Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Ngày 1-2/6, hãy cho trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã, phường là lời kêu gọi hành động thiết thực, chủ chốt trong Chiến dịch truyền thông “Ngày Vi chất dinh dưỡng” được tổ chức trên toàn quốc (vào ngày 1-2/6 hàng năm).
Trong những năm qua, công tác phòng chống thiếu vitamin A ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng công bố năm 2020 cho thấy tỷ lệ thiếu Vitamin A có xu hướng giảm so với điều tra quốc gia năm 2015 nhưng vẫn còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng đối với trẻ em, như thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 14,2% (năm 2015) xuống còn 9,5% (năm 2020), vitamin A trong sữa mẹ thấp đã giảm từ 35,5% (năm 2015) xuống còn 18,3% (năm 2020).
Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vitamin A là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, thiếu Vitamin A còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ, tới sự sự cần thiết cho quá trình nhìn, quá trình tăng trưởng, tham gia vào đáp ứng miễn dịch, chống nhiễm khuẩn. Thiếu vitamin A gây nên bệnh khô mắt thậm chí gây mù dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, tăng tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong, chậm phát triển ở trẻ em, làm tăng tỷ lệ trẻ thấp còi và nhẹ cân. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng thiếu Vitamin A là do bữa ăn hàng ngày của trẻ em, bà mẹ đang nuôi con bú chưa đáp ứng đủ nhu cầu vitamin A.
Để phòng chống thiếu Vitamin A:
Như chúng ta biết, Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng rất cần thiết với sự sống còn của cơ thể, nhưng nhu cầu thì cần một lượng rất nhỏ có thể tính chỉ bằng mcg đến mg, nhưng khi thiếu lại gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng. Vì vậy việc phòng chống thiếu Vitamin A là việc rất cần thiết cho mọi người, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Chiến lược phòng chống thiếu Vitamin A cần nhiều giải pháp đồng bộ như: Bổ sung Vitamin A cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu Vitamin A. Tăng cường Vitamin A vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hoá bữa ăn, biết cách lựa chọn và sử dụng những thực phẩm tự nhiên giàu vi chất dinh dưỡng (như các loại rau lá có màu xanh thẫm như rau ngót, rau đay; các loại rau quả có màu hồng, màu đỏ, như bí đỏ, cà chua, cà rốt…; các loại thức ăn có nguồn gốc động vật như trứng, thịt, các loại thủy sản như cá, tôm, cua…) là giải pháp lâu dài và bền vững để cải thiện tình trạng thiếu Vitamin A nói riêng và các vi chất dinh dưỡng khác nói chung.
Tăng cường Vitamin A vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt Vitamin A trong bữa ăn hàng ngày, giúp cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tuyên truyền và giáo dục cho người dân biết sử dụng và biết lựa chọn những thực phẩm có tăng cường Vitamin A là điều kiện để thực hiện phòng chống thiếu Vitamin A.
Công tác truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho người dân cũng là một trong các giải pháp quan trọng, các nội dung tuyên truyền như khuyến khích người dân ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu Vitamin A, biết cách lựa chọn các thực phẩm tăng cường Vitamin A; cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, thực hiện nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn; Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu và sử dụng vitamin A, vitamin D.
Hàng năm, có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu Vitamin A nhờ hoạt động bổ sung Vitamin A cho trẻ từ 6 - 59 tháng tuổi tại 31 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn ở mức cao và 32 tỉnh còn lại bổ sung Vitamin A cho trẻ từ 6 - 35 tháng tuổi mỗi năm hai đợt (thông thường Đợt 1 được tổ chức vào Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6); và Đợt 2 vào ngày 1-2/12 hàng năm). Tuy nhiên, do điều kiện cung ứng của trung ương và tiếp nhận Vitamin A ở các địa phương có thể không đúng so với kế hoạch nên ngày tổ chức cho trẻ uống Vitamin A có thể lùi lại sau ngày 1 -2/6, nên các bà mẹ và người chăm sóc trẻ cần chú ý theo thông báo của trạm y tế xã phường để đưa trẻ đi uống Vitamin A đúng theo kế hoạch của mỗi địa phương.
Ths. BS. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng