Thiếu máu dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em

Cập nhật: 11/27/2014 - Lượt xem: 26052
1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA THIẾU MÁU DINH DƯỠNG
 

Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng Hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn mức bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu, bất kể vì lý do gì.


Các chất dinh dưỡng cần thiết cho việc cấu tạo chức năng của hồng cầu như protein, các acid amin, vitamin B12, acid folic, các vitamin khác như C, B6, B2, các muối khóang như sắt, đồng, kẽm, coban, molibden. Trong tất cả các yếu tố dinh dưỡng cần thiết đó, sắt là yếu tố có liên quan chặt chẽ nhất, các yếu tố khác như acid folic và vitamin B12 thì rất hiếm gặp.

 
Ở Việt Nam, thiếu máu được coi là vấn đề sức khoẻ cộng đồng. Cuộc điều tra toàn quốc năm 2000 cho thấy tỷ lệ thiếu máu phổ biến ở tất cả các vùng trong cả nước, tỷ lệ thiếu máu cao ở cả phụ nữ không có thai (24,3%), phụ nữ có thai (32,1%) và trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi (34,1%).

 
Thiếu sắt là nguyên nhân chính của thiếu máu ở Việt Nam. Khẩu phần ăn nghèo chất sắt và tình trạng nhiễm giun móc cao ở nhiều vùng là nguyên nhân quan trọng của thiếu máu dinh dưỡng ở nước ta. Thiếu máu dinh dưỡng được xác định là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng của bà mẹ và trẻ em, tác động tới một bộ phận lớn dân cư trong cộng đồng do đó cần phải quan tâm đặc biệt và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống.
 

2. CHẨN ĐOÁN THIẾU MÁU DINH DƯỠNG

 
Biểu hiện lâm sàng của thiếu máu thường nghèo nàn và âm thầm. Người bị thiếu máu có thể không tự nhận ra bệnh, điều đó gây khó khăn trong phòng chống bệnh này ở cộng đồng. Biểu hiện của thiếu máu nhẹ là: mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung.

 
Đối với trẻ em: Thường có các dấu hiệu da xanh, niêm mạc nhợt. Trẻ kém họat bát, thường học kém, hay buồn ngủ. Khi bị thiếu máu nặng, trẻ có khó thở, hay bị viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn khác.
 

Ở phụ nữ có thai: Phổ biến là da xanh, niêm mạc nhợt (niêm mạc mắt, lợi), móng tay khum hình thìa, lòng bàn tay nhợt nhạt, đầu lưỡi có một đám những hạt sắc tố đỏ sẫm, mệt mỏi, khi thiếu máu nặng thường có dấu hiệu chóng mặt, tim đập mạnh, khó thở khi lao động gắng sức…

 
Xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán thiếu máu là định lượng Hemoglobin (Hb). Trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai nếu Hb<11g/L và phụ nữ không có thai nếu Hb<12g/L được xác định là thiếu máu.

3. NGUYÊN NHÂN GÂY THIẾU MÁU DINH DƯỠNG

  • Do khẩu phần ăn không cung cấp đủ chất sắt: Có 2 nguồn sắt chính từ thực phẩm là sắt hem và sắt không hem. Sắt hem thường có mặt trong thịt, cá, thịt gia cầm cũng như trong tiết. Sắt hem có thể dễ dàng được hấp thu ở ruột, trong khi đó, sắt không hem phụ thuộc vào sự có mặt của một số chất làm tăng hay cản trở hấp thu sắt. Vitamin C, protein động vật và các acid hữu cơ trong hoa quả và rau có tác dụng làm tăng khả năng hấp thu chất sắt không hem. Các chất ức chế hấp thu sắt thường có trong các thực phẩm nguồn gốc thực vật, như phytate ở trong gạo và các loại ngũ cốc, như tanin trong một số loại rau, trà và cà phê.

  • Do nhu cầu sắt: Trẻ em là lứa tuổi đang lớn nhanh nên có nhu cầu sắt cao. Một đứa trẻ sinh đủ tháng có dự trữ sắt tốt, nhu cầu sắt sẽ được đáp ứng cho tới 6 tháng tuổi. Cơ thể trẻ sơ sinh sẽ sử dụng lượng sắt từ từ trong 6 tháng đầu tiên. Sau khoảng thời gian này, bắt đầu có sự thiếu hụt sắt, cần được bù đắp từ các thức ăn bổ sung.

Phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) bị mất sắt theo kinh nguyệt hàng tháng

Đối với phụ nữ có thai, sắt cần cho sự phát triển của thai, rau thai và tăng khối lượng máu của mẹ.

Đối với phụ nữ cho con bú, sắt được tiết theo sữa nuôi con.

  • Do mất máu khi nhiễm ký sinh trùng đường ruột, đặc biệt là giun móc vì nó gây mất máu đường tiêu hóa và gây thiếu sắt.

  • Do mắc các bệnh về máu khác

4. HẬU QUẢ CỦA THIẾU MÁU DINH DƯỠNG


  • Ảnh hưởng tới khả năng lao động: Thiếu máu gây nên tình trạng thiếu oxy ở các tổ chức, đặc biệt ở một số cơ quan như tim, não. Nghiên cứu ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy năng suất lao động của những người bị thiếu máu thấp hơn hẳn những người bình thường. Tình trạng thiếu sắt nhưng chưa thể hiện thiếu máu cũng làm giảm khả năng lao động.

  • Ảnh hưởng tới năng lực trí tuệ: Thiếu máu là cho trẻ em kém phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Các biểu hiện mất ngủ, kém chú ý, kém tập trung, dễ bị kích thích hay gặp ở những người thiếu máu. Kết quả học tập của các em học sinh bị thiếu máu thấp hơn hẳn so với trẻ bình thường và chỉ khắc phục sau khi các em đã được bổ sung viên sắt.

  • Ảnh hưởng tới thai sản: Thiếu máu làm tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của mẹ và con. Những bà mẹ bị thiếu máu có nguy cơ đẻ con nhẹ cân và dễ bị chảy máu ở thời kỳ hậu sản. Vì vậy người ta coi thiếu máu dinh dưỡng trong thời kỳ thai nghén là một đe dọa sản khoa.

5. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG THIẾU MÁU DINH DƯỠNG


5.1. Đa dạng hóa bữa ăn


Đa dạng hóa bữa ăn là giải pháp bền vững nhất để cải thiện tình trạng vi chất của người dân.

                     

Cần cung cấp đủ năng lượng và các thực phẩm giàu sắt cho người mẹ, hướng dẫn lựa chọn các thực phẩm giàu sắt, hạn chế sử dụng các thực phẩm hay đồ uống chứa chất ức chế hấp thu sắt như nước chè đặc, cà phê… Khuyến khích cách chế biến hạt nẩy mầm, lên men như làm giá đỗ, dưa chua để tăng lượng vitamin C và giảm acid phytic trong thực phẩm. Phát triển chăn nuôi gia đình, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái vườn-ao-chuồng (VAC) để tạo nguồn thức ăn thường xuyên trong gia đình.

                     


Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng và cho ăn bổ sung hợp lý. Tăng cường cho trẻ ăn thức ăn giàu sắt.

5.2. Bổ sung viên sắt


Bổ sung viên sắt được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Giải pháp này có khả năng cải thiện nhanh tình trạng sắt trên cộng đồng và đặc biệt có giá trị trong những trường hợp tăng nhu cầu trong một giai đọan ngắn và biết trước được (như bổ sung trong giai đoạn có thai, trẻ em đang lớn, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ).

Thực hiện bổ sung viên sắt/acid folic cho phụ nữ có thai và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, không có thai. Liều uống bổ sung:

Đối với phụ nữ có thai: Uống viên sắt từ khi phát hiện có thai cho đến 1 tháng
sau đẻ.  Uống đều đặn hàng ngày, mỗi ngày 1 viên.

                      

Đối với phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ không có thai:
Uống theo phác đồ hàng tuần, mỗi tuần uống một viên. Uống vào một ngày nhất định trong mỗi tuần, tối thiểu uống liên tục trong 4 tháng/ năm (tổng số là 16 viên), nếu có điều kiện uống liên tục trong cả năm.


                      

Khi uống viên sắt có thể gặp một vài tác dụng phụ như lợm giọng, buồn nôn, táo bón nhẹ, đi ngoài phân đen nhưng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Để khắc phục, có thể uống liều tăng dần (uống cách 1 ngày 1 viên sau tăng lên uống hàng ngày), uống vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Viên sắt cần được bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ẩm gây mùi khó uống và giảm chất lượng thuốc. Cần đóng sẵn vào túi nilon nhỏ, tiện cấp phát hàng tháng và bảo quản thuốc khỏi mốc hoặc vỡ.

Cán bộ y tế và cộng tác viên cần cung cấp thông tin, giải thích hướng dẫn và giám sát việc uống viên sắt đều đặn, đủ liều.

Tổ chức triển khai hoạt động: Bổ sung viên sắt là hoạt động đòi hỏi tính xã hội hóa. Vì vậy cần phải huy động sự tham gia của cộng đồng, không chỉ đơn thuần khư trú trách nhiệm ở ngành y tế với số lượng cán bộ còn quá mỏng. Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể có uy tín trong cộng đồng như đội ngũ lãnh đạo địa phương, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân... tham gia một cách cụ thể và thống nhất.

Cộng tác viên sẽ phụ trách khoảng 30-50 gia đình, đảm nhiệm việc phân phối viên sắt hàng tháng cho phụ nữ không có thai, nhắc nhở bà mẹ có thai đi khám thai và giám sát việc uống viên sắt. Đồng thời, họ sẽ tham gia vào công tác tuyên truyền, giáo dục dinh dưỡng trực tiếp đến từng gia đình. Cộng tác viên sẽ được tập huấn và phát các tài liệu hướng dẫn thực hành về giáo dục truyền thông, giáo dục dinh dưỡng.

Đối với thiếu nữ đang học ở các trường phổ thông trung học, ngành y tế phối hợp với nhà trường cho nữ sinh từ 15 tuổi trở lên được uống viên sắt hàng tuần, mỗi tuần một viên theo phác đồ bổ sung hàng tuần. Ở các xã/ phường, y tế cần phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ tổ chức và quản lý việc uống viên sắt hàng tuần của đối tượng này.

Đối với phụ nữ có thai, áp dụng bổ sung viên sắt theo phác đồ bổ sung hàng ngày.

Giám sát việc bổ sung viên sắt: Việc bổ sung viên sắt chỉ có thể đạt được hiệu quả nếu mỗi đối tượng tự giác hưởng ứng, tham gia và nhận thức được tác dụng của viên sắt đối với sức khỏe của mình. Do đó, công tác giáo dục truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, sự thành công của chương trình cũng phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống phân phối và giám sát của các cấp.

Các trạm y tế xã/phường cần giám sát một cách thường xuyên việc uống viên sắt của các đối tượng.

Ít nhất mỗi tuần một lần cộng tác viện gặp gỡ, nhắc nhở đối tượng. Cần sử dụng hệ thống truyền thanh ở xã phường để phổ biến những thông điệp về uống viên sắt, giáo dục, hướng dẫn ăn uống hợp lý và thực hành vệ sinh.

Cán bộ chương trình cấp tỉnh và huyện cần tổ chức thường xuyên các đợt giám sát xuống xã/ phường, tìm ra những khó khăn và đưa ra các giải pháp can thiệp kịp thời.

5.3. Phòng chống các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét và vệ sinh môi trường


Phòng chống các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là một trong những giải pháp phòng chống thiếu máu. Cải thiện môi trường được coi là một yếu tố cần thiết đi kèm trong tất cả các can thiệp phòng chống thiếu máu hay thiếu vi chất ở các nước đang phát triển như nước ta. Định kỳ tẩy giun, đặc biệt giun móc sẽ có tác động tới cải thiện tình trạng sắt. Khuyến nghị tẩy giun định kỳ hàng năm bằng Mebendazol và Albendazol, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi.

Các giải pháp phối hợp là vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân: Khuyến khích thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sử dụng nước sạch cho ăn uống. Xử lý phân rác hợp vệ sinh, không dùng phân tươi bón ruộng, sử dụng bảo hộ lao động khi làm nông nghiệp.

                      

5.4. Tăng cường sắt vào thực phẩm


Tăng cường sắt vào thực phẩm là một giải pháp lựa chọn chiến lược có hiệu quả và an toàn cao. Tăng cường sắt vào thực phẩm đã được triển khai tốt ở các nước phát triển và các nước đang phát triển. Trên thế giới sắt được tăng cường vào các lọai thức ăn như sữa, bột ngũ cốc, bánh mì, mì ăn liền, sữa bột đậu tương, bánh bích quy. Ở Việt Nam sắt được tăng cường vào nước mắm, bánh bích qui, bánh dinh dưỡng Mumsure cho phụ nữ trước khi có thai, phụ nữ có thai và cho con bú, bột dinh dưỡng cho thời kỳ ăn bổ sung, bột dinh dưỡng Growsure…Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của bổ sung sắt trong việc cải thiện tình trạng sắt cơ thể của trẻ.

                                                                            Nguồn: Viện Dinh dưỡng