Giun và tẩy giun

Cập nhật: 11/27/2014 - Lượt xem: 8497
Một số loại giun thường gặp ký sinh tại đường ruột ở người là giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim.

1. Đường lây truyền nhiễm giun

  • Chủ yếu nhiễm giun qua đường Phân – Miệng.

  • Giun móc (mỏ) xâm nhiễm qua da.


 


2. Nguyên nhân nhiễm giun


  • Do người thường xuyên ăn rau sống, uống nước chưa nấu chín.

  

  • Do tập quán dùng phân tươi hoặc phân ủ chưa kỹ để bón rau, bón ruộng.

  • Điều kiện vệ sinh kém, đi chân đất, nguồn nước bị ô nhiễm trứng giun.

3. Tác hại của nhiễm giun

  • Rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, đau bụng vùng quanh rốn, thượng vị. Các triệu chứng viêm ruột mạn tính như táo bón, tiêu chảy xen kẽ, bất thường, kéo dài, thậm chí tiêu chảy lẫn máu.

  • Dị ứng: đôi khi xuất hiện các nốt ban ngứa ngoài da.

  • Giun đũa chui ống mật hoặc túi mật gây ra những bệnh lý ở gan mật rất nguy hiểm như tắc nghẽn đường mật, trứng giun là nguyên nhân tạo ra sỏi mật, áp – xe – gan (ổ mủ trong gan) với các triệu chứng cơ bản như đau quặn vùng bụng trên bên phải, sốt cao, vàng da, vàng mặt.

  • Giun đũa có thể gây lồng ruột, thủng ruột hoặc viêm ruột thừa khi nhiễm nhiều giun đũa có thể gây tắc ruột.

  • Chiếm chất dinh dưỡng: Cơ thể suy yếu dần, đề kháng kém, tình trạng suy dinh dưỡng tiến triển âm thầm làm giảm khả năng phát triển thể lực và trí lực trẻ em. Bình quân cứ 10 con giun đũa ăn mất 3g protein nguyên nhất (tương đương khoảng 20g thịt bò).

  • Giun móc/ mỏ và giun tóc hút máu, gây nên tình trạng chảy máu liên tục tại nơi giun ký sinh, dẫn đến tình trạng thiếu máu ngày càng trầm trọng với các biểu hiện như tăng nhịp tim, hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, hoa mắt, xanh xao, da niêm mạc nhợt, suy tim.

  • Phụ nữ rối loạn kinh nguyệt, trẻ em chậm lớn, còi cọc, giảm thị lực, hay quên làm sao sút học tập, lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng và thậm chí gây phù toàn thân.

4. Dự phòng nhiễm giun

  • Vệ sinh môi trường: Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi ra môi trường, không dùng phân tươi hoặc chưa ủ kỹ để bón cây, không để chó gà tha phần gây ô nhiễm môi trường.

      

        Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống giun sán

  • Vệ sinh cá nhân: tập thói quen rửa tay cho trẻ (rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh), không để trẻ lê la dưới đất, nhất là không mặc quần thủng đít, vệ sinh tay chân trẻ luôn sạch, cắt móng tay, không đi chân đất.


                   Tẩy giun giúp trẻ hay ăn chóng lớn

  • Vệ sinh ăn uống: ăn thức ăn nấu chín, uống nước đã đun sôi để nguội, không uống nước lã.

  • Giáo dục y tế: Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, giáo dục sức khỏe, ý thức vệ sinh cá nhân và môi trường.

                

  • Quan tâm và ưu tiên phòng chống giun móc cho các đối tượng trẻ em và phụ nữ tuổi sinh sản tại vùng có tỷ lệ nhiễm giun móc/ mỏ cao.

Nguồn: Trích từ cuốn Hướng dẫn triển khai cho uống Vitamin A và thuốc tẩy giun - Viện Dinh dưỡng và Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương