Ngày 17 tháng 10 năm 2019, Viện Dinh dưỡng và văn phòng Tổ chức Y tế thế giới đã tổ chức hội thảo báo cáo kết quả dự án “Giám sát bệnh lây truyền qua thực phẩm dựa vào phòng xét nghiệm với các tác nhân Salmonella, Shigella và Eschrichia coli trên bệnh nhân tiêu chảy cấp tại Hà Nội, Đồng Tháp và Bà Rịa- Vũng Tàu 2018-2019”. Các nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu và bác sĩ từ Cục Y tế dự phòng, Cục An toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng, Viện Y tế công công thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật và 6 bệnh viện triển khai dự án Hà Nội, Đồng Tháp và Bà Rịa- Vũng Tàu đã tới tham dự. Hội thảo cũng được đón tiếp các chuyên gia của văn phòng Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cơ quan giảm thiểu rủi ro Hoa Kỳ.
Kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm thu thập từ các bệnh nhân có rối loạn tiêu hóa nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tới khám tại 6 bệnh viện thuộc 3 tỉnh, thành phố cho thấy Salmonella và Shigella được xác định tương ứng là căn nguyên của 7% và 4% ca bệnh. Các chủng vi khuẩn này cũng đề kháng với nhiều loại kháng sinh thông dụng. Dựa trên phát hiện của nghiên cứu, các đại biểu đã nhận định sự cần thiết của việc thực hiện giám sát ca ngô độc thực phẩm tại các cơ sở khám chữa bệnh và mức độ trầm trọng của vấn đề kháng thuốc. Các đại biểu đã thảo luận về các thách thức trong quá trình triển khai thí điểm hoạt động giám sát ca ngộ độc thực phẩm và đề xuất 4 nhóm giải pháp về xây dựng hoạt động giám sát, nâng cao năng lực phòng thí nghiệm, hỗ trợ các chính sách và sử dụng kháng sinh an toàn. Các kết quả của hội thảo đã được chuyên gia tổ chức Y tế thế giới ghi nhận và tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động trong các năm tiếp theo.