Khảo sát bệnh loãng xương ở phụ nữ trưởng thành Hà nội năm 2003

Cập nhật: 11/20/2009 - Lượt xem: 18111
Tóm tắt
Nghiên cứu được tiến hành vào tháng 5/2003 với mục đích xác định tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ trưởng thành Hà Nội. Có 2.232 phụ nữ trưởng thành từ 20 tuổi trở lên, không mắc các bệnh có liên quan đến rối loạn chuyển hoá xương đã được chọn từ 30 xã, phường của Hà nội vào nghiên cứu. Tỷ trọng xương được đo bằng phương pháp siêu âm định lượng với chỉ số tốc độ âm qua xương gót chân (ký hiệu: SOS, đơn vị: m/s). Chẩn đoán loãng xương dựa vào ngưỡng T-score £ -1.8. Kết quả nghiên cứu: tỷ lệ loãng xương thô ở phụ nữ trưởng thành Hà nội là 15.4%, sau khi hiệu chỉnh tuổi, tỷ lệ này là 9%, tương đối cao so với các nước trong khu vực. Tuổi càng tăng thì tỷ lệ loãng xương càng cao (p < 0,001). Phân bố bệnh loãng xương có sự khác nhau giữa khu vực nội thành và ngoại thành ở 2 nhóm đối tượng: chưa mãn kinh và sau mãn kinh. ở phụ nữ chưa mãn kinh, tỷ lệ loãng xương cao hơn ở khu vực nội thành so với ngoại thành (p < 0,01). Ngược lại, ở phụ nữ sau mãn kinh, tỷ lệ này lại cao hơn ở khu vực ngoại thành (p < 0,05). Kết quả nghiên cứu cho thấy loãng xương đang là 1 vấn đề đáng chú ý ở Việt nam. Vì vậy, sàng lọc loãng xương trên diện rộng, song song với tiến hành các nghiên cứu hồi cứu và can thiệp là rất cần thiết để tìm ra giải pháp phù hợp phòng bệnh loãng xương tại Việt nam . 

Summary
A cross- sectional study was done in 2003 to identify prevalence and distribution of osteoporosis in Vietnamese adult women living in Hanoi City. Total of 2,232 women aged from 20y and over, without chronic diseases affecting to bone metabolism were randomly chosen to participate. Bone mass of subjects were assessed by quantitative ultrasound measurement with Speed of Sound (SOS) indicator at heel bone. Osteoporosis case was defined using T-score threshold. A person was classified as having osteoporosis if her T-score was £ - 1.8, and normal if >-1.8. The crude prevalence of OP in Hanoi City was 15.4%. After age-adjustment, the prevalence was 9.0%, relatively high compared to nearby countries. Osteoporosis prevalence among the age groups increased with age (p < 0.001). In addition, our data indicates differing distributions of osteoporosis between rural and urban areas. In premenopausal women, the prevalence of OP was higher in the urban area compared to the rural area (p < 0.01). By contrast, postmenopausal women had a higher prevalence of OP in the rural area (p < 0.05). Our results suggest that OP is a noteworthy problem in Vietnam. Screening for osteoporosis in large scale, and setting up national program for prevention and control of OP in Vietnam are urgently needed.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Loãng xương là tình trạng giảm khối xương và cấu trúc vi thể của tổ chức xương, làm tăng tính dễ vỡ, và cuối cùng là làm tăng nguy cơ gãy xương tự phát. Đó là một vấn đề sức khoẻ đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên Thế giới, không những ở các nước phát triển mà ở cả những nước đang phát triển (1). Bệnh có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới, nhưng phụ nữ có nguy cơ bị mắc nhiều hơn (2). Bệnh lý này thường diễn biến âm thầm, triệu chứng nghèo nàn nhưng hậu quả rất nặng nề. Hậu quả nghiêm trọng nhất là gãy xương do loãng xương có thể gây tàn tật và tử vong. Tỷ lệ loãng xương tăng cùng với những hậu quả nặng nề sẽ làm tăng gánh nặng cho ngành y tế và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội (3). Vì vậy, tiến hành các nghiên cứu dịch tễ học bệnh loãng xương và các yếu tố nguy cơ là rất cần thiết để đưa ra những giải pháp dự phòng sớm. Một số nghiên cứu trước đây đã cho thấy có nhiều yếu tố nguy cơ gây loãng xương, trong đó yếu tố dinh dưỡng ngày càng được khẳng định là có vai trò quan trọng trong dự phòng bệnh lý này (4, 5).

Ở Việt nam, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tuổi thọ của con người cũng tăng lên, dự báo một sự gia tăng tỷ lệ loãng xương vì tuổi càng cao thì nguy cơ loãng xương càng nhiều. Nghiên cứu trước đây của Vũ Đình Chính và Vũ Thị Thanh Thuỷ cũng đã đề cập đến tỷ trọng xương và bước đầu ước tính sơ bộ tỷ lệ loãng xương ở một số đối tượng ở cộng đồng (6, 7). Tuy nhiên, xu hướng phát triển của bệnh loãng xương trong những năm gần đây và phân bố của bệnh này giữa các vùng địa lý vẫn là câu hỏi chưa được làm sáng tỏ. Do vậy, nghiên cứu này được tiến hành nhằm xác định tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ trưởng thành Hà nội, so sánh giữa khu vực ngoại thành và nội thành.

II. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1. Xác định tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ trưởng thành Hà nội.
2. So sánh tỷ lệ loãng xương giữa khu vực ngoại thành và nội thành Hà nội.

III.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Thiết kế nghiên cứu
Điều tra cắt ngang tại 30 xã, phường Hà nội

2. Đối tượng nghiên cứu
Phụ nữ trưởng thành từ 20 tuổi trở lên sống tại Hà nội

3. Phương pháp chọn mẫu
Tiêu chuẩn chọn mẫu:
- Không mắc các bệnh liên quan đến chuyển hoá xương
- Không có thai và không cho con bú
- Đồng ý tham gia nghiên cứu

Cỡ mẫu
Được tính theo công thức:
                                         n = Z2 x  p x (1-p) / d2 = 2170
Trong đó:     n: là cỡ mẫu
                    z = 1.96 với khoảng tin cậy 95%
                    p:  tỷ lệ loãng xương ước tính (13%)
                    d = 0.02

Sau khi cộng thêm 10% đối tượng bỏ cuộc, tổng số đối tượng được mời tham gia là 2400 (phụ nữ).

Cách chọn mẫu
Theo 2 bước:

Bước 1:
Chọn 30 xã, phường trong tổng số 228 xã, phường của Hà nội theo phương pháp xác suất tỷ lệ với kích thước dân số (PPS).

Bước 2
:
Tại mỗi xã, lập danh sách phụ nữ từ 20 tuổi trở lên. Sau đó, chọn ngẫu nhiên 80 đối tượng đủ tiêu chuẩn để tham gia vào nghiên cứu. Như vậy, tổng số đối tượng được mời tham gia tại 30 xã/ phường là: 80 (đối tượng)  x    30 (xã/ phường)  =  2400 (phụ nữ)

IV. PHƯƠNG PHÁP THU THẬP SỐ LIỆU
1. Thông tin chung về đối tượng như: tuổi, tuổi bắt đầu hành kinh, tuổi mãn kinh, tiền sử mắc các bệnh liên quan đến chuyển hoá xương... được thu thập bằng bộ câu hỏi được thiết kế sẵn.

2. Một số chỉ tiêu về tình trạng dinh dưỡng như: cân nặng, chiều cao, vòng eo, vòng mông, chỉ số BMI được xác định bằng phép đo nhân trắc.

3. Đo tỷ trọng xương:

Tỷ trọng xương được đo bằng phương pháp siêu âm định lượng với chỉ số tốc độ âm qua xương gót chân (ký hiệu: SOS, đơn vị: m/s), sử dụng máy siêu âm định lượng CM-100, Furuno, Nhật Bản. Sai số chính xác của máy là 0.3% (8).

Chẩn đoán loãng xương

Dựa vào ngưỡng T-score. Gía trị T-score của mỗi đối tượng được xác định dựa vào giá trị trung bình khối xương tối đa (PBM) của chính quần thể nghiên cứu và độ lệch chuẩn (SD) của giá trị đó theo phương trình :

                                             SOS đo được - PBM
T-score của đối tượng = ________________________
                                                          SD

Một người được xác định là loãng xương nếu giá trị T-score của người đó £ - 1.8.

V. XỬ LÝ SỐ LIỆU:
Sử dụng phần mềm SPSS 10.0 để nhập và xử lý số liệu. c2 test và T- test được áp dụng để so sánh tỷ lệ loãng xương và các giá trị trung bình giữa 2 nhóm đối tượng nghiên cứu. Bonferroni t-test được áp dụng để xác định trung bình khối xương tối đa. Dùng phép thống kê phân tích Kappa để so sánh tỷ lệ loãng xương xác định được bằng chính quần thể đang nghiên cứu (quần thể tự đối chiếu) với tỷ lệ xác định bằng giá trị ngưỡng của máy đo.

VI. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Một số đặc điểm chung của đối tượng:
Sau khi loại những đối tượng có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hoá xương, chúng tôi chọn được tổng số 2.232 phụ nữ để đưa vào phân tích (trong đó 1237 phụ nữ ở nội thành và 995 phụ nữ ngoại thành). Kết quả thu được như sau: mặc dù tuổi và tỷ trọng xương không khác nhau (Bảng 1), nhưng hầu hết các chỉ số về tình trạng dinh dưỡng ở nhóm phụ nữ ngoại thành đều thấp hơn có ý nghĩa so với nội thành. Tuổi mãn kinh ở phụ nữ ngoại thành cũng sớm hơn so với nhóm phụ nữ nội thành (p < 0.05).   

Bảng
1.  Một số đặc điểm chung của đối tượng:

Biến số

Nội thành

(n = 1237)

Ngoại thành

(n = 995)

Tuổi (năm)

  48,8 ± 16.3

   48,0  ±16.6

Tuổi bắt đầu hành kinh

14,3 ± 2.0

14,9 ± 1.9 **

Tuổi mãn kinh

48,3 ± 5.3

47,2 ± 5.3 *

Cân nặng (kg)

 50,7 ± 7.7  

   47,6 ± 7.1**

Chiều cao (cm)

151,8 ± 5.6

150,8 ± 5.5 **

BMI (kg/cm2)

 22,0 ± 3.1

   20,9 ± 2.7  **

Tỷ số vòng eo/ vòng mông

   0,83  ± 0.06

   0,81 ± 0.06 *

Chỉ số SOS (m/s)

1,516 ± 33

1,518 ± 35

  Independent T-  test     * p < 0.05      * * p < 0.001 

2. Trung bình khối xương tối đa:
Bằng phép thống kê Bonferroni t-test, chúng tôi xác định được trung bình khối xương tối đa (PBM) và độ lệch chuẩn (SD) của giá trị đó là 1,536 ± 30 m/s. Dựa vào giá trị này để xác định T-score cho từng đối tượng.

3. Tỷ lệ loãng xương theo nhóm tuổi:
Tỷ lệ loãng xương thô ước tính là 15.4% (Bảng 2). Sau khi hiệu chỉnh tuổi theo kết quả điều tra dân số năm 1999, tỷ lệ này là 9%. Phân tích Kappa cho thấy, tỷ lệ loãng xương xác định bằng 2 phương pháp: sử dụng ngưỡng T-score của chính quần thể nghiên cứu và sử dụng giá trị ngưỡng của máy đo có sự thống nhất tối đa (Kappa = 0.967, p<0.001). Cũng theo kết quả ở bảng 2, tỷ lệ loãng xương tăng dần theo nhóm tuổi tăng. Tuổi càng tăng thì tỷ lệ loãng xương càng tăng ((c2 = 669.7, p < 0.001). Đáng chú ý là tỷ lệ này tăng cao rất nhanh từ nhóm tuổi 50- 59 trở lên, đó là giai đoạn sau mãn kinh 5- 10 năm trở lên.

Bảng 2. Tỷ lệ loãng xương thô theo nhóm tuổi (%): 

Nhóm tuổi

n

Bình thường (%)

Loãng xương (%)

20-29

369

99.2

0.8

30-39

383

97.9

2.1

40-49

407

96.3

3.7

50-59

405

91.6

8.4

60-69

403

69.5

30.5

70-79

217

43.8

56.2

80+

48

20.8

79.2

Tổng cộng

2232

84.6

15.4


4. Tỷ lệ loãng xương theo thời gian mãn kinh:
Kết quả ở Hình 1 cho thấy: thời gian sau mãn kinh càng dài thì tỷ lệ loãng xuơng càng tăng (p < 0,01).

Hình 1. Tỷ lệ loãng xương theo thời gian mãn kinh

5. So sánh tỷ lệ loãng xương giữa khu vực ngoại thành và nội thành Hà nội
Khi so sánh giữa khu vực ngoại thành và nội thành, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ loãng xương có sự khác nhau giữa 2 nhóm đối tượng: chưa mãn kinh và sau mãn kinh. Kết quả ở hình 2 cho thấy: ở phụ nữ chưa mãn kinh, tỷ lệ loãng xương cao hơn ở khu vực nội thành so với ngoại thành (p < 0,01). Ngược lại, ở phụ nữ sau mãn kinh, tỷ lệ này lại cao hơn ở khu vực ngoại thành (p < 0.05).

*

  * *

( * p < 0.05    ** p < 0.01)

Hình 2. So sánh tỷ lệ loãng xương giữa khu vực nội và ngoại thành

VII.
BÀN LUẬN
Khi phân loại loãng xương theo ngưỡng T-score £ - 2.5 chúng tôi thấy: với cùng phương pháp siêu âm định lượng, tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ trưởng thành Hà nội năm 2003 (6.4%) đã tăng so với năm 2000 (5.7%) theo kết quả nghiên cứu của Vũ Thị Thanh Thuỷ và cộng sự (7). So sánh tỷ lệ loãng xương ở Việt nam với một số nước khác như : Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc cho kết quả như sau: với cùng 1 phương pháp chẩn đoán loãng xương và trên cùng độ tuổi thì tỷ lệ loãng xương ở Việt nam thấp hơn Nhật Bản, nhưng cao hơn ở Trung Quốc và Hàn Quốc (9, 10, 11).

VIII. KẾT LUẬN
1. Tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ trưởng thành Hà nội là 9%, tương đối cao so với các nước trong khu vực

2. Tỷ lệ loãng xương tăng tỷ lệ thuận với tuổi và thời gian sau mãn kinh.

3. Có sự khác nhau về tỷ lệ loãng xương giữa khu vực nội thành và ngoại thành ở 2 nhóm đối tượng: chưa mãn kinh và sau mãn kinh

IX. KHUYẾN NGHỊ
1. Sàng lọc loãng xương trên diện rộng là rất cần thiết

2.Trong thời gian tới, cần tiến hành các nghiên cứu can thiệp phối hợp để tìm ra giải pháp thích hợp dự phòng bệnh loãng xương tại Việt nam.

X. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. WHO. Bulletin of World Health Organization 1999; 77(5): 416- 426.

2. Miller, G.D., et al. Hand book of Dairy Foods and nutrition, second edition, 2000. National dairy Coucil, Washington, DC.

3. Barrett-Connor E. The economic and human costs of osteoporotic fracture. Am J Med 1995;98 (Suppl 2A):S3-8.

4. Takada H, et al. Risk factors for low bone mineral density among females: the effect of lean body mass. Prev Med 1997; 26: 633-641.

5. Uusi-Rasi K, et al. Associations of physical activity and calcium intake with bone mass and size in healthy women at different ages. J Bone Miner Res 1998; 13: 133-42.

6. Actual Nutrition Problems of Viet nam and Japan. Medical Publisher Ha Noi, 1998: 150-152.

7. Thuy VTT, et al. Assessment of low bone mass in Vietnamese: comparison of QUS calcaneal ultrasonometer and data-derived T-scores. J Bone Miner Metab 2003; 21: 114-119.

8. Kishimoto H, et al. Examination of the clinical usefulness of new ultrasonic bone density measurement equipment. Osteoporosis Japan 1997; 5 (4): 815-817.

9. Kim CH, et al. Prevalence and risk factors of low quantitative ultrasound values of calcaneus in Korean elderly women. Ultrasound Med Biol 2000 Jan;26(1):35-40

10. Iki M, et al. Bone Mineral Density of the Spine, Hip and Distal Forearm in Representative Samples of the Japanese Female Population. Osteoporos Int 2001; 12: 529-537.

11. Er-Yuan Liao, et al. Age-Related Bone Mineral Density, Accumulated Bone Loss Rate and Prevalence of Osteoporosis at Multiple Skeletal Sites in Chinese Women. Osteoporos Int 2002; 13: 669-676.


*THs, **PGS. TS, ***TS