa: Đây là phản ứng thường gặp nhất ở trẻ khi uống sữa không đạt chuẩn: ví dụ tỷ lệ đạm whey/casein không đạt như công bố, sử dụng nhiều chất độn có chứa nhiều đường, trẻ có thể bị tiêu chảy cấp thậm chỉ là tiêu chảy kéo dài, táo bón, nôn trớ, đầy hơi, chướng bụng. Nếu những tình trạng này không được điều trị kịp thời sẽ dẫn hậu quả trẻ bị suy dinh dưỡng.
- Ngộ độc cấp và mạn tính: sữa không đạt chuẩn có thể chứa các chất độc hại như Melamine gây tổn thương gan, thận và hệ thần kinh của trẻ.
- Dị ứng: Dị ứng đạm sữa bò có tỷ lệ mắc phải cao nhất trong các loại dị ứng thức ăn mà trẻ nhỏ hay gặp phải. Một số loại sữa giả, kém chất lượng còn có thể chứa các thành phần không được công bố rõ làm tăng nguy cơ dị ứng ở trẻ với các biểu hiện như mề đay phát ban, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí sốc phản vệ...
- Thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng: Sữa không đạt chuẩn có hàm lượng dinh dưỡng dưới 70% so với công bố của sản phẩm, vì thế nếu trẻ uống lâu dài sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ như sắt, canxi, vitamin D, kẽm, DHA, ARA, cholin…Đặc biệt nếu thiếu những vi chất này trong những năm đầu đời trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, chậm nói để lại hậu quả lâu dài khi trẻ trưởng thành.
- Giảm sức đề kháng, trẻ hay bị ốm: trẻ uống sữa không đủ dinh dưỡng dễ bị thiếu protein và các chất dinh dưỡng như vitamin A, D, C, kẽm cũng làm giảm sức đề kháng của trẻ, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, hô hấp và tiêu chảy dẫn đến suy dinh dưỡng với vòng xoắn bệnh lý nhiễm khuẩn và suy dinh dưỡng.
Như vậy việc sử dụng sữa không đạt chuẩn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, đặc biệt trong 1000 ngày đầu đời là giai đoạn vàng quan trọng nhất giúp cho trẻ phát triển tốt cả về thể chất, trí tuệ và sức khỏe ở tuổi trưởng thành. Do đó, việc lựa chọn và sử dụng sữa cần cẩn trọng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cả mẹ và bé. Trên thị trường còn có rất nhiều sản phẩm sữa chất lượng, uy tín, các bà mẹ hoàn toàn có thể tìm mua ở các đại lý, siêu thị và những địa điểm bán hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ths. Bs. Hoàng Thị Hằng - Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em- Viện Dinh dưỡng