Suy dinh dưỡng-Protein năng lượng

Cập nhật: 11/27/2014 - Lượt xem: 46360
1. NỘI DUNG

Suy dinh dưỡng protein-năng lượng (Protein-Energy Malnutrition: PEM) là loại thiếu dinh dưỡng quan trọng, khó có bệnh nào có thể so sánh được về ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng. Thuật từ Suy dinh dưỡng protein- năng lượng ở trẻ em do Jelliffe nêu lên lần đầu vào năm 1959. Theo ông, các thể bệnh suy dinh dưỡng protein-năng lượng đều có liên quan tới khẩu phần ăn thiếu protein và thiếu năng lượng ở các mức độ khác nhau.


Mặc dù gọi là suy dinh dưỡng protein-năng lượng nhưng đây không chỉ là tình trạng thiếu hụt pro- tein và năng lượng mà thường thiếu kết hợp nhiều chất dinh dưỡng khác, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng cũng có thể thấy ở trẻ lớn hơn như tuổi vị thành niên và ở cả người lớn, nhất là ở phụ nữ tuổi sinh đẻ.

Ở nước ta, từ thập kỷ 80 về trước, các thể suy dinh dưỡng như Kwashiorkor, Marasmus gặp khá nhiều trong bệnh viện cũng như ở cộng đồng. Mấy năm gần đây, các thể này đã trở lên hiếm gặp, hiện nay chủ yếu là thể nhẹ và thể vừa, biểu hiện là trẻ chậm lớn, nhẹ cân, thấp còi. Hiện nay, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi của Việt Nam vẫn đang ở một tỷ lệ cao, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi. Do đó, đây còn là vấn đề sức khoẻ cộng đồng quan trọng ở nước ta.

Trẻ bị suy dinh dưỡng có biểu hiện chậm phát triển thể lực và trí tuệ: trẻ quá thấp, quá gầy so với tuổi, thể lực yếu, học kém.  Hậu quả của suy dinh dưỡng thường không thể khắc phục được, với trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng trưởng, khi lớn lên sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập và lao động. Suy dinh dưỡng có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào, tuy nhiên, suy dinh dưỡng có thể phòng tránh được.

Suy dinh dưỡng trẻ em làm giảm khả năng phát triển về trí tuệ và thể chất của trẻ em, đó là thế hệ tương lai của quốc gia, vì vậy sẽ có ảnh hưởng dài hạn đến sự phát triển kinh tế xã hội. Người ta ước tính có đến 150 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trên toàn thế giới (WHO 2004) và đã đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (UNICEF 1990). Đây là vấn đề rất quan trọng nhằm đạt được Mục tiêu của Thiên niên kỷ nhằm giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở trẻ em.

2. NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY RA SUY DINH DƯỠNG TRẺ EM

2.1. Nguyên nhân suy dinh dưỡng protein- năng lượng:

Nguyên nhân trực tiếp: Phải kể đến là thiếu ăn về số lượng hoặc chất lượng và mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ em trước tuổi học đường là đối tượng bị suy dinh dưỡng cao nhất bởi vì cơ thể ở giai đoạn phát triển nhanh, nhu cầu dinh dưỡng cao và do không được ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Nuôi con bằng sữa mẹ không đúng và cho ăn bổ sung không hợp lý đóng vai trò quan trọng đối với suy dinh dưỡng. Không cho trẻ bú sớm sau sinh, không cho trẻ bú sữa non, không cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cai sữa sớm, không tận dụng nguồn sữa mẹ, cho trẻ bú bình, cho trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, thức ăn bổ sung không đủ các chất dinh dưỡng, số lượng thức ăn bổ sung không đủ theo độ tuổi là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến suy dinh dưỡng.

Nhiễm khuẩn dễ đưa đến suy dinh dưỡng do rối loạn tiêu hoá, và ngược lại suy dinh dưỡng dễ dẫn tới nhiễm khuẩn do đề kháng giảm. Do đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng có thể dao động theo mùa và thường cao trong các mùa các bệnh nhiễm khuẩn lưu hành ở mức cao (tiêu chảy, viêm hô hấp, sốt rét...).

Trong những năm tháng đầu tiên sau khi ra đời, những trẻ đã bị kém phát triển trong thời kỳ bào thai (suy dinh dưỡng bào thai) có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng cao. Tình trạng kém phát triển của trẻ biểu hiện qua cân nặng theo tuổi và chiều cao theo tuổi thấp, xảy ra trong khoảng thời gian tương đối ngắn, từ khi mới sinh đến khi trẻ được 2 năm.

Nguyên nhân sâu xa: do sự bất cập trong dịch vụ chăm sóc bà mẹ, trẻ em, các vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường và tình trạng nhà ở không đảm bảo, mất vệ sinh.

Nguyên nhân gốc rễ: là tình trạng đói nghèo, lạc hậu về các mặt phát triển nói chung bao gồm sự mất bình đẳng về kinh tế.

2.2. Các bệnh thường đi kèm:

Thông thường suy dinh dưỡng thường đi kèm với tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng khác, dù có hay không có biểu hiện lâm sàng như thiếu vitamin A, acid folic, sắt... với các mức độ thay đổi theo từng vùng địa phương khác nhau. Một số các vi chất dinh dưỡng trong số đó cũng đang được xem xét gây ra quá trình chậm lớn, chậm phát triển của cơ thể như iod, sắt và kẽm.

Như vậy, suy dinh dưỡng protein-năng lượng thực chất là tình trạng bệnh lý do thiếu nhiều chất dinh dưỡng hơn là thiếu protein và năng lượng đơn thuần.

Giai đoạn từ khi sinh đến 2 tuổi là giai đoạn cửa sổ quan trọng để trẻ có thể phát triển và tăng trưởng tối ưu về cả thể chất và hành vi. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng đây là thời điểm xuất hiện sự suy giảm về tăng trưởng, thiếu các vi chất quan trọng và tăng các bệnh nhiễm khuẩn thông thường như tiêu chảy, viêm đường hô hấp. Sau khi trẻ qua tuổi thứ 2 thì rất khó có thể biến chuyển được tình trạng thấp còi đã xảy ra trước đó. Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung còn kém, cùng với các bệnh nhiễm khuẩn là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy dinh dưỡng trẻ em trong 2 năm đầu đời. Do đó, nuôi dưỡng trẻ nhỏ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe và sự sống còn của trẻ. WHO và UNICEF khuyến nghị rằng trẻ em cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và sau đó được ăn bổ sung đầy đủ hợp lý cùng với bú mẹ kéo dài cho tới 2 tuổi và hơn thế.

3. PHÂN LOẠI

3.1. Phân loại theo lâm sàng

Đây là cách phân loại khá kinh điển, gồm các thể thiếu dinh dưỡng nặng sau:

Suy dinh dưỡng thể teo đét (Marasmus): Hay gặp trên lâm sàng.

Hình 1: Trẻ suy dinh dưỡng nặng thể Marasmus

Đó là thể thiếu dinh dưỡng rất nặng, do chế độ ăn thiếu cả năng lượng lẫn protein. Suy dinh dưỡng thể teo đét (Marasmus) có thể xảy ra ngay trong năm đầu tiên, điều này khác với suy dinh dưỡng nặng thể phù (Kwashiorkor)-chủ yếu xảy ra ở nhóm 1-3 tuổi. Cai sữa quá sớm hoặc thức ăn bổ sung không hợp lý là nguyên nhân phố biến dẫn tới thể suy dinh dưỡng này. Khi đó, đứa trẻ rơi vào tình trạng kém ăn, các bệnh nhiễm khuẩn thường gắn liền với vòng luẩn quẩn đó là tiêu chảy và viêm đường hô hấp.

Suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor): Ít gặp hơn so với thể Marasmus.

Bệnh thường gặp ở trẻ trên 1 tuổi, nhiều nhất là giai đoạn từ 1-3 tuổi. Hiếm gặp ở người lớn, nhưng vẫn có thể gặp khi xảy ra nạn đói nặng nề, nhất là đối với phụ nữ. Thường do chế độ ăn quá nghèo về protein và glucid tạm đủ hoặc thiếu nhẹ (nhất là đối với chế độ ăn sam chủ yếu dựa vào khoai sắn). Suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor thường kèm theo tình trạng nhiễm khuẩn từ vừa đến nặng. Tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A, thiếu máu do thiếu sắt nặng thường biểu hiện khá rõ rệt ở những đứa trẻ bị Kwashiorkor.

Ngoài ra, theo phân loại lâm sàng còn có thể trung gian (Marasmic-Kwashiorkor), thể này thường gặp hơn nhiều so với hai thể trên với mức độ bệnh nhẹ hơn.

3.2. Phân loại suy dinh dưỡng trên cộng đồng

Để xác định tình trạng suy dinh dưỡng, chủ yếu người ta dựa vào các chỉ tiêu nhân trắc (cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi và cân nặng theo chiều cao).

Từ năm 2006 Chuẩn tham khảo của WHO (WHO 2006) được khuyến cáo sử dụng và cho tới nay, đây là thang phân loại được chấp nhận rộng rãi trên thế giới.

Dựa trên cân nặng, chiều cao của trẻ và so sánh với quần thể chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới năm 2006, người ta chia SDD thành 3 thể:

SDD THỂ NHẸ CÂN: Cân nặng thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới (sử dụng điểm ngưỡng cân nặng theo tuổi dưới -2SD)

SDD THỂ THẤP CÒI: Là giảm mức độ tăng trưởng của cơ thể, biểu hiện của SDD mạn tính, có thể bắt đầu sớm từ SDD bào thai do mẹ bị thiếu dinh dưỡng. Được xác định khi chiều cao thấp hơn với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới (dưới -2SD).

SDD THỂ GÀY CÒM: Là hiện tượng cơ và mỡ cơ thể bị teo đi, được coi là SDD cấp tính vì thường biểu hiện trong thời gian ngắn. Được xác định khi cân nặng theo chiều cao dưới -2SD.

4. HẬU QUẢ CỦA SUY DINH DƯỠNG

Trẻ bị suy dinh dưỡng có biểu hiện chậm phát triển thể lực và trí tuệ: trẻ quá thấp, quá gầy so với tuổi, thể lực yếu, học kém. Hậu quả của suy dinh dưỡng thường không thể khắc phục được, với trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng trưởng, khi lớn lên sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập và lao động thể lực, trí lực cũng như một số bệnh mạn tính ở tuổi trưởng thành. Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, vì vậy sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Trẻ có cân nặng theo tuổi thấp thường hay bị bệnh như tiêu chảy và viêm phổi. Suy dinh dưỡng làm tăng tỷ lệ tử vong. Ước tính riêng trong năm 1995, có 11,6 triệu ca trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển bị tử vong vì tất cả các nguyên nhân khác nhau thì có 6,3 triệu ca (chiếm 54%) bị suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng ảnh hưởng rõ rệt đến phát triển trí tuệ, hành vi và khả năng học hành của trẻ, khả năng lao động đến tuổi trưởng thành.

Suy dinh dưỡng trẻ em thường để lại những hậu quả nặng nề. Gần đây, nhiều bằng chứng cho thấy suy dinh dưỡng ở giai đoạn sớm, nhất là trong thời kỳ bào thai có mối liên hệ với mọi thời kỳ của đời người. Hậu quả của thiếu dinh dưỡng có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Phụ nữ đã từng bị suy dinh dưỡng trong thời kỳ còn là trẻ em nhỏ hoặc trong độ tuổi vị thành niên đến khi lớn lên trở thành bà mẹ bị suy dinh dưỡng. Bà mẹ bị suy dinh dưỡng thường dễ đẻ con nhỏ yếu, cân nặng sơ sinh (CNSS) thấp. Hầu hết những trẻ có CNSS thấp bị suy dinh dưỡng (nhẹ cân hoặc thấp còi) ngay trong năm đầu sau sinh. Những trẻ này có nguy cơ tử vong cao hơn so với trẻ bình thường và khó có khả năng phát triển bình thường.

Tác giả Barker nêu ra một giả thuyết mới về nguồn gốc bào thai của một số bệnh mạn tính. Theo ông, các bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá ở người trưởng thành có thể có nguồn gốc từ suy dinh dưỡng bào thai.

Chính vì thế, phòng chống suy dinh dưỡng bào thai hoặc trong những năm đầu tiên sau khi ra đời có một ý nghĩa rất quan trọng trong dinh dưỡng theo chu kỳ vòng đời.

5. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG SUY DINH DƯỠNG


Cuối thế kỷ 20, Tổ chức Y tế Thế giới đã coi 4 vấn đề thiếu dinh dưỡng quan trọng nhất ở các nước đang phát triển là thiếu dinh dưỡng protein năng lượng, thiếu vitamin A, thiếu máu thiếu sắt, thiếu iod, trong đó thiếu dinh dưỡng protein năng lượng là quan trọng nhất.

Hiện nay, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã trở thành một hoạt động dinh dưỡng quan trọng ở nước ta trong đó mục tiêu hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng được đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các cấp chính quyền, các địa phương. Hiện nay, nhiệm vụ này được giao cho ngành y tế (Viện Dinh dưỡng là cơ quan thường trực triển khai). Phương châm dự phòng chủ đạo là thực hiện chăm sóc sớm, chăm sóc mọi đứa trẻ và tập trung ưu tiên vào giai đoạn 2 năm đầu tiên. Các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng bao gồm:

5.1. Chăm sóc dinh dưỡng và sức khoẻ cho bà mẹ có thai và cho con bú

Tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của bà mẹ trước và trong suốt thời kỳ mang thai có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ lúc mới sinh và những tháng đầu tiên của cuộc đời trẻ. Cụ thể  bà mẹ nên làm được những điều sau:

  • Quản lý tốt thai nghén và chăm sóc bà mẹ sau đẻ: Khám thai ít nhất một lần trong mỗi thai kì để theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh như bệnh sốt rét, bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục và các bệnh nhiễm trùng khác ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của bào thai. Vận động họ không có thai sớm và các lần sinh nên cách xa nhau.

  • Thực hiện tư vấn, giáo dục dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai. Uống bổ sung vi chất đặc biệt như chất sắt, acid folic, canxi, i-ốt ở phụ nữ trẻ và các bà mẹ trước thời kỳ thai nghén và đặc biệt trong thời kỳ mang thai.Thực hiện bà mẹ uống viên sắt /acid folic đầy đủ phòng chống thiếu máu, uống vitamin A liều cao ngay sau đẻ. Bổ sung đa vi chất cho phụ nữ có thai (giải pháp đã thí điểm hiệu quả tại một số địa phương có tỷ lệ phụ nữ có thai thiếu máu cao và tỷ lệ thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi cao).

  • Cải thiện bữa ăn gia đình và bữa ăn của bà mẹ có thai, cho con bú. Ăn uống đủ cả lượng và chất trong thời kỳ mang thai.

5.2. Nuôi con bằng sữa mẹ

Trong những năm gần đây, ít có vấn đề được quan tâm nhiều trong dinh dưỡng trẻ em bằng vấn đề sữa mẹ. Sở dĩ như vậy vì:

Trước hết sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ. Các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ đều dễ hấp thu và tiêu hoá.

Sữa mẹ là dịch thể sinh học tự nhiên chứa nhiều yếu tố quan trọng bảo vệ cơ thể đứa trẻ mà không một thức ăn nào có thể thay thế được, đó là: các globulin miễn dịch, chủ yếu là IgA có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh đường ruột và một số bệnh do virus. Lysozym là một loại men có nhiều hơn hẳn trong sữa mẹ so với sữa bò. Lysozym ngăn ngừa vi khuẩn và một số virus gây bệnh. Lactoferrin là một protein kết hợp với sắt có tác dụng ức chế một số loại vi khuẩn gây bệnh cần sắt để phát triển. Các bạch cầu. Trong 2 tuần lễ đầu, trong sữa mẹ có tới 4000 tế bào bạch cầu/mL. Các bạch cầu này có khả năng tiết IgA, lysozym, lactoferrin, interferon. Yếu tố bifidus cần cho sự phát triển loại vi khuẩn gây bệnh và ký sinh trùng.

Nuôi con bằng sữa mẹ là điều kiện để đứa con có nhiều thời gian gần gũi với mẹ, mẹ gần gũi với con. Chính sự gần gũi tự nhiên đó là yếu tố tâm lý quan trọng giúp cho sự phát triển hài hoà của đứa trẻ. Mặt khác, chỉ có người mẹ qua sự quan sát tinh tế của mình những khi cho con bú sẽ phát hiện được sớm nhất, đúng nhất những thay đổi của con bình thường hay bệnh lý. Nuôi con bằng sữa mẹ cần chú ý các đặc điểm sau:

Yêu cầu nuôi con bằng sữa mẹ: Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho con bú kéo dài đến 18-24 tháng, ít nhất là 12 tháng. Mặc dù số lượng sữa ngày càng ít đi nhưng chất lượng vẫn tốt, do đó cho bú kéo dài là cách nâng cao chất lượng bữa ăn của trẻ một cách tự nhiên. Cho bú không cứng nhắc theo giờ giấc, mà theo nhu cầu của trẻ.

5.3. Thực hiện ăn bổ sung hợp lý


Trong 6 tháng đầu, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất đối với đứa trẻ. Nhưng từ 6 tháng trở đi, số lượng sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu của đứa trẻ đang lớn nhanh. Do đó các bà mẹ cho con ăn sam (ăn bổ sung, ăn dặm), thông thường ở nước ta là các loại bột, nhất là bột gạo.

Thức ăn bổ sung cần có đậm độ năng lượng thích hợp: Trong sữa mẹ, 50% năng lượng là do chất béo, trong bột gạo chỉ có 1-3% năng lượng chất béo. Chế độ ăn có đậm độ năng lượng thấp thì phải ăn nhiều hơn mới đáp ứng được nhu cầu, điều đó không dễ thực hiện vì dạ dày của trẻ còn bé, cho nên trẻ đã có cảm giác no ngừng ăn khi chưa đạt yêu cầu. Ở các nước phát triển đậm độ năng lượng của thức ăn bổ sung thường là 2 kcal/1g trong khi ở các nước đang phát triển chỉ có 1kcal/1g, đó là lý do gây nên tình trạng thiếu năng lượng kéo dài.

Thức ăn bổ sung phải có độ đặc thích hợp: Sữa là một thức ăn lỏng. Thức ăn cho trẻ phải chuyển dần từ thể lỏng sang thể sền sệt rồi mới đặc dần. Bát bột nấu lên khi còn nóng ở dạng lỏng, càng nguội càng đặc lại, nếu pha thêm nước để đạt độ lỏng thích hợp thì sẽ làm giảm đậm độ năng lượng như vậy giữa độ keo đặc và độ đậm năng lượng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Cách làm tăng độ đậm năng lượng và giảm độ đặc chủ yếu là cho ăn nhiều lần, tăng thêm dầu mỡ vào thức ăn của trẻ, trẻ con tiêu hoá và hấp thụ tốt các loại thức ăn. Tăng thêm dầu ăn và các loại bột đậu đỗ làm tăng độ đậm năng lượng, đậm độ protein, giảm độ đặc. Chế độ ăn của trẻ có thể lên tới 35-40% năng lượng do chất béo.

Tăng độ hoà tan của các loại thức ăn bổ sung: Các bột khoai có độ keo đặc thấp hơn bột gạo. Các loại hạt nẩy mầm đem phơi hoặc sấy khô có đậm độ nhiệt lượng cao hơn và độ keo đặc thấp hơn bình thường: nhiều nơi nghiên cứu thành công dùng loại bột các hạt nảy mầm (bột mộng) cho vào thức ăn của trẻ em để tăng độ hoà tan. Hơn thế nữa quá trình mọc mộng còn tăng thêm hàm lượng riboflavin, niacin và sắt. Nhiều nơi ở nước ta đã nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp này.

Thức ăn bổ sung cần có đủ và cân đối về các chất dinh dưỡng: Nếu chỉ ăn bột gạo với một tỷ lệ mắm muối, mì chính là không đủ, phải tô màu cho bát bột của trẻ với đầy đủ 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới. Các thực phẩm nhóm 1 cung cấp phần lớn năng lượng cho cơ thể, các thực phẩm từ nhóm 2 đến nhóm 5 là nguồn cung cấp protein cho cơ thể, các thực phẩm trong nhóm 6 và nhóm 7 là nguồn cung vitamin, chất khoáng và chất xơ, các thực phẩm trong nhóm 8 là nguồn cung cấp dung môi hòa tan các vitamin tan trong chất béo và cũng là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể .

Theo WHO/UNICEF (2010), trẻ 6-23 tháng tuổi cần phải được ăn đa dạng thức ăn với khẩu phần có từ 4 nhóm thực phẩm trở lên trong 7 nhóm thực phẩm sau:

  • Ngũ cốc, khoai củ

  • Đậu đỗ, hạt có dầu

  • Sữa và chế phẩm

  • Thịt, cá, hải sản và chế phẩm

  • Trứng

  • Rau qủa giàu vitamin A

  • Các loại rau quả khác

Ngoài ra, ở Việt Nam cần lưu ý thêm nhóm chất béo (dầu, mỡ).

Về số bữa ăn tối thiểu trẻ cần được ăn trong ngày theo độ tuổi: Cũng theo WHO/UNICEF (2010), ở trẻ 6-8 tháng tuổi đang bú mẹ cần được ăn 2 bữa; trẻ 9 – 23 tháng đang bú mẹ cần được ăn 3 bữa. Với trẻ không bú mẹ, tất cả độ tuổi 6-23 tháng đều cần được ăn 4 bữa.

Đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em lớn lên theo tháng tuổi: Trẻ em là một cơ thể đang lớn nhanh, một đứa trẻ bình thường sau 5 tháng tuổi cân nặng sẽ tăng gấp đôi, sau 12 tháng cân nặng sẽ tăng gấp 3 so với khi mới ra đời. Vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của trẻ tính theo đơn vị cân nặng cao hơn người lớn trong khi sức ăn của trẻ lại có hạn, chức năng miễn dịch của trẻ em chưa được đầy đủ vì vậy, các thiếu sót về vệ sinh trong thời kỳ ăn sam và cai sữa đều có thể gây ra tiêu chảy.

Thức ăn bổ sung có đậm độ năng lượng thích hợp vào khoảng 1,5-2 kcal/g. Nếu không đạt được cần phải cho ăn với lượng nhỏ nhiều lần. Đậm độ protein nghĩa là tỷ lệ % năng lượng do protein cung cấp trong chế độ ăn nên đạt được từ 10%-15%. Protein cần đảm bảo chất lượng có đủ acid amin cần thiết. Trong sữa mẹ 50% năng lượng do chất béo cung cấp. Chế độ ăn bổ sung hoặc thay thế sữa mẹ ở ta thường có đậm độ năng lượng thấp là do nghèo chất béo. Do đó, đưa chất béo dưới dạng các loại dầu mỡ vào chế độ ăn của trẻ em là phương hướng hiện nay rất đáng quan tâm.

Ngoài ra, chế độ ăn của trẻ cần có đủ các vitamin và khoáng chất: Hàm lượng các vitamin cần thiết trong sữa mẹ thay đổi tuỳ theo chế độ ăn của người mẹ, do đó chế độ ăn của người mẹ khi có thai và cho con bú cần được đảm bảo. Các loại bột gạo xát trắng thường mất hết vitamin này trong khi bột đậu xanh, thịt lợn nạc lại có nhiều. Nhiều trường hợp bệnh xảy ra do chế độ ăn của bà mẹ sau đẻ quá kiêng khem làm cho sữa nghèo vitamin B1. Bệnh khô mắt do thiếu vitamin A là một bệnh thiếu dinh dưỡng nguy hiểm, rất hay gặp ở trẻ em suy dinh dưỡng và có thể gây ra mù loà suốt đời. Lòng đỏ trứng, rau xanh và các loại củ, quả có màu là nguồn của vitamin A và caroten quan trọng. Rau xanh và các loại củ, quả còn cung cấp cho cơ thể trẻ vitamin C. Phòng bệnh còi xương do thiếu vitamin D phải kết hợp giữa chế độ ăn và tắm nắng hợp lý. Dưới tác dụng của các tia tử ngoại chất dehydrocholesterol ở dưới da sẽ chuyển thành vitamin D.

Các chất khoáng: Trong sữa mẹ có các chất khoáng quan trọng đối với trẻ như calci và sắt có hàm lượng thích hợp và dễ hấp thu. Chất sắt trong thức ăn được hấp thu nhiều hay ít tuỳ thuộc loại thức ăn, chất sắt trong thức ăn động vật được hấp thu nhiều nhất tiếp theo là đậu đỗ còn trong ngũ cốc được hấp thu ít. Vitamin C có nhiều trong rau quả làm tăng hấp thu chất sắt.

5.4. Đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau đẻ

Trẻ em 6-36 tháng tuổi cần được bổ sung vitamin A liều cao 2 lần/năm. Các bà mẹ sau đẻ cần được uống 1 liều vitamin A 200.000 IU trong vòng một tháng sau đẻ (xem bài phòng chống thiếu vitamin A).

5.5. Thực hiện nuôi dưỡng tốt khi trẻ bị bệnh.

Như trên đã nêu, các bệnh nhiễm khuẩn nhất là tiêu chảy và viêm đường hô hấp khá phổ biến và là nguyên nhân quan trọng dẫn đến suy dinh dưỡng. Vì vậy, cần kết hợp với các hoạt động lồng ghép chăm sóc trẻ ốm cả về y tế và nuôi dưỡng. Cần thay đổi những quan niệm không phù hợp như kiêng mỡ, kiêng rau xanh khi trẻ bị tiêu chảy.Cụ thể cần làm những việc sau:

-  Tiếp tục và tăng cường cho trẻ bú trong thời gian trẻ bị bệnh.

-  Với trẻ trên 6 tháng tuổi, hãy tiếp tục cho trẻ ăn bổ sung (ăn dặm) và động viên trẻ ăn.

-  Trong thời gian hồi phục bệnh, ngay khi trẻ có thể và muốn ăn, hãy cho trẻ ăn nhiều hơn (sữa mẹ và thức ăn bổ sung) và tiếp tục cho ăn nhiều càng lâu càng tốt.

-  Đưa trẻ đến Trạm y tế để:

  • Được hướng dẫn bổ sung vitamin A nếu trẻ bị sởi, bổ sung sắt nếu trẻ bị thiếu máu hoặc bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết khác.

  • Trẻ được cân và xem xét tình trạng dinh dưỡng, chế độ ăn uống của trẻ.

  • Được tư vấn về chế độ ăn uống hợp lí đối với tình trạng của bà mẹ và của trẻ.

5.6. Chăm sóc vệ sinh, phòng chống nhiễm giun

Đây là một điểm quan trọng. Trẻ cần được giữ sạch sẽ, rửa tay chân, tắm rửa thường xuyên. Cần đảm bảo vệ sinh trong chế biến thức ăn và cho trẻ ăn. Định kỳ tẩy giun cho trẻ theo chỉ định của y tế.

5.7. Tổ chức giáo dục, tư vấn dinh dưỡng tại cộng đồng và tại các gia đình, theo dõi biểu đồ tăng trưởng

Công tác giáo dục và tư vấn dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi hành vi nuôi dưỡng của các bà mẹ. Công tác này đòi hỏi sự kiên trì và có phương pháp đúng (xem bài giáo dục dinh dưỡng). Các can thiệp chỉ có hiệu quả bền vững nếu có kết hợp với giáo dục và tư vấn dinh dưỡng.

Một trong những công cụ của giáo dục dinh dưỡng là theo dõi biểu đồ tăng trưởng. Mặt khác, không như các bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng ở trẻ em tiến triển quanh co khúc khuỷu, đến khi nhận thấy thường là giai đoạn muộn. Do đó, vấn đề quan trọng là nhận biết sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời. Biểu đồ tăng trưởng còn là công cụ như vậy. Theo dõi cân nặng định kỳ đứa trẻ đều hàng tháng, đứa trẻ tăng cân đó là biểu hiện bình thường, cân đứng yên là biểu hiện đe doạ, nếu xuống cân là biểu hiện nguy hiểm.

Theo dõi và sử dụng biểu đồ tăng trưởng là công việc tự giác có ý thức của bà mẹ chứ không phải là hoạt động chuyên môn kỹ thuật riêng của cơ quan y tế. Trong phòng chống suy dinh dưỡng, vai trò người mẹ là trung tâm, biểu đồ tăng trưởng giúp họ đánh giá đúng đắn tình hình sức khoẻ của con họ.

5.8. Thực hành lý tưởng về nuôi dưỡng trẻ nhỏ

15 thực hành lý tưởng về nuôi dưỡng trẻ nhỏ gồm:

  • Cho trẻ bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh.

  • Trẻ mới sinh không được cho ăn/uống gì trước khi cho bú mẹ.

  • Trẻ mới sinh đều được bú sữa non.

  • Trẻ mới sinh và trẻ nhỏ đều được cho bú mẹ theo nhu cầu cả ngày lẫn đêm.

  • Trẻ mới sinh đều được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

  • Không có trẻ nào bị cai sữa trước thời điểm được 24 tháng tuổi.

  • Không cho trẻ ăn bằng bình với núm vú giả.

  • Trẻ nhỏ được bắt đầu cho ăn bổ sung từ tròn 6 tháng (180 ngày).

  • Trẻ nhỏ đều được cho ăn đủ số bữa mỗi ngày theo khuyến nghị.

  • Trẻ nhỏ đều đáp ứng các yêu cầu về năng lượng hàng ngày theo khuyến nghị.

  • Cho trẻ ăn những thực phẩm giàu năng lượng và dinh dưỡng.

  • Cho trẻ ăn thực phẩm đa dạng (với 8 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn).

  • Cho trẻ ăn những thực phẩm giàu sắt hàng ngày.

  • Cho trẻ ăn thịt, cá và thịt gia cầm hàng ngày.

  • Hỗ trợ và chăm cho trẻ ăn no trong các bữa ăn.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng