Ngày Lương thực thế giới và Tuần lễ DD và Phát triển với mục tiêu phòng chống Suy dinh dưỡng và xoá đói giảm nghèo (Hưởng ứng TL DD và PT năm 2022)

Cập nhật: 10/31/2022 - Lượt xem: 16342

Ngày Lương thực thế giới viết tắt là WFD (World Food Day) được tổ chức vào ngày 16 tháng 10 hàng năm trên khắp thế giới, kỷ niệm ngày thành lập Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc từ năm 1945. Ngày Lương thực thế giới được tổ chức rộng rãi bởi nhiều tổ chức khác nhau có cùng mối quan tâm đến nạn đói và an ninh lương thực, bao gồm Chương trình Lương thực thế giới và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế. Ngày Lương thực thế giới đã nhận được giải Nobel Hòa bình năm 2020 vì những nỗ lực chống nạn đói, đóng góp vào hòa bình ở các khu vực xung đột và đóng vai trò hàng đầu trong việc ngăn chặn việc sử dụng nạn đói như là một dạng vũ khí cho chiến tranh và xung đột. Tôn chỉ chính của Ngày Lương thực Thế giới là tăng cường an ninh lương thực trên toàn cầu, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng. Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức FAO tổ chức sự kiện này hàng năm.

Chủ đề chính của ngày Lương thực thế giới (16/10) năm 2022 là “Không để ai bị bỏ lại phía sau” (Tiếng Anh: “No one leave behind”).  Với bối cảnh toàn thế giới sau đại dịch với hàng tỷ người trên thế giới không thể có chế độ ăn uống lành mạnh, khiến họ có nguy cơ mất an toàn thực phẩm và suy dinh dưỡng cao. Khả năng tiếp cận và cung cấp thực phẩm dinh dưỡng ngày càng bị cản trở bởi nhiều thách thức bao gồm đại dịch COVID-19, xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, giá cả tăng cao và căng thẳng quốc tế. Mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng vẫn còn quá nhiều người bị bỏ lại phía sau. Những người không thể hưởng lợi từ phát triển con người, đổi mới hoặc tăng trưởng kinh tế. Giải pháp toàn cầu được đưa ra:Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn”, chuyển đổi các hệ thống nông sản và thực hiện các giải pháp tổng thể và bền vững nhằm phát triển trong dài hạn, tăng trưởng kinh tế toàn diện và khả năng phục hồi cao hơn. Ngày Lương thực Thế giới là một lời nhắc nhở rằng mỗi chúng ta cùng gia đình, bạn bè quây quần bên một bữa ăn ngon là một đặc ân mà không phải ai cũng có thể tận hưởng, nhưng là một đặc ân mà tất cả mọi người đều xứng đáng được trải nghiệm.

Hội nghị cấp cao về dinh dưỡng gồm 159 nước và cộng đồng kinh tế châu Âu họp ở Rome tháng 12/1992 đã tuyên bố quyết tâm thanh toán nạn đói và hạ thấp tất cả các bệnh về suy dinh dưỡng; sự nghèo khổ và thiếu kiến thức là những nguyên nhân hàng đầu của nạn đói và suy dinh dưỡng. Từ tháng 9/2013, các quốc gia đã khởi động tiến trình xây dựng Chương trình nghị sự phát triển của Liên Hợp Quốc sau năm 2015, và xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững. Ngày 25/9/2015 tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc với sự tham dự của 193 nước thành viên, Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững chính thức được thông qua.

Tại Việt Nam, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Sau đó, Quyết định số 681/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 đã được ban hành ngày 04/6/2019. Gần đây nhất là Nghị quyết của Thủ tướng chính phủ về phát triển bền vững (Nghị quyết số 136/NQ-CP, được ban hành ngày 25/9/2020), trong đó Bộ Y tế được giao đảm nhiệm vai trò trong 03 nội dung chính: (1) Thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân nhằm bảo đảm tăng đáng kể khả năng tiếp cận của người dân tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thuốc và vắc xin thiết yếu, an toàn, hiệu quả, chất lượng, trong khả năng chi trả; (2) Chú trọng công tác dự phòng, phát hiện sớm bệnh tật, điều trị kịp thời, quan tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao tầm vóc, thể lực, tuổi thọ và số năm sống khỏe của người Việt Nam; (3) Hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế để đáp ứng với sự thay đổi của mô hình bệnh tật, già hóa dân số và cuộc cách mạng 4.0 trong lĩnh vực y tế.

Các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” từ 16 – 23/10 được Viện Dinh dưỡng tổ chức theo định kỳ hàng năm từ năm 1995 cùng với sự ra đời của Tờ tin “Dinh dưỡng và phát triển” (sau này là Đặc san Sức khoẻ, Dinh dưỡng và Đời sống). Đây là một trong những hoạt động truyền thông thường xuyên phục vụ các hoạt động thuộc Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng, là giải pháp thực hiện mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng và cũng song hành phù hợp với mục tiêu của FAO là xoá nạn đói và phòng chống suy dinh dưỡng.

Hoạt động của Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” năm nay là một trong chuỗi hoạt động được triển khai nhằm tăng cường công tác truyền thông về dinh dưỡng, phục vụ cho Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn tới 2045 được phê duyệt theo Quyết định số 02/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt ngày 05/01/2022. Tổ chức các chiến dịch truyền thông định kỳ hằng năm: Ngày Vi chất dinh dưỡng (01/6 và 01/12), Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ (01-07/8), Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển (16-23/10) là một trong những giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu để “Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và vận động hiệu quả”, thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2025.

Chủ đề và thông điệp của Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển năm 2022 là “Thực hiện dinh dưỡng hợp lý vì một Việt Nam khỏe mạnh, phát triển toàn diện” với mục tiêu đảm bảo Mọi người đều có quyền bình đẳng để có được bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh” phù hợp với chủ đề chính của ngày Lương thực thế giới năm 2022 “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Thông điệp “Sử dụng đa dạng, phối hợp các loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm theo mùa sẵn có tại địa phương” hướng tới tận dụng các thực phẩm tại địa phương giúp tránh thất thoát, lãng phí thực phẩm, giúp cho mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn thực phẩm, giúp “Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn” như thông điệp của FAO đã đưa ra.

Các thông điệp chính:

1. Sử dụng đa dạng, phối hợp các loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm theo mùa sẵn có tại địa phương;

2. Tăng cường tiêu thụ các loại rau, củ, trái cây; các thực phẩm giàu chất xơ, giàu vi chất dinh dưỡng;

3. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường ngọt, muối, chất béo; tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi để góp phần phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm;

4. Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tối ưu trong 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện cả tầm vóc và trí tuệ;

5. Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm; đọc kỹ nhãn mác và các thông tin dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm trước khi mua và sử dụng.

Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng