Thiếu Vitamin A ở bà mẹ và trẻ em

Cập nhật: 11/27/2014 - Lượt xem: 32814
1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VẤN ĐỀ THIẾU VITAMIN

Vitamin A là một trong 3 loại vi chất (iod, vitamin A, sắt) đang được quan tâm vì sự thiếu hụt các vi chất này ở các nước đang phát triển đã và đang trở thành vấn đề có ý nghĩa đối với sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có khoảng 3 triệu trẻ em bị khô mắt (tổn thương mắt do thiếu vitamin A dẫn đến mù lòa) và có tới 251 triệu trẻ em bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Ở Việt nam, vào những năm 80, tỷ lệ khô mắt có tổn thương giác mạc ở trẻ em trước tuổi đi học cao hơn ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 7 lần và ước tính mỗi năm có khoảng 5.000-6.000 trẻ em bị mù lòa do thiếu vitamin A (điều tra của Viện Dinh dưỡng, Viện Mắt).

Các điều tra mới đây của Viện Dinh dưỡng (2001, 2009) cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A lâm sàng còn phổ biến ở mức trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (10-19%). Có sự chênh lệch giữa các vùng về tỷ lệ thiếu vitamin A, tại Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh khoảng 3-5%, một số tỉnh miền núi có tỷ lệ thiếu trên 20%.

Ý nghĩa của việc cải thiện tình trạng vitamin A đối với sức khỏe cộng đồng như:

  • Bổ sung vitamin A trên quần thể trẻ có nguy cơ thiếu vitamin A làm giảm 23% tỷ lệ tử vong.

  • Bổ sung vitamin A làm giảm tử vong ở trẻ bị mắc bệnh sởi.

  • Bổ sung carotene hay vitamin A làm giảm tử vong mẹ.

  • Bổ sung vitamin A làm giảm thiếu máu (do cơ chế tăng huy động sắt trong cơ thể).

2. VAI TRÒ CỦA VITAMIN ĐỐI VỚI CƠ THỂ


Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng, tham gia vào nhiều chức phận trong cơ thể:

  • Vitamin A có vai trò trong quá trình tăng trưởng, giúp cho trẻ phát triển bình thường.

  • Vitamin A tham gia vào chức năng nhìn của mắt trong điều kiện ánh sáng yếu. Biểu hiện của nó được gọi là “Quáng gà”, đây là dấu hiệu sớm của thiếu vitamin A.

  • Vitamin A tham gia vào chức năng thị giác của mắt, đó là khả năng nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu. Khi thiếu Vitamin A khả năng nhìn thấy của mắt lúc ánh sáng yếu sẽ bị giảm, hiện tượng này thường xuất hiện vào lúc trời nhá nhem tối nên được gọi là “Quáng gà”. Quáng gà là biểu hiện sớm về lầm sàng của thiếu vitamin A.

  • Vitamin A cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô giác mạc mắt, các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, các tuyến nước bọt, ruột non, tinh hoàn… Khi thiếu vitamin A, sản xuất các niêm mạc giảm, da bị khô và xuất hiện sừng hóa, biểu hiện này thường thấy ở mắt, lúc đầu là khô kết mạc rồi tổn thương đến giác mạc. Các tế bào biểu mô bị tổn thương cùng với sự giảm sút sức đề kháng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

  • Vitamin A tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch cơ thể, làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật. Nếu thiếu vitamin A, trẻ em dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn và khi bị mắc bệnh, thời gian bệnh kéo dài hơn, nguy cơ tử vong cao hơn.

3. NGUYÊN NHÂN GÂY THIẾU VITAMIN A

Cơ thể lấy vitamin A từ thức ăn và được dự trữ chủ yếu ở gan. Thiếu vitamin A chỉ xảy ra khi lượng vitamin A ăn vào không đủ và vitamin A dự trữ bị hết. Nguyên nhân gây thiếu vitamin A gồm:

  • Do khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A: Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải do thức ăn cung cấp, vì vậy nguyên nhân chính của thiếu vitamin A là do ăn uống các loại thức ăn nghèo vitamin A và Caroten (tiền vitamin A). Bữa ăn thiếu mỡ làm giảm hấp thu vitamin A (vì vitamin A tan trong chất béo). Sữa mẹ là nguồn vitamin A quan trọng của trẻ nhỏ. Trẻ không được bú mẹ rất dễ thiếu vitamin A.

  • Bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng: Các bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng sau có liên quan nhiều tới thiếu vitamin A: Sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp và nhiễm giun nặng, nhất là nhiễm giun đũa. Sởi gây thiếu vitamin A vì khi mắc sởi, nhu cầu vitamin A trong cơ thể tăng cao. Virus sởi tác động vào hệ thống niêm mạc, do đó rất cần vitamin A để bảo vệ. Mặt khác, sởi có thể có các biến chứng nặng có thể dẫn tới suy dinh dưỡng toàn than. Tiêu chảy làm giảm hấp thu vita- min A ở ruột. Gần đây, người ta thấy cả tiêu chảy cấp tình và nhiễm khuẩn hô hấp cũng có thể gây mất vitamin A qua phân và nước tiểu.

Nhiễm ký sinh trùng đường ruột nhất là nhiễm giun đũa làm khả năng hấp thu vitamin A giảm. Tẩy giun sẽ cải thiện tình trạng vitamin A.

  • Suy dinh dưỡng protein - năng lượng: Trẻ em bị suy dinh dưỡng thường kèm theo thiếu vitamin A. Thiếu protein sẽ ảnh hưởng tới chuyển hóa, vận chuyển và sử dụng vitamin A trong cơ thể. Ngòai ra, thiếu một số vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin A trong cơ thể.

4. HẬU QUẢ CỦA THIẾU VITAMIN A

  • Thiếu vitamin A làm trẻ em chậm lớn, nhât là ở trẻ nhỏ.

  • Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng cơ thể đối với bệnh tật, trẻ dễ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là các nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa và sởi. Nhiễm trùng và thiếu vi- tamin A là một vòng luẩn quẩn bệnh lý dẫn tới nguy cơ tử vong cao.

  • Ở mức độ thiếu vitamin A nặng sẽ gây nên các tổn thương ở mắt, được gọi là bệnh “Khô mắt”, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả mù vĩnh viễn.

5. ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG THIẾU VITAMIN A


5.1. Biểu hiện lâm sàng khô mắt do thiếu vitamin A

Quáng gà: (kí hiệu XN): Là hiện tượng giảm thị lực trong điều kiện thiếu ánh sáng. Đây là biểu hiện sớm nhất của bệnh khô mắt do thiếu vitamin A, phát hiện bệnh thông qua các biểu hiện: vào lúc chậm choạng tối, đứa trẻ trở nên nhút nhát, chỉ ngồi yên tại chỗ, không dám đi lại hoặc chạy đùa theo bạn. Trẻ lớn thường phải lần tường khi đi lại và hay va vấp vào những đồ vật trên lối đi và hay bị vấp ngã. Trẻ không biết tìm nhặt đồ chơi và không cầm đúng thức ăn khi mẹ đưa cho. Cần phân biệt với một số ít trường hợp quáng gà do bệnh nhân nhãn khoa chứ không do thiếu vi- tamin A(chẩn đoán phân biệt bằng điều trị thử vitamin A). Quáng gà do thiếu vitamin A khi được điều trị bằng vitamin A liều cao sẽ khỏi nhanh chóng sau 2-3 ngày.

Vệt Bito (ký hiệu X1B): Là những vệt trắng bóng trên màng tiếp hợp mắt (còn gọi là kết mạc hay lòng trắng), thường có hình tam giác như đám bọt xà phòng, hay gặp ở sát rìa giác mạc ở vị trí 3 giờ hoặc 9 giờ, có thể thấy ở cả 2 mắt. Vệt Bito chính là những đám tế bào biểu mô kết mạc bị khô, dày lên, sừng hóa và bong vảy. Vệt Bito là triệu chứng đặc hiệu của tổn thương kết mạc do thiếu vitamin A.

Khô giác mạc (ký hiệu là X2): Giác mạc (lòng đen) trở nên mất độ bóng sáng, mờ đục như làn sương phủ, có thể sần sùi. Khô giác mạc hay xảy ra ở nửa dưới giác mạc. Thường khô giác mạc hay kèm theo khô kết mạc, có khi kèm vệt Bito. Biểu hiện quan trọng nhất là trẻ sợ ánh sáng, hay cụp mắt nhìn xuống, ra sáng thường nhắm mắt, ở giai đoạn này nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể hồi phục hoàn toàn không để lại di chứng.

Loét nhuyễn giác mạc (ký hiệu là X3A và X3B): Loét giác mạc là sự mất tổ chức một phần hay tất cả các lớp của giác mạc. Khi loét giác mạc được phát hiện và điều trị kịp thời thì vết loét sẽ liền nhanh, sẹo để lại nhỏ và mỏng, thị lực bị giảm ít. Nếu để loét giác mạc sâu và rộng sẽ bị mù vĩnh viễn.

Sẹo giác mạc do khô mắt (ký hiệu là XS): Là di chứng sau khi bị loét giác mạc, tùy theo vị trí và mức độ sẹo (sẹo lồi, sẹo dúm) sẽ ảnh hưởng đến thị lực hoặc mù hoàn toàn.

Tổn thương đáy mắt do khô mắt (ký hiệu là XF): Là tổn thương của võng mạc do thiếu vitamin A, biểu hiện tình trạng thiếu vitamin A mạn tính. Tổn thương thường gặp ở trẻ tuổi đi học, có thể kèm theo quáng gà. Phát hiện bằng soi đáy mắt, cho thấy hình ảnh các chấm nhỏ màu trắng hoặc vàng nhạt rải rác, dọc theo các mạch máu võng mạc. Điều trị bằng vitamin A sẽ hồi phục nhanh chóng.

5.2. Đánh giá hóa sinh

Hàm lượng vitamin A trong gan là chỉ tiêu tốt nhất để đánh giá về tình trạng vitamin A, tuy vậy không dễ thực hiện. Trong cơ thể, có tới 90% vitamin A tích lũy ở gan, do đó các xét nghiệm về hàm lượng vitamin A huyết thanh chỉ có giá trị tương đối, vì khi hàm lượng vitamin A dự trữ ở gan đã thay đổi khá nhiều, nó vẫn ở mức tương đối ổn định nhờ một cơ chế điều hòa.

Khi mức vitamin A trong huyết thanh dưới 0,7 µmol/l chứng tỏ cơ chế điều hòa đã mất hiệu lực, phản ánh tình trạng vitamin A ở giới hạn thấp. Khi vitamin A huyết thanh dưới 0,35 µmol/l phản ánh dự trữ vitamin A đã cạn và tỷ lệ có biểu hiện lâm sàng khô mắt cao lên.

Trong thời kỳ bú mẹ, mức vitamin A trong sữa mẹ là một chỉ tiêu quan trọng, qua đó biết được tình trạng vitamin A cũng như nguy cơ thiếu vitamin A ở đứa trẻ đang bú.

5.3. Điều tra khẩu phần

Chú ý tìm hiểu nuôi con bằng sữa mẹ, sử dụng các nguồn thức ăn giàu vitamin A và caroten sẵn có ở địa phương, tình hình dao động theo mùa và tập quán ăn uống đặc biệt là cho trẻ ăn sam, cách cho ăn khi trẻ bị ỉa chảy và các bệnh nhiễm trùng.
Sau đây là một số chỉ tiêu gợi ý đánh giá tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ em:



Chỉ tiêu mắc bệnh ở trẻ em (6 tháng đến 6 tuổi) để xác định tầm quan trọng của khô mắt (Tổ chức Y tế thế giới,1992)



Khi tỷ lệ mắc bệnh vượt quá một trong 3 chỉ tiêu lâm sàng ở trên, có thể kết luận ở đấy có vấn đề
thiếu vitamin A và bệnh khô mắt.

6. PHÒNG CHỐNG THIẾU VITAMIN A

6.1. Cải thiện bữa ăn, giáo dục truyền thông dinh dưỡng

Bảo đảm ăn uống đủ chất dinh dưỡng và vitamin A. Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Chế độ ăn của trẻ cần có thức ăn giàu vitamin A như:

  • Thức ăn nguồn gốc động vật: Trứng, cá, thịt, gan, bầu dục, tôm…

           
  • Thức ăn nguồn gốc thực vật: Ở nước ta, các loại rau có hàm lượng carotene đáng chú ý là rau muống, xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền, hành lá, hẹ lá, rau thơm, các loại củ quả như gấc, cà rốt, quả chín như đu đủ, xoài…

Thức ăn bổ sung của trẻ cần có đủ dầu, mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin A. Thực hiện giáo dục truyền thông đại chúng, hướng dẫn thực hành để các gia đình biết cách phòng chống thiếu vitamin A thông qua ăn uống và chăm sóc sức khỏe.

6.2. Bổ sung viên nang vitamin A liều cao:

Bổ sung vitamin A liều cao là thực hiện cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao được uống vitamin A định kỳ, thông thường 6 tháng một lần.

           
Đối tượng được bổ sung vitamin A: bổ sung vitamin A 6 tháng một lần cho trẻ 6-36 tháng tuổi (có thể mở rộng đến 60 tháng tuổi) và các bà mẹ trong vòng một tháng sau sinh.

Tháng 3/2011, tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị ngừng bổ sung vitamin A liều cao cho bà mẹ sau sinh do nhiều nghiên cứu không thấy hiệu quả, tuy nhiên Việt Nam đang thảo luận và chưa áp dụng khuyến nghị này.

Phác đồ bổ sung hiện tại như sau: Trẻ 6-36 tháng được uống viên nang 200.000 IU (đơn vị quốc tế) mỗi năm 2 lần (đối với trẻ dưới 12 tháng cho uống viên nang 100.000 IU mỗi lần).

Chú ý: Đối với trẻ phát hiện khô mắt cần phải điều trị nhanh chóng, kịp thời. Tất cả các trường hợp mắc bệnh từ quáng gà, khô kết mạc, vệt Bitot đến khô loét giác mạc đều được cấp tốc điều trị theo phác đồ của Tổ chức Y tế Thế Giới như sau:

  • Ngay lập tức: cho uống 200.000 IU vitamin A.

  • Ngày hôm sau: uống tiếp 200.000 IU vitamin A.

  • Một tuần sau: uống nốt 200.000 IU vitamin A.

Trẻ dưới 12 tháng dùng nửa liều trên (mối lần uống 100.000 IU vitamin A).

Cần đặc biệt chú trọng đến bổ sung vitamin A liều cao cho các bà mẹ ngay sau đẻ.

6.3. Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn


Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng chống thiếu vitamin A. Các bệnh nhiễm trùng nhất là sởi tác động đến mắt nên đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ thiếu vitamin A. Do đó, công tác phòng chống bệnh thiếu vitamin A cần nằm trong chương trình phòng chống các bệnh thiếu dinh dưỡng và nhiễm khuẩn và được triển khai lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phòng chống thiếu vitamin A cần phối hợp với phòng chống suy dinh dưỡng, không những thực hiện tốt cho đối tượng trẻ em mà cần quan tâm đến cải thiện tình trạng vitamin A ở người mẹ.

6.4. Tăng cường vitamin A trong một số thực phẩm:

Tăng cường vitamin A vào thực phẩm được xem như là một giải pháp lâu dài để phòng chống vi chất dinh dưỡng nói chung và phòng chống thiếu vitamin A nói riêng. Giải pháp này đã thành công ở nhiều nước: như tăng cường vitamin A vào đường (các nước Trung Mỹ), dầu ăn (Philippines, In- donesia), mỳ ăn liền, thức ăn nhanh (Thái Lan).

Nước ta đã có những nghiên cứu thử nghiệm tăng cường vitamin A vào đường, vào bột mỳ, vào thức ăn bổ sung (bột dinh dưỡng) cho trẻ em, chứng minh cải thiện tình trạng vitamin A người sử dụng.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng